Lang ben là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến nhất. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ em tới người lớn tuổi. Bệnh không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh luôn cảm thấy tự ti. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về lang ben qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh lang ben thường gặp ở những quốc gia có khí hậu nóng ẩm. Bệnh xảy ra khi da bị nấm Pityrosporum Ovale tấn công. Căn bệnh này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân, nhưng nó có thể gây mất nhiều sắc tố khiến làn da của người bệnh xuất hiện nhiều đốm trắng, vì thế họ luôn tự ti, e ngại khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên chủ quan vì căn bệnh này lại có thể tái nhiễm nếu bạn không biết cách bảo vệ da và phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Một điều đáng lưu ý đối với bệnh lang ben là tính lây nhiễm của bệnh. Căn bệnh này có thể lây từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh. Những người bệnh sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm thì khả năng lây nhiễm sẽ càng cao hơn. Thông thường người khỏe sẽ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc có thể lây bệnh do dùng chung những đồ dùng cá nhân với người bệnh, chẳng hạn như mặc chung quần áo, dùng chung khăn.
Triệu chứng
Có thể nhận biết lang ben qua những dấu hiệu sau:
- Các mảng da đổi màu, thường thấy ở lưng, ngực, bụng, cánh tay. Những mảng này có thể sáng hoặc tối hơn màu da bình thường.
- Ngứa tại mảng da bị lang ben hoặc vùng da xung quanh.
- Đổ quá nhiều mồ hôi.
- Các mảng da có thể khô và đóng vảy.
- Các mảng da không bị sạm đen hoặc rám nắng.
Nguyên nhân
Nấm Pityrosporum ovale phát triển trên bề mặt da. Nấm Pityrosporum ovale tác động vào lớp biểu bì làm sắc tố dưới da thay đổi, tạo nên các vùng da giảm hoặc mất sắc tố (trắng hơn hẳn so với các vùng da xung quanh).
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Thời tiết nóng ẩm
- Ra nhiều mồ hôi
- Da tăng tiết dầu
- Suy giảm miễn dịch (HIV, trẻ em sau mắc cúm, sởi…)
- Thay đổi nội tiết đặc biệt ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc sử dụng nội tiết thay thế.
- Vệ sinh cá nhân kém
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là:
- Những người sống trong môi trường có khí hậu nóng ẩm.
- Những người thường xuyên bị đổ mồ hôi (có thể là các trường hợp mắc chứng tăng tiết mồ hôi).
- Những người thoa kem dưỡng quá nhiều, quá dày, mặc quần áo quá chật khiến da bị bí.
- Những trường hợp bị suy dinh dưỡng cũng có thể mắc bệnh nấm lang ben.
- Đối tượng suy giảm hệ miễn dịch cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với bệnh.
- Thanh thiếu niên hay những người trẻ trong độ tuổi 20 cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người lớn tuổi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng và xét nghiệm:
- Triệu chứng:
- Dát nhạt màu hoặc màu thẫm, màu hồng, kích thước từ 4 – 5mm, khu trú chủ yếu vùng cổ, ngực, lưng và cánh tay
- Nhìn thương tổn như không có vảy nhưng cạo sẽ có vảy
- Xét nghiệm:
- Tìm thấy nấm ở vảy khi soi trực tiếp dưới kính hiển vi
- Có nhiều sợi nấm và bào tử vách dày được làm rõ trong dung dịch KOH 10%.
- Nuôi cấy không có giá trị chẩn đoán do nấm Pityrosporum ovale đòi hỏi phải có môi trường đặc biệt và chúng cũng thường có mặt ở da người bình thường.
- Soi đèn Wood thấy vùng giảm sắc tố do nhiễm nấm và huỳnh quang màu xanh lá cây nhạt.
Phòng ngừa bệnh
Lang ben là bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, sau khi điều trị thành công, người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau để hạn ngừa lang ben tái phát:
- Người có tiền sử lang ben, bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng những loại xà phòng có chứa kẽm pyrithione, ketoconazole hoặc selen sulfide. Loại xà phòng này có thể giúp ngừa nhiễm trùng và nấm men phát triển quá mức.
- Hạn chế đổ nhiều mồ hôi và nhiệt độ cao.
- Bôi kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Mặc quần áo rộng rãi, cotton để giảm tiết mồ hôi.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung các vật dụng cá nhân (quần áo, khăn tắm) với người khác.
Điều trị như thế nào?
Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc bôi trực tiếp lên da. Cần bôi liên tục từ 10 đến 14 ngày. Có thể kết hợp với loại kem bôi có tác dụng chống nấm. Màu sắc da sẽ dần được cải thiện.
Khi bệnh để lâu ngày, tiến triển nặng, các bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc chống nấm để điều trị bệnh. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng những loại thuốc chống nấm dạng uống có thể gây ra tác dụng phụ hoặc gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc điều trị bạn đang sử dụng vì thế cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh loại thuốc phù hợp.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về bệnh lang ben. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.