Cổ trướng là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh xơ gan hoặc các bệnh lý liên quan đến gan và hệ tiêu hóa. Việc hiểu rõ về cổ trướng, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn có những biện pháp điều trị và phòng tránh hiệu quả
Tổng quan chung
Cổ trướng một tình trạng khiến bụng bệnh nhân phình to do chứa quá nhiều dịch trong khoang bụng (còn được gọi là hiện tượng tràn dịch màng bụng). Hiện cổ trướng nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Cổ trướng là biến chứng thường gặp nhất của bệnh xơ gan, ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như: xơ gan mất bù, viêm gan, ung thư gan, lao ổ bụng, nhiễm trùng, các bệnh lý ác tính, giảm albumin máu, suy tim sung huyết, suy thận….
Dịch cổ trướng trong xơ gan được chia ra làm 2 loại: dịch thấm và dịch tiết.
- Dịch thấm do các bệnh như xơ gan mất bù, suy tim, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, suy dinh dưỡng gây ra.
- Dịch tiết do các bệnh ung thư màng bụng, nhiễm trùng phúc mạc, lao màng bụng…
Triệu chứng cổ trướng
Các triệu chứng cổ trướng có thể xuất hiện muộn hoặc đột ngột tùy thuộc vào nguyên nhân tích tụ dịch trong khoang bụng. Để sớm nhận biết các bệnh lý về gan, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thấy có các vấn đề sau:
- Bụng phình to (sưng), trọng lượng cơ thể tăng đột ngột
- Khó thở khi nằm xuống
- Chán ăn, giảm cảm giác ngon miệng
- Ợ nóng, đầy hơi
- Đau bụng
- Buồn nôn và ói mửa
- Giảm cân: Mặc dù bụng to lên, bệnh nhân có thể bị giảm cân do mất cơ bắp và giảm khẩu vị.
- Phù nề: Chân và mắt cá chân của bệnh nhân có thể bị phù nề do tích tụ dịch.
Nguyên nhân cổ trướng
Nguyên nhân gây ra cổ trướng lớn nhất là do tổn thương gan. Một số nguyên nhân phổ biến gây tổn thương gan bao gồm:
- Xơ gan: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi gan bị tổn thương và xơ hóa, làm giảm khả năng chức năng của gan.
- Viêm gan virus: Các loại viêm gan B, C có thể dẫn đến viêm gan mạn tính và xơ gan, từ đó gây ra cổ trướng.
- Bệnh gan nhiễm mỡ: Sự tích tụ mỡ trong gan có thể dẫn đến viêm gan và xơ gan.
- Bệnh lý về tim mạch: Suy tim và các bệnh lý khác về tim mạch cũng có thể gây ra tình trạng cổ trướng.
- Ung thư gan: Sự phát triển của khối u trong gan có thể gây ra sự chèn ép và làm tổn thương gan, dẫn đến cổ trướng.
- Sử dụng rượu bia nhiều: Những người nghiện rượu đa phần khiến chức năng gan bị ảnh hưởng. Việc không hạn chế uống rượu dẫn đến gan ngày càng bị tổn thương nghiêm trọng, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
- Nhiễm trùng huyết: khiến hệ miễn dịch bị suy giảm chức năng, đây là một trong những nguyên nhân về lâu dài sẽ dẫn đến chứng xơ gan cổ trướng.
- Nhiễm những hóa chất độc hại: Khi cơ thể người bị nhiễm các hóa chất độc hại (Asen, thạch tím…) hoặc bị tắc mật thì cũng có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên những người bị xơ gan do nhiễm hóa chất độc hại nếu để chuyển hóa thành xơ gan cổ trướng thì bệnh sẽ tiến triển nhanh và có nguy cơ tử vong cao.
Đối tượng nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc cổ trướng, các đối tượng có nguy cơ mắc cổ trướng như:
- Người bị ung thư buồng trứng, tụy, gan hoặc ung thư nội mạc tử cung
- Bệnh nhân suy thận hoặc suy tim
- Người bị viêm tụy
- Bệnh nhân bị bệnh lao
- Người bị suy giáp
Chẩn đoán cổ trướng
Các nguyên nhân gây ra cổ trướng thường là các bệnh nghiêm trọng. Phương pháp chẩn đoán đầu tiên thường là khám lâm sàng, hình dáng của bụng lúc bệnh nhân nằm và khi đứng lên thường sẽ cho biết có hay không có sự tích tụ của dịch báng.
Để chẩn đoán và xác định tình trạng cổ trướng, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá tình trạng sưng ở bụng bệnh nhân. Sau đó kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và một số phương pháp xét nghiệm khác để tìm dịch, bao gồm:
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính CT
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Xét nghiệm máu
- Nội soi
- Chụp mạch đồ
Phòng ngừa cổ trướng
Tình trạng cổ trướng xơ gan không thể phòng ngừa được, tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách bảo vệ gan với những thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
- Hạn chế hoặc ngừng uống rượu bia, các chất cồn, chất kích thích gây hại cho gan để hạn chế xơ gan (sẹo hóa gan).
- Hạn chế ăn đồ cay, nóng, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.
- Nên ăn nhạt, hạn chế hấp thụ nhiều Natri vào cơ thể.
- Tiêm phòng ngừa viêm gan A, B
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, có bảo vệ vì viêm gan có thể lây lan qua đường tình dục.
- Tránh tiêm chích thuốc, tái sử dụng kim tiêm vì viêm gan có thể lây truyền qua sử dụng kim tiêm chung.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị chứng cổ trướng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm:
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý:
- Hạn chế ăn mặn, ăn dưới <2000mg muối mỗi ngày
- Kiêng tuyệt đối đồ uống có cồn, rượu bia
- Tránh sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm như ibuprofen có khả năng gây tổn thương thận, gây ứ nước, làm cổ trướng thêm trầm trọng.
Sử dụng thuốc lợi tiểu: Sử dụng các loại thuốc lợi tiểu để thải bớt dịch trong bụng ra khỏi cơ thể. Thuốc lợi tiểu ngoài tăng cường nước thải loại còn giúp ngăn ứ dịch thêm.
Trong trường hợp có nhiễm trùng dịch báng, cần dùng kháng sinh diệt khuẩn càng sớm càng tốt để giảm thiểu nguy cơ diễn tiến nặng hơn.
Chọc hút dịch: Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút dịch từ khoang bụng để giảm bớt sự căng thẳng và khó chịu.
Điều trị nguyên nhân gốc: Quan trọng nhất là điều trị các bệnh lý gây ra cổ trướng, như xơ gan, viêm gan hoặc suy tim.
Phẫu thuật ghép gan: Được chỉ định cho bệnh nhân có bệnh gan giai đoạn cuối, suy gan.
Kết luận
Cổ trướng là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và cần được phát hiện, điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe gan và tránh được những biến chứng nguy hiểm. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế để phòng ngừa và điều trị cổ trướng hiệu quả. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.