Đau đầu vận mạch còn có tên gọi khác là đau nửa đầu Migraine – Là những cơn đau xảy ra ở một bên đầu, có tính chất như mạch đập, thường kèm theo buồn nôn, nhạy cảm với tiếng động và ánh sáng. Đây là căn bệnh khá phổ biến và thường gặp ở nhiều lứa tuổi, do đó người bệnh thường chủ quan, không điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả khó lường. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Đau đầu vận mạch là gì? qua bài viết này.
Tổng quan chung
Bệnh đau đầu vận mạch hay còn gọi là bệnh đau nửa đầu migraine, gây ra bởi sự co giãn bất thường của mạch máu não ở những bệnh nhân bị rối loạn nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin.
Cơn đau xuất hiện khi gặp các yếu tố khởi phát như:
- Căng thẳng, stress
- Mất ngủ
- Tới ngày đèn đỏ
- Thay đổi thời tiết
- Ngửi mùi hương khó chịu
- Do đồ ăn thức uống (mì chính, rượu bia, cà phê…).
Với tâm lý chủ quan, nhiều bệnh nhân đã để tình trạng đau nửa đầu kéo dài dẫn tới biến chứng nặng nề như suy giảm trí nhớ, mù mắt, trầm cảm, thậm chí là đột quỵ.
Triệu chứng
Đau nửa đầu
- Đau nửa đầu là dấu hiệu phổ biến hàng đầu của bệnh đau đầu vận mạch; đặc biệt xảy ra nhiều ở phụ nữ, người trẻ tuổi. Một số trường hợp hiếm hơn có thể gặp phải ở trẻ em. Bệnh có thể ở mức độ cấp tính theo từng đợt hoặc mạn tính.
- Theo các chuyên gia sức khỏe phân loại thì đây có thể là đau đầu nguyên phát hoặc thứ phát. Đau nửa đầu có thể kéo dài từ vài giờ cho tới vài ngày. Khi bị đau nửa đầu, người bệnh thường có các biểu hiện như đau nhói 1 bên đầu, buồn nôn, chóng mặt, ảnh hưởng thị lực, ăn không ngon, hay bồn chồn lo lắng,…
Đau đầu từng cụm
- Đau đầu từng cụm là dạng đau đầu nguyên phát do tác động từ mạch thần kinh và không phải là dạng đau đầu vận mạch phổ biến. Nam giới từ 20-40 tuổi là đối tượng thường gặp. Đau đầu từng cụm thường xảy ra ở vùng đầu phía trên mắt hoặc ở thái dương; thông thường diễn ra khoảng 30 phút tới 2 tiếng.
- Cơn đau do đau đầu từng cụm gây ra có thể xuất hiện mọi lúc trong ngày, kể cả vào nửa đêm khiến người bệnh có cảm giác đau rát dữ dội. Các biểu hiện khác khi đau đầu bao gồm: đổ mồ hôi trán, chảy nước mắt, sưng mí/ sụp mí mắt, nghẹt mũi,…
Đau đầu do bệnh lý
- Có không ít bệnh lý có thể khiến người bệnh có triệu chứng đau đầu vận mạch ví dụ như cúm, cảm lạnh, cao huyết áp, mất ngủ,… Tùy vào tình trạng bệnh khác nhau mà sẽ gây ra mức độ đau đầu khác nhau. Hầu hết trường hợp sau khi điều trị được bệnh lý ban đầu thì các cơn đau đầu cũng sẽ được giải quyết.
Nguyên nhân
Đau đầu vận mạch là một loại đau đầu phổ biến, chiếm khoảng 2/3 số trường hợp đau đầu. Nguyên nhân gây đau đầu vận mạch là do sự co thắt và giãn nở bất thường của các mạch máu trong não. Các yếu tố có thể gây ra đau đầu vận mạch bao gồm:
- Thay đổi áp suất không khí: Thay đổi áp suất không khí, chẳng hạn như khi đi máy bay hoặc leo núi, có thể gây ra đau đầu vận mạch.
- Thiếu ngủ: Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ đau đầu vận mạch.
- Căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau đầu vận mạch.
- Thức uống có cồn: Rượu bia có thể làm tăng nguy cơ đau đầu vận mạch.
- Các chất kích thích: Cà phê, trà, và thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đau đầu vận mạch.
- Một số loại thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai, thuốc chẹn beta, và thuốc lợi tiểu, có thể gây đau đầu vận mạch.
- Các bệnh lý nền: Một số bệnh lý nền, chẳng hạn như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, và thiếu máu, có thể gây đau đầu vận mạch.
- Mệt mỏi mắt: Sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài, đọc sách, làm việc trước màn hình máy tính mà không có sự nghỉ ngơi đủ có thể gây mệt mỏi mắt và đau đầu.
- Thay đổi hormone: Các thay đổi hormone trong cơ thể, như trong giai đoạn kinh nguyệt hoặc trong quá trình tiền mãn kinh ở phụ nữ, có thể gây ra đau đầu vận mạch.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh thường xảy ra từ lứa tuổi học sinh, người trẻ tuổi. Một số người có nguy cơ cao bị bệnh như:
- Dùng các thực phẩm có chứa nhiều tyramine như phô mai, bơ, lạc, chocolate, bột ngọt.
- Uống nhiều bia, rượu,…
- Thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên bỏ bữa,…
- Hút thuốc lá.
- Lo âu, căng thẳng, làm việc quá sức, thiếu ngủ.
- Sử dụng thuốc ngừa thai dạng uống mỗi ngày.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán migraine hoàn toàn dựa vào triệu chứng lâm sàng mà chưa có xét nghiệm hoặc dấu ấn sinh học nào là đặc hiệu để chẩn đoán kể cả chẩn đoán hình ảnh. Đau nửa đầu cần được phân biệt với các nguyên nhân gây đau đầu khác như đau đầu cụm (đau đầu chuỗi). Đó là kiểu đau đầu một bên rất nặng cảm giác như bị đâm. Thời gian một cơn đau thường là 15 phút đến 3 tiếng. Bắt đầu của một cơn đau thường xảy ra rất nhanh và đa số là không có dấu hiệu báo trước điển hình như đau nửa đầu.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh đau đầu vận mạch rất nguy hiểm, do đó cần có cách phòng ngừa bệnh hợp lý.
- Nên hạn chế lo lắng, căng thẳng. Đặc biệt là người mắc bệnh nên thoải mái tinh thần, tập lối sống nhẹ nhàng, khoa học.
- Giảm cường độ làm việc, vì áp lực công việc có ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh nói chung và thần kinh thái dương nói riêng, môi trường làm việc cần thoải mái.
- Cần tham gia các câu lạc bộ yoga, dưỡng sinh, thể dục thể thao, hoặc đi bộ… Tập thể dục, áp dụng liệu pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị đau đầu vận mạch rất hiệu quả.
- Nên khám sức khỏe định kỳ sáu tháng một lần để được bác sĩ thăm khám tìm nguyên nhân đau đầu vận mạch và tư vấn điều trị phù hợp.
Điều trị như thế nào?
Bệnh đau đầu vận mạch là bệnh khó điều trị dứt điểm và thường hay tái phát. Khi bị đau đầu vận mạch, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giãn mạch có tác dụng làm giảm cơn đau thắt.
Điều trị đau đầu vận mạch phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
- Đối với các cơn đau đầu nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị bằng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Đối với các cơn đau đầu nặng, người bệnh có thể cần dùng các loại thuốc giảm đau kê đơn, chẳng hạn như triptans hoặc ergotamine.
Ngoài việc dùng thuốc, trong trường hợp đau đầu nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng, người bệnh cũng có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như liệu pháp oxy, vật lý trị liệu, kích thích dây thần kinh hoặc phẫu thuật để giảm bớt tình trạng bệnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.