Từ khi bạn trở thành một cô gái, chắc bạn đã được mẹ, bạn bè chỉ dẫn cách tự chăm sóc trong ngày “đèn đỏ” cũng như cách vệ sinh cho “cô bé” hàng ngày.
Từ khi bạn trở thành một cô gái, chắc bạn đã được mẹ, bạn bè chỉ dẫn cách tự chăm sóc trong ngày “đèn đỏ” cũng như cách vệ sinh cho “cô bé” hàng ngày. Bài viết sau đây xin bật mí với bạn cách chăm sóc “cô bé” thế nào cho đúng để bạn tham khảo và thực hiện nếu thấy cần.
4 điều nên làm
Rửa vùng kín 2 lần/ngày bằng nước sạch: Tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội tới nhiệt độ thích hợp, hơi ấm tay. Nếu dùng dung dịch vệ sinh thì bạn cần được sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua sử dụng, cũng không nên lạm dụng việc dùng dung dịch vệ sinh vì nó có thể làm mất cân bằng độ pH ở vùng kín. Khi rửa, bạn cần thực hiện đúng là rửa từ trước ra sau, rửa âm đạo trước, sau đó mới tới hậu môn. Nếu bạn rửa từ sau ra trước thì vi khuẩn từ hậu môn sẽ vào trong âm đạo, gây ra viêm nhiễm âm đạo và nhiễm khuẩn đường tiểu.
Tắm bồn, ngâm lâu trong nước, nhất là những ngày “đèn đỏ” dễ bị nhiễm khuẩn sinh dục.
Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ có thói quen dùng băng vệ sinh hằng ngày thay vì tới chu kì kinh mới dùng, điều này không tốt, vì dùng băng vệ sinh thường xuyên làm bít kín vùng âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ bị mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng thì phải thay băng vệ sinh 4 tiếng 1 lần.
Vệ sinh ngày “đèn đỏ”: Trong những ngày “đèn đỏ”, bạn nên sử dụng quần lót chất liệu cotton không quá chật và thay mỗi ngày. Chọn dùng loại băng vệ sinh có chất lượng tốt, thấm hút tốt, khô thoáng để thấm máu kinh. Cứ 4 giờ thay băng một lần, mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch, tuyệt đối không dùng vòi nước xịt trực tiếp vào trong âm đạo vì sẽ đẩy vi khuẩn ở ngoài theo dòng nước vào trong âm đạo. Sau đó dùng khăn sạch, lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới. Thiếu nữ mới lớn chưa nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ bởi axít trong các dung dịch này có thể làm thay đổi môi trường âm đạo. Trong những ngày có kinh, bạn chỉ nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng nề, không bơi lội. Chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần thanh thản, không lo nghĩ, không để những điều không hay tác động gây khó chịu, giận dữ.
Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục: Trước khi quan hệ tình dục, bạn cần tắm rửa sạch sẽ. Sử dụng nước đun sôi để nguội để rửa vùng kín rồi lau sạch bằng khăn sạch khô hoặc giấy vệ sinh loại đã tiệt khuẩn. Sau khi quan hệ thì sử dụng giấy tiệt khuẩn lau sạch và rửa bằng nước sạch. Tuyệt đối không dùng tay moi móc chất dịch trong âm đạo ra ngoài. Nếu bạn dùng bao cao su khi quan hệ thì càng an toàn, bạn chỉ cần rửa lại bằng nước sạch là được.
5 điều không nên làm
Không lạm dụng dung dịch vệ sinh: Bạn không nên dùng dung dịch vệ sinh hoặc xà phòng diệt khuẩn tắm rửa nhiều lần trong 1 ngày. Vì dung dịch vệ sinh và xà phòng đều chứa một số hóa chất gây mất cân bằng môi trường âm đạo, khiến vùng kín dễ bị khô và ngứa rát, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm nhiễm.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh: Nếu bạn nghĩ, dùng thuốc kháng sinh để diệt sạch vi khuẩn, sẽ không bị viêm nhiễm thì rất sai lầm. Vì thuốc kháng sinh sẽ diệt cả vi khuẩn gây và vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng vi khuẩn chí ở âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập gây bệnh, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển gây bệnh càng nguy hiểm.
Không nên để “vi-ô-lông”quá rậm rạp: Nhiều phụ nữ cứ để nguyên lông ở vùng kín từ trước đến nay, làm cho nó quá rậm rạp, tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng, rận mu… cư ngụ gây mùi hôi và viêm nhiễm da, nang lông rất khó chịu.
Không dùng giấy ướt có mùi thơm: Nếu bạn nghĩ dùng giấy ướt có mùi thơm để vệ sinh hằng ngày cho vùng kín để giúp vùng kín có mùi thơm thì rất sai lầm. Bởi các loại giấy ướt, đặc biệt là giấy có mùi thơm, thường chứa một số loại hóa chất như chất tạo mùi, chất khử khuẩn… không tốt cho “cô bé” chút nào. Thậm chí còn làm vùng kín dễ bị viêm nhiễm.
Không ngâm “cô bé” trong nước quá lâu: Nếu bạn có thói quen tắm bồn mà ngâm “cô bé” lâu trong nước thì thật là nguy hại. Bởi vi khuẩn từ nước bồn tắm có thể dễ dàng xâm nhập “cô bé” rồi gây bệnh.
BS. Kiều Như Quỳnh