Bệnh màng trước võng mạc xảy ra khi xuất hiện mô sẹo bất thường che khuất điểm vàng ở trung tâm võng mạc, khiến thị lực của người bệnh suy giảm. Nguyên nhân gây tình trạng này là sự xuất hiện bất thường của mô sẹo hoặc sự tăng sinh dẫn đến hình thành màng mỏng phủ ngoài võng mạc. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến thị lực cũng như cuộc sống của người bệnh.
Tổng quan chung
Bệnh màng trước võng mạc là gì?
Bệnh màng trước võng mạc hay còn gọi là màng tăng sinh trước võng mạc hoặc thoái hóa màng võng mạc xảy ra khi các mô sẹo hình thành trên điểm vàng. Khi điểm vàng nhăn nheo hoặc phồng lên, tầm nhìn trung tâm của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng.
Khi bị bệnh màng tăng sinh trước võng mạc, mọi thứ có thể trông gợn sóng hoặc người bệnh có thể gặp khó khăn khi nhìn chi tiết. Tầm nhìn trung tâm có thể xuất hiện một vùng xám hoặc nhiều mây. Màng trước võng mạc sẽ không ảnh hưởng đến tầm nhìn ngoại vi của người bệnh.
Triệu chứng
Nếu màng trước võng mạc dày, ảnh hưởng đến thị lực thì bệnh nhân sẽ có những triệu chứng điển hình sau:
- Mờ mắt: Một trong những triệu chứng chính là mờ mắt, làm cho việc đọc sách hoặc nhìn xa trở nên khó khăn, đây là dấu hiệu phân biệt với cận thị hoặc lão thị.
- Biến dạng hình ảnh: Hình ảnh có thể bị méo mó hoặc có hiện tượng song thị.
- Giảm thị lực trung tâm: Xuất hiện mảng màu xám hoặc điểm mù bất thường ở trung tâm tầm nhìn gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ các chi tiết ở trung tâm của tầm nhìn.
- Khó khăn khi nhìn vào các chi tiết nhỏ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh màng trước võng mạc là sự hình thành mô sẹo che khuyết điểm vàng ở trung tâm võng mạc. Quá trình này xảy ra như sau:
- Mắt của con người chứa đầy thủy tinh thể, quá trình phân tách thủy tinh thể thường xuyên hơn theo thời gian, khiến thủy tinh thể dần co lại và tách khỏi bề mặt võng mạc.
- Quá trình phân tách thủy tinh thể thường không gây ảnh hưởng đến bề mặt võng mạc, đôi khi làm xuất hiện đốm đen hoặc vết bẩn ảnh hưởng đến tầm nhìn.
- Quá trình phân tách thủy tinh thể bất thường xảy ra chưa được làm rõ, song nó gây ra những tổn thương nhỏ trên bề mặt võng mạc.
- Khi bị tổn thương, võng mạc sẽ tự thực hiện quá trình làm lành, kết quả là sự hình thành những mô sẹo nhỏ.
- Theo thời gian, các mô sẹo nhỏ sẽ co lại và hình thành nếp nhăn, nếu chúng che khuất điểm vàng ở trung tâm võng mạc sẽ ảnh hưởng đến thị lực, kết quả là bệnh màng trước võng mạc.
Ngoài ra, ở một số người bệnh, bệnh màng trước võng mạc xảy ra có thể do các nguyên nhân sau:
- Tăng sinh tế bào bất thường, hình thành màng mỏng ở bề mặt võng mạc và che khuất điểm vàng trước võng mạc. Khi kiểm tra mắt, bác sĩ sẽ xác định được những tình trạng này.
- Chấn thương mắt: Gây tổn thương và kích thích sự phát triển của mô sẹo.
- Viêm nhiễm mắt: Viêm nhiễm lâu dài có thể dẫn đến hình thành màng trước võng mạc.
- Phẫu thuật mắt: Các can thiệp phẫu thuật như phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố nguy cơ
Lão hóa là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây ra bệnh màng tăng sinh trước võng mạc. Bệnh thường xảy ra sau tuổi 50 và phổ biến nhất trong số những người > 75 tuổi. Một số yếu tố khác cũng có nguy cơ mắc bệnh như:
- Bong dịch kính sau
- Bong hoặc rách võng mạc
- Sưng bên trong mắt
- Phẫu thuật trước hoặc tổn thương mắt nghiêm trọng do chấn thương
- Các vấn đề với mạch máu trong võng mạc
- Bệnh võng mạc đái tháo đường
- Viêm màng bồ đào
Các mô sẹo được kích thích phát triển do chấn thương ở mắt. Loại “tổn thương” phổ biến nhất là sự tách dịch kính ở trung tâm mắt khỏi võng mạc, xảy ra ở hầu hết bệnh nhân trong quá trình lão hóa. Dịch kính được tạo thành từ nước và một mạng lưới các sợi nhỏ. Khi những sợi này tách khỏi võng mạc với lực kéo mạnh có thể gây ra đủ tổn thương để kích thích sự phát triển của mô sẹo. Ngoài ra, sự phát triển mô sẹo có thể bị kích thích bởi tình trạng viêm nhiễm ở mắt, chấn thương và có thể nhưng hiếm là hậu phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Ngoài ra những người có tiền sử bệnh mắt như các bệnh lý như tiểu đường, viêm võng mạc hay chấn thương mắt cũng có nguy cơ bị màng trước võng mạc.
Chẩn đoán
Chẩn đoán màng trước võng mạc thường bao gồm:
- Khám mắt toàn diện: Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện tình trạng mắt.
- Chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Phương pháp này giúp xác định độ dày và cấu trúc của màng trước võng mạc. Người bệnh sẽ được tra thuốc giãn đồng tử để kiểm tra tình trạng tổn thương bên trong mắt. Sau đó, các bác sĩ sẽ chụp cắt lớp quang học OCT, chụp mạch huỳnh quang, soi đáy mắt cho hình ảnh chi tiết về võng mạc và điểm vàng. Từ đó kiểm tra các vấn đề của mắt và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
- Siêu âm mắt: Được sử dụng trong các trường hợp khó khăn để đánh giá chi tiết hơn về cấu trúc bên trong mắt.
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng ngừa và hạn chế bệnh màng trước võng mạc từ thói quen sinh hoạt hàng ngày
- Bảo vệ mắt khỏi chấn thương: Mang kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ cho mắt để tránh các chấn thương cho võng mạc.
- Quản lý các bệnh lý liên quan: Kiểm soát tốt các bệnh lý như tiểu đường để giảm nguy cơ biến chứng. Thường xuyên thăm khám, theo dõi chỉ số Glucose trong máu – một trong các nguyên nhân gây bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Kiểm tra mắt định kỳ: Đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như mắc bệnh lỗ hoàng điểm.
Điều trị như thế nào?
Nếu các triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể không cần điều trị. Thay vào đó, các bác sĩ nhãn khoa có thể thay đổi đơn kính hoặc kính áp tròng để cải thiện thị lực của bạn. Bạn cũng có thể chọn đeo kính hai tròng khi nhìn gần. Thuốc nhỏ mắt, thuốc uống và phẫu thuật laser không giúp ích gì cho thị lực nếu bạn bị màng trước võng mạc.
Nếu các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hơn, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định phẫu thuật cắt dịch kính bóc màng. Phẫu thuật bóc màng trước võng mạc (Vitrectomy) là một kỹ thuật loại bỏ màng sẹo trên võng mạc. Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực và cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Bác sĩ nhãn khoa của bạn sẽ loại bỏ một số dịch kính và mô sẹo trên điểm vàng của bạn. Dịch kính được lấy ra để ngăn tình trạng co kéo võng mạc và được thay thế bằng dung dịch muối (bởi lẽ dịch kính chủ yếu là nước, mắt người bệnh sẽ không nhận thấy sự thay đổi giữa dung dịch muối và dịch kính thông thường).
Phẫu thuật cắt dịch kính là một thủ tục phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và thường được thực hiện dưới gây tê cục bộ. Thủ thuật nhanh chóng, không gây đau đớn cho bệnh nhân. Sau khi phẫu thuật bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày và trở lại tái khám sau một ngày.
Sau phẫu thuật, thị lực người bệnh sẽ từ từ được cải thiện. Tuy nhiên, nó có thể không còn tốt như trước.
Kết luận
Màng trước võng mạc là một bệnh lý mắt phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Việc nhận biết sớm triệu chứng, nguyên nhân và đối tượng nguy cơ sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Thăm khám định kỳ và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe mắt.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến màng trước võng mạc, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc mắt đúng cách và định kỳ kiểm tra sức khỏe mắt sẽ giúp bạn duy trì thị lực tốt và phòng tránh các bệnh lý nghiêm trọng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.