Mụn bọc (Acne conglobata) là dạng mụn trứng cá hiếm gặp nhưng biểu hiện nghiêm trọng hơn so với các loại mụn khác. Các ổ áp xe sâu dưới da có thể liên kết với nhau, tạo sẹo hay gây biến dạng khuôn mặt nếu không điều trị đúng cách. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
- Mụn bọc là tình trạng mụn viêm lớn, sần và có nốt mụn (nốt nang). Các nốt mụn phát triển sâu dưới da, lan rộng và có kích thước lớn. Mụn bọc cũng có thể tiến triển nung mủ và có thể gây áp xe, các ổ áp xe có thể thông nhau và tạo thành ổ to hơn hoặc tạo “đường hầm” dưới da. Mủ chảy ra có mùi hôi.
- Dù mụn bọc được xem là một tình trạng da liễu nghiêm trọng, các phương pháp điều trị y tế có thể giúp điều trị mụn, giảm nguy cơ bị sẹo. Người bệnh cần đi khám da liễu để có hướng điều trị phù hợp với tình trạng mụn bọc.
- Các vị trí mụn bọc thường nổi: vai, ngực, cánh tay trên, mông, mặt và đùi.
Triệu chứng
Triệu chứng của mụn bọc bao gồm:
- Sưng và đỏ: Vùng da bị mụn bọc thường sưng và có màu đỏ.
- Đau và đau nhức: Mụn bọc thường đau và căng.
- Mặt nổi lên: Mụn bọc nổi lên dưới da, không có lỗ để dầu và mủ thoát ra ngoài.
Triệu chứng của các loại mụn bọc thường gặp:
- Mụn bọc có nhân: Mụn bọc có nhân thường xuất hiện thành từng cục lớn, không có đầu trắng; cảm giác cứng và đau khi sờ vào. Nhân mụn nằm sâu trong da và nang lông nên thời gian điều trị lâu hơn so với mụn khác.
- Mụn bọc không nhân: Có hình dạng cục u lớn, không có đầu trắng; cứng, cộm và đau nhức khi sờ vào, nhất là khi mụn ở trạng thái sưng to. Thực chất, loại mụn này có nhân nhưng lại nằm sâu dưới da và nang lông nên gây khó khăn trong điều trị.
- Mụn bọc bị chai: Nhân mụn khi không được loại bỏ hoàn toàn sẽ ẩn sâu dưới da, gây tình trạng mụn chai cứng. Biểu hiện dễ nhận thấy là nhân mụn khô cứng, nốt mụn màu đen; khiến da không đều màu, mất thẩm mỹ.
- Mụn bọc có mủ: Nguyên nhân là do các ổ vi khuẩn hình thành trên da đang trong tình trạng viêm nhiễm nặng. Ban đầu chỉ là nốt sần cứng, sau đó mưng mọng kèm cảm giác đau nhức. Khi mụn vỡ, dịch tiết ra bao gồm mủ và máu. Loại mụn này dễ để lại vết thâm, sẹo rỗ.
- Mụn bọc có dịch: Mụn đặc trưng là tình trạng chứa dịch lỏng bên trong gồm mủ và máu. Mụn bọc nước thường xuất hiện ở mí mắt, quanh miệng, mép, vành môi… gây sưng đỏ kèm cảm giác đau, ngứa.
- Mụn bọc có máu: Hình dáng dễ nhận biết là những nốt mụn to tròn, bên trong chứa mủ và máu, đầu mủ trắng tròn, thường gặp ở tuổi dậy thì.
- Mụn bọc đầu trắng: Khá giống với mụn sữa ở trẻ nhỏ, thường mọc ở các vị trí vùng chữ T như trán, mũi, má, cằm; lưng, vai… Mụn hình thành từ phản ứng giữa vi khuẩn và các tế bào miễn dịch vây quanh bởi mô viêm đỏ.
Nguyên nhân
Trong các loại mụn thì mụn bọc là khó xử lý và chữa dứt điểm nhất một phần do nguyên nhân gây bệnh phức tạp, khó loại bỏ triệt để. Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến mụn bọc:
Rối loạn chức năng bài tiết
Hệ bài tiết chính của cơ thể là gan và thận, khi hai cơ quan này hoạt động kém hiệu quả sẽ khiến độc tố tích tụ và da là một trong những nơi chịu ảnh hưởng. Khi rối loạn chức năng bài tiết, tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn khiến da đổ dầu nhiều, dễ thu hút bụi bẩn, tế bào da chết hình thành mụn. Kết hợp với việc vệ sinh da không tốt, mụn bọc ở mũi, má hay cằm sẽ dễ dàng phát triển.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt thiếu lành mạnh
Không chỉ tinh thần mà cơ thể bạn cũng có thể gặp phải tình trạng stress khi thận và gan hoạt động kém hiệu quả gây rối loạn các cơ quan khác trong cơ thể. Những thói quen như ngủ muộn, nghỉ ngơi không hợp lý, ăn thực phẩm kém lành mạnh, thời gian làm việc dài,… đều ảnh hưởng đến nội tiết, thậm chí gây nhiễm độc gan, mọc mụn bọc chỉ là 1 trong những hệ lụy gặp phải.
Nguyên nhân di truyền
Một số người bị mụn bọc rất khó chữa, kéo dài dai dẳng do yếu tố di truyền, song các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác gen liên quan.
Đối tượng nguy cơ
Mụn bọc có thể xuất hiện ở mọi người, nhưng có một số yếu tố và nhóm người dễ bị mụn bọc hơn:
- Người có da dầu: Dầu da dễ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn Propionibacterium acnes phát triển, gây mụn bọc.
- Tuổi dậy thì: Sự thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì có thể gây tăng sản xuất dầu da, làm tăng nguy cơ mụn bọc.
- Người có tiền sử gia đình về mụn trứng cá
- Người sử dụng mỹ phẩm chứa dầu.
- Người tiếp xúc với chất cản trở da: Nếu bạn tiếp xúc thường xuyên với các chất gây kích ứng da, chẳng hạn như dầu động vật hoặc dầu khoáng, có thể làm tăng nguy cơ bị mụn bọc.
- Người có thói quen nặn mụn: Nặn mụn một cách không cẩn thận có thể gây tổn thương cho da, khiến vi khuẩn bị tràn vào lớp biểu bì sâu hơn và tạo nên mụn bọc.
- Người có chế độ ăn không cân đối: Thức ăn có đường và chất béo quá mức có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của mụn bọc.
- Người có căng thẳng và áp lực tinh thần.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán mụn bọc bằng cách xem các triệu chứng biểu hiện trên da. Ngoài ra, nếu bạn có các triệu chứng trên hoặc nghi ngờ bị mụn bọc thì nên ghé bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra thêm.
Phòng ngừa bệnh
Sau đây là một số cách chăm sóc và phòng ngừa mụn bọc mà bạn nên biết:
- Rửa mặt đúng cách: Rửa mặt hai lần mỗi ngày, sáng và tối để loại bỏ bụi bẩn, dầu nhờn và tạp chất trên da, nên sử dụng sữa rửa mặt lành tính, dịu nhẹ và không gây khô da. Bên cạnh đó, tránh sử dụng nước nóng quá mức vì có thể làm khô da và kích thích sự sản sinh dầu nhờn trên da.
- Tránh sử dụng mỹ phẩm gây kích ứng: Nếu bạn có làn da dầu mụn hoặc nhạy cảm thì nên hạn chế việc sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da chứa dầu, chất gây kích ứng.
- Tránh chạm tay vào mặt: Chạm tay lên mặt có thể đưa vi khuẩn từ tay tiếp xúc với da, từ đó dễ gây viêm nhiễm và tắc nghẽn lỗ chân lông.
- Hạn chế tiếp xúc với dầu: Tránh để da tiếp xúc với sản phẩm có chứa thành phần dầu nhiều như dầu gội đầu, dầu dưỡng tóc.
- Tránh stress: Stress là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự xuất hiện của mụn bọc. Vì vậy, bạn nên tìm những phương pháp để giảm stress như yoga, thiền, tập thể dục và thư giãn.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và giàu chất xơ.
- Bảo vệ da khỏi tác động của môi trường: Sử dụng kem chống nắng hằng ngày để bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời và tia UV.
Điều trị như thế nào?
- Bác sĩ da liễu sẽ xem xét các tổn thương và tiền sử gia đình có hay không mắc các bệnh về da liễu hay tình trạng viêm da.
- Các xét nghiệm có thể được xem xét chỉ định như công thức máu để biết mức độ nhiễm trùng, soi da để biết tình trạng da nhờn, các tăng sinh mạch máu và sắc tố da.
- Đối với việc điều trị, các phương pháp bao gồm điều trị đơn thuần (không kê đơn), dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, các loại thuốc không kê đơn như axit salicylic hay các loại thuốc bôi không áp dụng với mụn bọc hay mụn trứng cá nốt nang vì chỉ điều trị các lớp da trên. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị kết hợp thuốc bôi, thuốc uống theo toa và thuốc trị sẹo.
Điều trị đơn thuần bằng thuốc bôi:
- Điều trị đơn thuần sẽ không hiệu quả đối với mụn bọc trứng cá. Do đó, bác sĩ da liễu khuyên nên kết hợp cùng thuốc uống để có kết quả tốt hơn. Các lựa chọn phổ biến nhất bao gồm: benzoyl peroxide (loại bỏ bã nhờn, tế bào da chết), corticosteroid (giảm viêm)…
Thuốc uống:
- Kháng sinh uống trị mụn: Minocycline, Tetracycline hoặc Doxycycline.
- Các loại thuốc kháng viêm chống sưng non steroid.
- Thuốc trị mụn theo toa isotretinoin thường được dùng điều trị mụn bọc, hoạt động bằng cách ngăn chặn bã nhờn dư thừa trong lỗ chân lông.
Không nên kết hợp tetracyclin với isotretinoin đường uống vì có thể gây tình trạng tăng áp lực bên trong hộp sọ.
- Retinoids tại chỗ không hiệu quả bằng retinoids đường uống. Lưu ý, không sử dụng retinoid cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
- Nếu không đáp ứng với các loại thuốc trên, dapsone hoặc infliximab, laser carbon dioxide (có hoặc không isotretinoin) có thể được chỉ định.
- Nếu mụn bọc tiến triển nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, một lựa chọn khác là bức xạ chùm bên ngoài.
Phụ nữ bị mụn bọc trứng cá đang dùng thuốc tránh thai hoặc kháng androgen có thể nhận được công dụng giảm mụn. Testosterone hay một vài loại thuốc nội tiết tố nhất định có thể giúp ích cho việc điều trị mụn bọc.
Phẫu thuật điều trị sẹo:
- Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật điều trị sẹo nếu mức độ nghiêm trọng; chỉ định sử dụng steroid giảm viêm.
- Kỹ thuật ghép da có thể được áp dụng để điều trị sẹo bằng cách lấy các mô từ các vùng khác trên cơ thể lấp vào vùng bị ảnh hưởng.
- Cả hai phương pháp phẫu thuật và ghép da đều giúp giảm bớt sự khó chịu và lo lắng về thẩm mỹ ở người bệnh.
Trên đây là những chia sẻ về mụn bọc, hi vọng với bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về mụn bọc.