Việc bị khàn tiếng đôi khi có thể làm bạn lo lắng. Thường thì khàn tiếng xảy ra sau khi bạn đã la hét, nói nhiều hoặc do viêm họng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khàn tiếng có thể là dấu hiệu của một bệnh không rõ nguyên nhân, đặc biệt khi triệu chứng kéo dài. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về khàn tiếng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Giọng nói thay đổi, phát âm không rõ âm thanh, khi nói bị mệt, nói khó nghe là những biểu hiện của khàn tiếng do bị viêm dây thanh quản. Tình trạng này thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, trời lạnh, thời tiết diễn biến thất thường khiến người bệnh bị mệt mỏi, ớn lạnh, khàn tiếng hay thậm chí là mất giọng hoàn toàn.
Bên cạnh những nguyên nhân do thời tiết, khàn tiếng còn có thể là do bản thân người bệnh nói nhiều, nói liên tục, la hét, hát hò nhiều trong thời gian dài. Hay là do tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và không khí ô nhiễm. Tuy tình trạng này không gây nguy hiểm tới sức khỏe hay tính mạng nhưng lại khiến bệnh nhân gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nhất là đối với trường hợp những bệnh nhân có đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên dùng tới giọng nói như MC, ca sĩ, giáo viên,…
Nếu hiện tượng khàn tiếng chỉ xảy ra trong một vài ngày sau đó biến mất thì là điều bình thường. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra trên 2 tuần thì rất có thể là lời cảnh báo của các bệnh như viêm thanh quản, hạt xơ dây thanh, nguy hiểm nhất là ung thư thanh quản. Lúc này bệnh nhân cần phải đi khám ngay.
Triệu chứng
Triệu chứng của khàn tiếng thường xuất hiện dưới nhiều hình thức, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của khàn tiếng:
- Giọng nói rè và không rõ ràng: Triệu chứng chính của khàn tiếng là sự thay đổi đáng kể trong chất lượng giọng nói. Âm thanh trở nên rè, không rõ ràng, và đôi khi có thể đi kèm với tiếng kêu rít thanh quản.
- Đau họng và kích thích: Người bị khàn tiếng thường kèm theo cảm giác đau họng và kích thích, đặc biệt khi cố gắng nói ở mức độ cường độ cao hoặc trong thời gian dài.
- Thay đổi âm lượng: Người bị khàn tiếng thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát âm lượng giọng nói, có thể nói chuyện ở mức âm thanh thấp hơn hoặc cao hơn bình thường.
- Khó khăn trong việc nói lên âm cao và âm trầm: Có thể xuất hiện khó khăn trong việc nói lên những âm thanh cao hoặc thấp, khiến cho biểu đạt qua giọng nói trở nên hạn chế, có thể phát âm bị ngắt quãng.
Nguyên nhân
Khàn tiếng thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên, chủ yếu từ virus. Trong đó viêm thanh quản là nguyên nhân khàn tiếng hay gặp nhất. Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản hoặc dây thanh âm bị viêm do nhiễm trùng, kích thích hoặc làm việc “quá nhiều”.
- Viêm thanh quản dưới 3 tuần gọi là viêm thanh quản cấp tính.
- Viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần được gọi là viêm thanh quản mạn tính.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản:
- Nhiễm virus
- Nhiễm vi khuẩn
- Các yếu tố môi trường (khói thuốc, chất gây dị ứng, độ ẩm thấp…)
Một số nguyên nhân thường gặp gây khàn tiếng hoặc làm khàn tiếng nặng hơn:
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Hút thuốc lá
- Uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine
- La hét, hát kéo dài hoặc các nguyên nhân khác gây “quá tải” dây thanh âm
- Dị ứng
- Hít phải các chất độc
- Ho nặng và kéo dài
Các nguyên nhân gây khàn tiếng ít gặp hơn:
- Polyp dây thanh âm
- Một số ung thư đầu mặt cổ: ung thư tuyến giáp, ung thư vùng hầu họng hoặc ung thư phổi
Các nguyên nhân cơ học làm tổn thương vùng họng:
- Đặt nội khí quản
- Nam giới tuổi dậy thì (giọng trầm hơn)
- Suy giáp nặng
- Phình động mạch chủ ngực
- Các rối loạn thần kinh cơ làm suy giảm chức năng thanh quản
Đối tượng nguy cơ
Tình trạng khàn tiếng rất phổ biến, ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới bị khàn tiếng ít nhất một lần trong đời.
Khàn tiếng có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói với tần suất liên tục hoặc âm lượng lớn như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên… thì nguy cơ bị khàn giọng sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh cảm cúm, viêm họng, ho cũng thường kèm theo tình trạng viêm thanh quản cũng gây khàn tiếng. Ngoài ra, khàn giọng cũng có thể là một tình trạng rối loạn chức năng mà không liên quan đến tổn thương thực thể dây thanh.
Chẩn đoán
Khàn tiếng tuy không phải là tình huống nguy cấp nhưng nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn, rất khó điều trị. Cần đi khám ngay nếu khàn tiếng đi kèm với các dấu hiệu khó thở, ho ra máu, sốt cao kéo dài, đau cổ, họng ngày càng tăng, khó nuốt, chảy nước miếng (ở trẻ em)
Đi khám nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài hơn 1 tuần ở trẻ em và hơn 2 tuần ở người lớn.
Quá trình thăm khám thường gồm các bước:
- Kiểm tra chất giọng và âm lượng giọng nói của bạn
- Hỏi về những thói quen sinh hoạt có thể làm nặng hơn các triệu chứng (hút thuốc lá, la hét hay nói chuyện trong thời gian dài)
- Các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hay mệt mỏi
Nếu những quan sát bằng các dụng cụ thông thường chưa đủ căn cứ để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ có thể tiến hành một số phương pháp khám Tai – Mũi – Họng khác như:
- Nội soi họng thanh quản để tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng viêm hoặc bất thường khác.
- Cấy dịch họng để tìm vi khuẩn
- Chụp các phim X-quang vùng cổ họng
- Chụp CT
- Chụp MRI
- Thử máu
Phòng ngừa bệnh
Cách phòng tránh khàn giọng cũng rất cần thiết sau khi đã tìm hiểu khàn tiếng là gì. Bạn có thể bảo vệ dây thanh quản của mình, tránh khỏi nguy cơ khàn giọng nhờ vào những phương pháp sau đây:
- Không ở trong môi trường có khói thuốc lá, không hút thuốc vì thói quen này làm họng bạn bị khô rát và kích thích dây thanh quản.
- Hạn chế la hét, nói với một âm lượng lớn.
- Uống đủ nước, ít nhất là 8 cốc nước mỗi ngày giúp cho họng không bị khô rát.
- Thường xuyên rửa tay: giúp giảm một cách đáng kể khả năng mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, từ đó tránh được nguy cơ khàn tiếng.
- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn và caffeine.
Điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị khàn tiếng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Sau đây là một số cách điều trị khàn tiếng thường được áp dụng:
- Để giọng nói được “nghỉ ngơi” vài ngày, tránh nói to, nói quá nhiều
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Nước có thể làm giảm triệu chứng và làm ẩm cổ họng
- Tránh thức uống chứa caffeine và rượu, bia. Những thức uống này có thể làm cổ họng khô và làm khàn tiếng trở nên nặng hơn
- Ngừng hút thuốc lá, vì khói thuốc cũng làm khô và kích thích cổ họng.
- Bệnh nhân cũng nên tắm nước ấm vì hơi nước ấm sẽ giúp đường thở thông thoáng, mở rộng hơn và cung cấp độ ẩm cho cổ họng
- Làm ẩm cổ họng bằng cách ngậm các viên kẹo giúp thanh cổ họng hoặc nhai kẹo cao su. Điều này sẽ giúp kích thích tiết nước bọt và giúp làm dịu cổ họng.
- Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng khỏi môi trường sống
- Làm ẩm không khí trong nhà bằng máy tạo độ ẩm cũng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn
- Nên uống các đồ ấm như trà gừng ấm, trà mật ong hoa cúc, chanh đào mật ong… để làm dịu cổ họng và giảm triệu chứng khàn tiếng
- Bệnh nhân không nên sử dụng các thuốc làm thông mũi, vì những thuốc này có thể kích thích và làm khô cổ họng
- Bệnh nhân khàn tiếng do ung thư sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật hoặc các phương pháp nhắm đích… tùy thuộc vào giai đoạn ung thư
- Một số bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để lấy lại giọng nói trong trẻo ban đầu. Phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ở bệnh viện.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về khàn giọng. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.