Hắc lào là một trong những vấn đề thường gặp của da liễu, do nhiều loại nấm khác nhau gây ra. Các loại nấm này có thể gây tổn thương ở các vùng khác nhau trên cơ thể. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về hắc lào qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh hắc lào do nhiễm vi nấm thuộc nhóm nấm Dermatophytes gây nên, thường gặp nhất là 3 loại:
- Trichophyton
- Microsporum
- Epidermophyton.
Hắc lào phát triển tốt trong môi trường nóng, ẩm ướt, đặc biệt phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Các loại nấm gây hắc lào trên các vùng da có thể có biểu hiện khác nhau.
- Đặc điểm chung là những tổn thương da có dạng tròn, hoặc bầu dục, có ranh giới rõ ràng.
- Vùng da bị bệnh có màu đỏ hồng hoặc nâu, nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ, bề mặt xuất hiện những mụn nước, tập trung phần rìa vùng nổi mẩn.
- Kèm theo đó là triệu chứng ngứa da, nhất là khi đổ mồ hôi.
- Vùng da bị nấm hắc lào có thể có mụn mủ vàng, mụn nước phồng rộp nếu bệnh nhân cào, gãi, gây xước khiến vi khuẩn xâm nhập.
Nấm gây bệnh hắc lào có thể lây cho người khác khi tiếp xúc trực tiếp hoặc mang chung quần áo, vật dụng cá nhân. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể lây sang các vị trí khác trên cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da hoặc chàm hóa.
Triệu chứng
Biểu hiện của bệnh hắc lào trên da có đặc điểm riêng biệt và dễ phân biệt so với các bệnh da liễu khác:
- Vị trí phổ biến: Bệnh thường xuất hiện ở các kẽ da có nếp gấp lớn như nếp lằn mông, vùng thắt lưng quanh bụng, hai bên bẹn, và cả vùng kín.
- Bệnh thường bắt đầu với một nốt đau nhỏ giống mụn, sau đó lan rộng và trở nên lớn hơn. Các mảng da màu đỏ hoặc nâu, có vảy và mặt da sần sùi xuất hiện. Khu vực bị bệnh thường có viền xung quanh hình chiếc nhẫn màu đỏ sậm.
- Ngứa và khó chịu: Cảm giác ngứa thường xuất hiện xung quanh vùng da bị tổn thương khi tiếp xúc với mồ hôi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh hắc lào chủ yếu đến từ thói quen vệ sinh cá nhân chưa sạch sẽ, nguồn nước bị nhiễm bẩn, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, … khiến vi nấm dễ phát triển và gây bệnh hắc lào trên da. Các nguyên nhân gây bệnh hắc lào cụ thể như sau:
- Thói quen vệ sinh thân thể kém, chưa sạch sẽ, ít tắm gội, cơ thể đổ nhiều mồ hôi khiến cho vi nấm dễ sinh sôi phát triển và gây bệnh trên da.
- Mặc quần áo bị ẩm, ướt tạo điều kiện cho vi nấm phát triển thuận lợi và gây bệnh.
- Tắm gội ở những nơi có nguồn nước bị nhẫm bẩn khiến cho vi nấm dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
- Do lây nhiễm từ người đã mắc bệnh hắc lào, bao gồm: Mặc chung quần áo với người bệnh bị nhiễm hắc lào hoặc đang bị các bệnh nhiễm nấm trên da
- Bơi hoặc tắm chung với người bị nhiễm hắc lào
- Quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp lên vùng da bị hắc lào của người bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị hắc lào cao là:
- Những trẻ em dưới 15 tuổi
- Sống trong môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm
- Những người có hệ miễn dịch yếu
- Người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt, gần gũi với người bị hắc lào
- Hay mặc quần áo bó sát người
- Chơi các môn thể thao tiếp xúc da trực tiếp và ra nhiều mồ hôi như đấu vật
- Dùng chung quần áo, chăn, ga, gối, đệm, khăn tắm với người bị nấm da
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán hắc lào bằng cách khám da, hỏi các triệu chứng cơ năng cũng như hỏi tiền sử mắc bệnh, tiền sử tiếp xúc với người hay động vật bị nhiễm nấm. Bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu da nhỏ bị nhiễm nấm để xét nghiệm nếu việc chẩn đoán không cho kết quả rõ ràng. Những mẫu này sẽ được phân tích dưới kính hiển vi. Kết quả phân tích thường có sau vài ngày giúp chẩn đoán xác định hắc lào.
Phòng ngừa bệnh
Vì là bệnh da liễu có tính lan truyền nên nếu chủ động và biết cách phòng tránh bệnh hắc lào, vi nấm sẽ rất khó có cơ hội tiếp xúc và tấn công cơ thể bạn. Cụ thể, bạn cần lưu ý:
- Không sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người đã bị hắc lào. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng chăn màn, gối, ga giường,… để tiêu diệt vi nấm.
- Nếu thường xuyên đi bơi, hoặc phải tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất,… bạn nên vệ sinh thân thể sạch sẽ ngay sau đó.
- Phòng tránh bệnh hắc lào bằng cách mặc quần áo rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, không mặc đồ ẩm, ướt, đồ quá bó.
- Hạn chế tiếp xúc với những vật nuôi có nguy cơ cao nhiễm vi nấm.
- Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin nhóm A, C, E để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh hắc lào cần kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân
Điều trị tại chỗ
Sử dụng các thuốc chống nấm bôi tại vùng da bị hắc lào như:
- Ketoconazol
- Miconazol
- Clotrimazol,…
Người bệnh cần bôi thuốc lên vùng da bị thương tổn do hắc lào đều đặn để làm giảm triệu chứng ngứa và lan rộng, lây qua vùng khác trên cơ thể. Khi bị hắc lào, bạn cần tránh gãi, làm trầy xước vùng da bị hắc lào để tránh gây bội nhiễm.
Điều trị toàn thân
- Thuốc điều trị kháng nấm như: Itraconazole, nizoral …
- Dùng thuốc kháng histamin để giúp bệnh nhân bị hắc lào giảm ngứa.
- Sử dụng kháng sinh điều trị nếu có bội nhiễm và theo chỉ định của bác sĩ.
Để tránh bệnh tái phát người bệnh hắc lào cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ.Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về hắc lào. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.