Rong kinh không phải là một bệnh mà là một tình trạng kinh nguyệt kéo dài gây mất máu, thiếu máu và bất tiện trong sinh hoạt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Nó cũng có thể là hậu quả của một số tình trạng bất thường về nội tiết liên quan đến hormon hoặc trong bộ phận sinh dục như u xơ tử cung hoặc rối loạn đông máu…Vì vậy, để điều trị rong kinh, cần tìm hiểu nguyên nhân và khám thực thể để dùng một số thuốc khắc phục các tình trạng này.
Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của nữ kéo dài từ 22 – 35 ngày. Số ngày kinh nguyệt kéo dài từ 2-7 ngày và số lượng máu kinh khoảng từ 20-80ml. Rong kinh là khi hiện tượng kinh nguyệt của người phụ nữ kéo dài trên 7 ngày, lượng máu trên 80ml và thường kèm theo hiện tượng đau bụng kinh. Khi bị rong kinh các thầy thuốc thường sử dụng các nhóm thuốc sau để điều trị:
Thuốc có tác dụng cầm máu
Tranexamic acid làm giảm chảy máu kinh nguyệt theo cơ chế giảm hóa lỏng máu vón cục từ các tiểu động mạch nội mạc tử cung. Tuy nhiên thuốc này gây ra một số phản ứng có hại như đau đầu, mệt mỏi, đau bụng… Tránh sử dụng cho những bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã hoặc đang mắc bệnh huyết khối tắc mạch (rối loạn tăng đông máu, tắc động mạch võng mạc, huyết khối não, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi). Cần sử dụng thận trọng nhóm thuốc này ở những bệnh nhân có chảy máu trên đường tiết niệu hoặc tắc nghẽn do hình thành cục máu đông, suy thận, xuất huyết dưới màng nhện, ở những bệnh nhân có sử dụng nội tiết tránh thai.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Các thầy thuốc thường kê đơn cho người bệnh bị rong kinh sử dụng nhóm thuốc này với mục đích để giảm tổng hợp prostaglandin, chất có liên quan đến co thắt và xuất huyết tử cung dùng để điều trị cho bệnh nhân rong kinh có kèm đau bụng kinh. Nên sử dụng thuốc khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi tình trạng mất máu nhiều ngừng hẳn. Không nên dùng các NSAIDs cho những phụ nữ bị rong kinh thứ phát có rối loạn chảy máu.
Các hormon
Các hormon thường được dùng trong trường hợp người phụ nữ bị rong kinh nhưng vừa muốn duy trì khả năng sinh sản vừa muốn ngừa thai. Các thuốc tránh thai chứa estrogen và progesteron ức chế sự rụng trứng và khả năng sinh sản thông qua tác động trên trục hạ đồi – tuyến yên làm ngăn chặn sự gia tăng của nội mạc tử cung, đồng thời có tác dụng làm giảm lượng máu kinh. Đây là loại thuốc hay chọn nhất cho phụ nữ bị rong kinh không rõ nguyên nhân. Tránh sử dụng ở các bệnh nhân có tiền sử hay đang mắc huyết khối tắc mạch, bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, tăng huyết áp không được kiểm soát, rối loạn đông máu, đái tháo đường, đau đầu trầm trọng, đau nửa đầu, bệnh gan, bệnh vú hoặc ung thư nội mạc tử cung.
Ngoài ra, các thầy thuốc sản khoa cũng có thể sử dụng hormon steroid loại androgenic trong điều trị rong kinh. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của estrogen và progestogen. Có tác dụng chống tăng sinh nội mạc tử cung hiệu quả và ức chế việc sản xuất gonadotropins ở tuyến yên gây rụng trứng và làm giảm lượng máu kinh đến 50%. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ bất lợi, do đó ít được chọn lựa trong điều trị rong kinh.
Dụng cụ đặt tử cung có chứa levonorgesterol
Dụng cụ này làm giảm chảy máu rất tốt là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị người bị rong kinh. Tuy nhiên không đặt dụng cụ này cho phụ nữ có bất thường tử cung, viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo không được điều trị, chảy máu tử cung bất thường chưa được chẩn đoán, bệnh gan, ung thư vú…
Ngoài ra, phụ nữ bị rong kinh có thể sử dụng một số thuốc vitamin có chứa sắt để phòng chống thiếu máu do bị mất máu nhiều theo chỉ định của bác sĩ. Một số bài thuốc y học cổ truyền sắc uống cũng có tác dụng tốt trong điều trị rong kinh cho phụ nữ.
Thuốc điều trị rong kinh hay dùng là các loại hormon đều liên quan chặt chẽ đến tác dụng ngừa thai và tình trạng nội tiết của người dùng. Đây cũng là nhóm thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, tác dụng có hại (ADR) nên cần thận trọng khi sử dụng, chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa sau khi đã được thăm khám trực tiếp. Khi có các hiện tượng rong kinh chị em cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản, tránh để tình trạng mất máu kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản.
ThS. Lê Quốc Thịnh