Hen phế quản là tên gọi khác của hen suyễn, là một bệnh mạn tính đường hô hấp với đặc trưng là những cơn hen cấp tính. Dấu hiệu hen suyễn là ho dai dẳng đặc biệt về đêm, co thắt lồng ngực, thở khò khè, khó thở. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa.
Giai đoạn chuyển mùa làm thay đổi các yếu tố trong không khí như: áp suất, nhiệt độ, thành phần, độ ẩm,… làm ảnh hưởng rất lớn đến đường thở của người bệnh. Vì người bị hen rất nhạy cảm với môi trường không khí, do đó, khi thời tiết thay đổi làm cho các chất gây dị ứng có trong không khí thường ngày cũng thay đổi theo làm họ dễ bị lên cơn.
Ngoài ra, thời điểm chuyển giao giữa các mùa cũng là lúc bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhất là với những ai bị hen suyễn cơ địa, rất dễ lên cơn suyễn dù là bị cảm lạnh thông thường.
Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Hen suyễn và mùa xuân
Mùa xuân là thời kỳ cao phát của bệnh hen suyễn. Đây là thời điểm thực vật thụ phấn và nở hoa, không khí lẫn nhiều phấn hoa. Gặp điều kiện độ ẩm không khí cao, phấn hoa cùng các dị nguyên khác như bụi, khói thuốc lá, nấm mốc bị ứ đọng trong không khí, người bệnh hít phải có thể bị kích thích niêm mạc đường hô hấp. Lúc này, lớp niêm mạc ống phế quản sưng lên, viêm nhiễm, các đường dẫn khí thu hẹp lại, giảm lưu lượng khí ra vào phổi, khiến người bệnh chảy nước mũi, ho, tức ngực, khó thở.
Đặc biệt đây là thời điểm tết nguyên đán, mức độ ô nhiễm không khí tăng cao do xe cộ lưu thông nhiều; căng thẳng của bản thân người bệnh khi phải làm việc với cường độ cao, các buổi tiệc tùng với khói thuốc lá, mùi nước hoa; khói bụi hít phải khi dọn dẹp nhà cửa, khói bếp do nấu nướng hay nhang khói ngày cúng tết tổ tiên…tất cả đều là những yếu tố nguy cơ có thể làm khởi phát cơn hen phế quản hay làm diễn tiến bệnh khó lường hơn.
Hen suyễn và mùa hè
Nhiều người bệnh hen phế quản có triệu chứng nặng hơn về mùa đông và xuân, nhưng cũng có không ít bệnh nhân khác có nhiều triệu chứng vào mùa hè.
Nguyên nhân có thể gây khởi phát cơn hen về mùa hè:
- Phấn hoa: Mùa hè thường có nhiều phấn hoa cỏ. Mật độ phấn hoa trong không khí thường cao nhất trước 9h sáng. Với người bệnh bị hen dị ứng, phấn hoa có thể là một tác nhân kích thích mạnh mẽ gây cơn hen.
- Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí cao, luồng khí nóng có thể gây tăng viêm trong đường thở. Không khí ẩm thường nặng hơn không khí bình thường, do đó sẽ khó thở hơn. Trong môi trường nóng ẩm, làm tăng tiết mồ hôi, có thể gây mất nước, làm con người thở với tốc độ nhanh hơn. Điều này có thể gây khó thở cho người bệnh.
- Không khí nóng ẩm thực sự là một môi trường tốt cho nấm mốc phát triển và phát tán vào không khí. Đây cũng là môi trường tuyệt vời cho bọ nhà phát triển. Chúng là hai trong số các chất gây dị ứng chính với người bị hen.
- Ô nhiễm không khí: Trong những ngày nắng nóng, lượng ozone trong không khí có thể tăng lên. Cùng với đó là các chất ô nhiễm trong không khí bị tích tụ lại. Các chất này làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hen và làm giảm khả năng kiểm soát hen.
- Thiên tai: Vào mùa hè, các hình thái thời tiết khắc nghiệt, mưa giông, bão tố phổ biến hơn. Có nhiều báo cáo cho thấy cơn hen có thể được khởi phát từ các hình thái thời tiết cực đoan đó. Những luồng không khí này có thể dẫn đến mức độ tập trung cao của phấn hoa và nấm mốc, đây có thể là một lý do giải thích cho sự gia tăng các cơn hen suyễn trong các cơn giông bão.
Hen suyễn mùa lạnh (mùa thu, đông)
Thời tiết giá lạnh cũng là yếu tố khiến lượng người bệnh hen suyễn gia tăng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan năm 2023 dựa trên 315 trường hợp mắc bệnh hen từ sơ sinh đến 27 tuổi. Kết quả cho thấy nhiệt độ trung bình vào mùa đông giảm quá sâu làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn một đến hai năm sau đó. Cụ thể, nhiệt độ trung bình vào mùa đông giảm 1 độ C, nguy cơ mắc bệnh tăng 7%. Nguy cơ này tăng lên 41% trong năm tiếp theo khi nhiệt độ mùa đông lạnh dưới mức bình thường.
Nhiệt độ lạnh khiến mạch máu dưới da co lại, giảm lưu thông máu đến các cơ quan, giảm sức đề kháng, kích ứng đường thở, gây viêm và co thắt đường hô hấp, khiến cơn hen tái phát.
Nhiệt độ xuống thấp, nồm ẩm là điều kiện cho nấm, virus, vi khuẩn phát triển mạnh, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, miệng và gây bệnh. Người có tiền sử hen suyễn nếu mắc bệnh đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… dễ tái phát cơn hen.
Khi tiếp xúc với không khí lạnh và ẩm, chất nhầy trong đường thở thường tiết nhiều để tăng cường bảo vệ hệ hô hấp. Lớp chất nhầy dày và đặc dính cản trở hoạt động hô hấp. Trong điều kiện thời tiết này, đường hô hấp sản sinh ra histamin – một chất tham gia vào phản ứng viêm của cơ thể, khiến các triệu chứng hen suyễn tăng nặng.
Ngược lại, nếu không khí khô, lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp nhanh chóng bay hơi, ống phế quản bị kích thích, sưng tấy, không khí khó lưu thông, các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng. Người bệnh thường cảm thấy mũi khô rát và khó thở.
Ngoài ra, mùa lạnh nhiều người có xu hướng ngại vận động, ít vệ sinh nhà cửa, đóng kín cửa để tránh khí lạnh xâm nhập, làm không khí kém lưu thông. Đây là yếu tố thuận lợi cho các dị nguyên gây dị ứng tồn tại lâu trong nhà, tăng cơ hội kích thích cơn hen tái diễn.
Hen suyễn tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng các triệu chứng được kiểm soát khi sử dụng thuốc điều trị, tái khám định kỳ. Thay đổi lối sống giúp bớt các triệu chứng và đề phòng tái phát cơn hen cấp như:
- Giữ gìn không gian sống sạch sẽ như hút bụi nhà thường xuyên; giặt rèm cửa, chăn ga, thảm, loại bỏ nệm, gối cũ bẩn; vệ sinh hoặc thay mới bộ lọc khí ở điều hòa, thiết bị sưởi ấm, quạt làm mát định kỳ; thường xuyên mở cửa sổ để không khí lưu thông.
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, lông vật nuôi, khói nhang, chất khử mùi và tẩy rửa gia dụng, nến thơm, nước xả vải, khói thuốc lá.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi phải tiếp xúc với dị nguyên
- Nên sử dụng máy điều hòa và máy lọc không khí. Không để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, độ ẩm quá cao.
- Không di chuyển các khu vực chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài nhà. Nên ở trong nhà vào những ngày thời tiết xấu: quá nóng, độ ẩm quá cao, giông bão… Hạn chế các hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể.
- Chế độ ăn hạn chế thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, tăng cường rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ. Ưu tiên các loại rau củ nhiều màu sắc, giàu chất chống oxy hóa như beta carotene (tiền chất của vitamin A) và vitamin C, vitamin E. Uống đủ nước (khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày).
- Người bệnh ưu tiên sử dụng nước lọc, nước canh rau củ, trà xanh… thay vì sử dụng đồ uống chứa đường, rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga.
- Trời lạnh nên dùng đồ uống nóng. Hít hơi nước ấm làm ẩm đường hô hấp, loãng dịch nhầy, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mũi, ho. Hơi ấm giúp tăng lưu thông máu đến các phế nang, giãn các cơ xung quanh phế quản và phế nang, giảm sưng phù và phản ứng dị ứng, cải thiện khả năng thở.
- Tập thể dục hỗ trợ tăng lưu thông máu, đẩy nhanh hoạt động của túi khí, tăng trao đổi khí. Tuy nhiên, khi tập thể dục, cơ thể cần nhiều oxy, nhịp thở tăng lên, nhiều người có xu hướng hít thở bằng miệng để hấp thụ nhiều không khí. Lúc này, không khí lạnh, khô có thể đi trực tiếp qua phế quản vào phổi, tăng khả năng kích thích cơn hen tái phát. Người bệnh nên tập thể dục vừa sức khoảng 20-30 phút mỗi ngày, kết hợp bài tập thở như thở chúm môi hoặc thở bằng cơ hoành để giảm căng thẳng. Nếu thời tiết lạnh, tốt nhất tập luyện trong nhà để đảm bảo an toàn.
Tóm lại, hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống. Vì vậy, người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm… làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.