Với mùi thơm đặc trưng như mùi cơm nếp và được dân gian ta sử dụng từ xưa đến nay như đun nước uống, làm thạch, nấu chè, nấu xôi,… đó chính là cây lá dứa. Vậy ngoài công dụng trong ẩm thực thì cây lá dứa còn có thêm lợi ích gì cho sức khỏe? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc này.
Cây lá dứa là gì?
Cây lá dứa hay có tên gọi khác là lá dứa thơm hay lá nếp, với tên khoa học là Pandanus amaryllifolius Roxb, họ Pandanaceae (họ Dứa dại).
Cây mọc thành bụi, có thể cao 1m, đường kính thân 1-3cm, phân nhánh. Lá hình mũi mác, nhẵn, xếp thành hình máng, dài 40-50 cm, rộng 3-4cm, mép không gai, mặt trên có màu xanh thẫm và bóng, mặt dưới có màu nhạt, có nhiều gân cách nhau 1mm
Lá dứa có chứa tanin, alkaloid, flavonoid và polyphenol, đặc biệt mùi thơm đặc trưng giống như mùi cơm nếp chín là do hợp chất thơm 2-Acetyl-1-pyrroline. Ngoài ra, trong lá dứa còn có một số thành phần hóa học khác, như:
- Nước
- Glycosides
- Chất xơ
- 3-Methyl-2 (5H) – Furanon
- Beta-carotene
- Vitamin C
- Thiamin
- Riboflavin
- Niacin
Cây lá dứa khác với cây dứa (cây cho quả ăn được, có nhiều mắt) nên bạn đọc cần lưu ý tránh nhầm lẫn.
Liều dùng của cây lá dứa
Bộ phận dùng của lá dứa là lá tươi hoặc lá khô
- Nếu dùng tươi: thu hái lá sau đó rửa sạch và sử dụng theo nhu cầu
- Nếu dùng khô: cần rửa sạch lá, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần
Liều dùng khuyến cáo:
- Thông thường dùng trong ẩm thực chỉ cần dùng từ 1 – 2 lá
- Trong các bài thuốc, sử dụng lá dứa theo liều lượng chỉ định của thầy thuốc hoặc yêu cầu của đơn thuốc.
Lợi ích sức khỏe mà cây lá dứa mang lại
Vì có mùi thơm đặc trưng nên cây lá dứa thường được dùng chế biến các món ăn ngọt hay tráng miệng trong ẩm thực như:
- Sữa chua thạch Lá Dứa
- Chè dừa non Lá Dứa
- Xôi Lá Dứa Thơm
Đặc biệt, Cây lá dứa cũng là một loại dược liệu mang lại nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe, cụ thể:
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường, ổn định đường huyết: sử dụng lá Nếp thơm với liều lượng vừa đủ, rửa sạch, phơi nắng cho khô. Sau đó thái nhuyễn, nấu nước dùng uống như nước trà mỗi ngày để hỗ trợ điều trị và phòng chống tiểu đường.
- Hỗ trợ điều trị thấp khớp: sử dụng khoảng 3 lá đã được rửa sạch, thái nhuyễn, để ráo nước và một bát nhỏ dầu dừa. Dầu dừa đun nhỏ lửa đến khi nóng thì tắt lửa, cho lá Nếp thơm đã thái nhuyễn vào, khuấy đều. Đợi hỗn hợp nguội thì dùng thoa vào vùng khu vực sưng đau.
- Lá dứa giúp thanh nhiệt cơ thể: rửa sạch lá, thái nhỏ, chia thành 2 phần bằng nhau. Một phần cho vào máy xay để xay nhuyễn với một lượng nước vừa đủ, sau đó lọc lấy phần nước cốt. Phần lá còn lại cho vào nồi đun nhỏ lửa, đến khi sôi thì cho thêm đường phèn, khuấy tan. Tắt lửa, chờ đến khi nước ấm thì cho phần nước cốt lá vào, tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi sôi thì tắt bếp. Chờ đến khi lá nguội hẳn thì dùng uống.
- Giải cảm: rửa sạch lá sau đó đun sôi và xông hơi kín.
- Hỗ trợ cải thiện cảm giác lo lắng, bồn chồn không yên: dùng 2 chiếc lá dứa sắc cùng với một ly nước, dùng uống.
- Hỗ trợ giảm gàu, mảng bám trên da đầu: sử dụng khoảng 7 Lá dứa, rửa sạch, giã nát, sau đó cho thêm một ít nước, khuấy đều, lọc lấy phần nước cốt. Thoa nước cốt lá lên da đầu, để yên trong 1 giờ sau đó thoa thêm một lần nữa, để yên chờ khô. Gội đầu với nước sạch, nên dùng mỗi ngày cho đến khi sạch gàu.
- Cây lá dứa còn là một thành phần có trong các sản phẩm mỹ phẩm: tinh dầu lá dứa giúp cấp ẩm, hương lá dứa được sử dụng làm hương liệu.
Khi sử dụng cây lá dứa cần thận trọng điều gì?
Khi sử dụng cây lá dứa cần thận trọng những điều sau:
- Không nên sử dụng lá dứa quá nhiều, vì có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi sử dụng lá dứa để được tư vấn liều lượng phù hợp
- Phụ nữ mang thai và cho con bú, người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao: nên thận trọng khi sử dụng lá dứa và cần sự tư vấn từ chuyên gia y tế hoặc Bác sĩ
- Người bị tỳ vị hư hàn: hạn chế sử dụng lá dứa
- Lá dứa có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như thuốc hạ đường huyết. Nên thông báo cho bác sĩ hoặc thầy thuốc về các loại thuốc đang sử dụng trước khi dùng lá dứa
- Không nên sử dụng lá dứa đã bị héo úa hoặc có mùi lạ
- Nên bảo quản lá dứa ở nơi khô ráo, thoáng mát
Câu hỏi thường gặp về cây lá dứa?
Cách phân biệt cây lá dứa với cây dứa (khóm)?
- Lá dứa: Lá nhẵn, không gai, mùi thơm đặc trưng.
- Cây dứa: Lá có gai, không có mùi thơm đặc trưng.
Đối tượng nào cần thận trọng khi sử dụng cây lá dứa?
- Người bị tăng huyết áp
- Người suy thận
- Người lao phổi
- Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú
- Người bị tỳ vị hư hàn
Sử dụng lượng lớn lá dứa gây ảnh hưởng như thế nào với cơ thể?
- Sử dụng lượng lớn lá dứa trong thời gian dài có thể gây hạ đường huyết
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất