Xơ dây thanh quản là tình trạng dây thanh bị tổn thương dạng có khối u nhỏ có chân rộng, mọc cả 2 bên dây thanh gọi là hạt xơ. Các hạt xơ thường mọc ở cả 2 dây thanh và đối xứng nhau và có kích thước tương đương nhau. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về hạt xơ dây thanh quản.
Tổng quan chung hạt xơ dây thanh quản
Hạt xơ dây thanh (hay u xơ thanh quản) là tình trạng xuất hiện các hạt nhỏ nằm ở cả hai bên dây thanh. Chúng thường có chân rộng, mọc đối xứng nhau, kích thước tương tự nhau. Bệnh được xem là di chứng của tình trạng viêm thanh quản mạn tính kéo dài mà không được điều trị đúng cách.
Khi cổ họng sưng đau, thanh quản tổn thương, mà dây thanh không được nghỉ ngơi, hạt xơ sẽ có xu hướng xuất hiện. Chính bởi sự có mặt của các hạt xơ, dây thanh không thể khép kín và hoạt động như bình thường. Vì vậy, khi bị hạt xơ dây thanh, bệnh nhân thường sẽ bị khàn tiếng kéo dài, thậm chí là mất tiếng.
Tình trạng này thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới. Đặc biệt là ở những người làm công việc thường xuyên sử dụng giọng nói như ca sĩ, MC, giáo viên, nhân viên bán hàng,…
Triệu chứng hạt xơ dây thanh quản
Người bệnh có thể nhận biết hạt xơ thanh quản qua các triệu chứng điển hình như sau:
Khàn giọng, mất tiếng
Ở giai đoạn sớm, khi hạt xơ mới bắt đầu xuất hiện, dây thanh âm vẫn có khả năng co hồi nên triệu chứng khàn tiếng thường không rõ ràng chỉ xuất hiện khi người bệnh nói quá nhiều và liên tục. Tuy nhiên, ở giai đoạn nặng hơn, hạt xơ đã phát triển đến một kích thước nhất định cản trở hoạt động bình thường của dây thanh, giọng nói bị biến đổi hoàn toàn gây ra tình trạng khản tiếng kéo dài, đôi khi mất tiếng hoàn toàn.
Hụt hơi, nói mệt
Bên cạnh tình trạng khản tiếng kéo dài, hạt xơ xuất hiện khiến dây thanh không thể khép kín hoàn toàn. Vì vậy, người bệnh dễ bị hụt hơi khi nói chuyện và nói nhanh bị mệt. Để duy trì âm lượng bình thường họ phải gắng sức gấp 3-4 lần do đó việc nói chuyện giao tiếp hàng ngày trở nên khó khăn với người bệnh.
Soi thanh quản thấy có hạt xơ
Thông qua hình ảnh nội soi sau khi thăm khám, các bác sĩ có thể phát hiện:
- Những hạt xơ dây thanh có kích thước nhỏ li ti (bằng nửa hạt gạo hoặc lớn hơn).
- Trong quá trình phát âm, thanh môn không thể khép chặt, hai dây thanh tạo thành hình thoi hoặc hình chữ V.
- Niêm mạc xuất hiện dịch nhầy dạng sợi dính vào vùng thanh môn và trên bề mặt dây thanh.
Nguyên nhân hạt xơ dây thanh quản
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạt xơ dây thanh nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do dây thanh tổn thương liên tục kéo dài. Sau một thời gian, niêm mạc mất đi khả năng co hồi, đồng thời sự tăng sinh của các mô dẫn đến hình thành hạt xơ, u xơ.
Nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh lý này là:
Thường xuyên sử dụng giọng nói
Người thường xuyên sử dụng giọng nói với tần suất dày đặc trong một thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh hạt xơ dây thanh cao hơn bình thường. Cụ thể là những người làm công việc như giáo viên, MC, ca sĩ, nhân viên bán hàng,… Trường hợp hạt xơ dây thanh quản ở trẻ em, nguyên nhân là do bé hay la hét, khóc, hò hét, nô đùa quá mức,…
Do bệnh viêm thanh quản
Người bệnh viêm thanh quản mạn tính nếu không điều trị đúng cách và triệt để có thể gây ra biến chứng hạt xơ thanh quản. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh lý về đường hô hấp như viêm amidan, viêm thanh đới, viêm họng,… cũng làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Ăn uống không khoa học
Người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có ga, thức ăn cay nóng,… dễ kích thích thanh quản và gây tổn thương. Lâu dần dẫn đến viêm thanh quản mạn tính, biến chứng sang hạt xơ dây thanh.
Do trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một nguyên nhân sâu xa gây bệnh u xơ thanh quản. Do acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản gây tổn thương, viêm nhiễm dây thanh. Tình trạng này kéo dài và không được điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ xuất hiện các hạt xơ thanh quản.
Đối tượng nguy cơ hạt xơ dây thanh quản
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc hạt xơ dây thanh quản như:
- Phụ nữ;
- Trẻ em;
- Người hút thuốc lá;
- Những người có nghề nghiệp đặc trưng như giáo viên, ca sĩ, người dẫn chương trình, người bán hàng.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hạt xơ dây thanh quản bao gồm:
- Mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản;
- Mắc các bệnh lý mạn tính vùng mũi họng như viêm mũi xoang mạn, viêm họng mạn;
- Tiền sử dị ứng, suy giáp;
- Môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, khói thuốc lá;
- Tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc caffeine.
Chẩn đoán hạt xơ dây thanh quản
Bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng sẽ tiến hành thăm khám vùng đầu cổ của bạn và hỏi bệnh sử xem bạn có lạm dụng quá mức giọng nói của mình hay không. Bác sĩ có thể kiểm tra gián tiếp thanh quản bằng cách sử dụng đèn Clar và gương soi để quan sát dây thanh. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ cần thực hiện một số cận lâm sàng hình ảnh học để kiểm tra trực tiếp dây thanh âm của bạn, bao gồm:
- Nội soi thanh quản: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi cứng hoặc ống nội soi mềm có gắn một camera nhỏ đưa vào vùng hầu họng để theo dõi trực tiếp cấu trúc và hoạt động của hai dây thanh.
- Nội soi hoạt nghiệm thanh quản: Là phương pháp thăm khám trực tiếp thanh quản bằng một ánh sáng nhấp nháy của nguồn sáng sợi quang học, được kết hợp với ống nội soi thanh quản cứng hoặc mềm, ghi lại sự hoạt động và tình trạng dây thanh mà khi nội soi bằng ánh sáng thường không quan sát được. Phương pháp này là tiêu chuẩn vàng để đánh giá khàn tiếng.
Phòng ngừa hạt xơ dây thanh quản
Bạn có thể áp dụng một số thói quen lành mạnh để chăm sóc dây thanh âm và giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Uống đủ nước mỗi ngày, từ 1,5 – 2 lít nước lọc;
- Rửa tay thường xuyên;
- Chăm sóc giấc ngủ;
- Sử dụng micro nếu bạn cần nói to;
- Làm ấm giọng trước khi hát hoặc nói chuyện trong thời gian dài;
- Để giọng nói được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những trường hợp diễn thuyết.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giữ cho dây thanh âm của bạn không khô.
- Sử dụng các liệu pháp giảm căng thẳng, liệu pháp nhận thức hoặc yoga để giữ tinh thần luôn thoải mái.
- Điều trị các bệnh lý có thể liên quan đến tổn thương dây thanh âm như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, dị ứng và suy giáp.
Điều trị hạt xơ dây thanh quản như thế nào?
Điều trị nội khoa
Khi hạt xơ dây thanh còn nhỏ, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh sử dụng nhóm thuốc chống viêm, kháng sinh, súc họng bằng nước muối sinh lý, đồng thời tránh nói to, không uống nước lạnh, rượu và hóa chất, đề phòng khô họng,…
Tuy nhiên, phương pháp điều trị trên chỉ giúp giảm các triệu chứng mà không thể giải quyết tận gốc hạt xơ nên bệnh rất dễ tái phát.
Điều trị ngoại khoa
Nếu hạt xơ to, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật nội soi bóc tách nhằm trả lại sự rung động mềm mại của dây thanh.
Sau phẫu thuật hạt xơ dây thanh, khàn tiếng có thể vẫn tái phát nên người bệnh cần hạn chế nói một thời gian để thanh quản được phục hồi. Nếu phải thường xuyên nói nhiều, người bệnh nên sử dụng các thiết bị trợ âm nhằm khuếch đại tiếng, hạn chế tác động mạnh đến dây thanh.
Bên cạnh đó, luyện âm là phương pháp quan trọng sau phẫu thuật giúp dây thanh mềm mại và uyển chuyển trở lại, giúp cải thiện chất lượng giọng nói. Việc tập luyện phát âm đòi hỏi phải kiên trì đồng thời cần csos sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để tìm lại giọng nói trong sáng.