Đái tháo đường thai kỳ là một trong những bệnh lý thường gặp khi mang thai, có thể gây ra nguy cơ cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng chế độ ăn uống phù hợp là vô cùng quan trọng để kiểm soát tình trạng này.
Nguyên nhân gây ra đái đường thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai – cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé – tiết ra các hormon giúp thai nhi phát triển. Một vài hormon trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin). Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc đái tháo đường khi mang thai bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai.
- Tăng cân nhanh trong thai kỳ.
- Có người thân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền đái tháo đường.
- Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Độ tuổi trên 35.
- Từng sinh em bé nặng hơn 4kg hoặc từng trải qua thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non.
- Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Ăn uống có thể ảnh hưởng đến đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Thực phẩm bao gồm các nhóm chất dinh dưỡng: carbohydrat, chất béo và protein. Những chất dinh dưỡng này ảnh hưởng đến cách glucose được tiêu hóa trong cơ thể chúng ta, từ đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Carbohydrat (tinh bột)
Carbohydrat là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Chúng được chuyển hóa thành glucose trong máu.
Nên chọn carbohydrat phức tạp, giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và đậu thay vì carbohydrat đơn giản (soda, bánh quy, kẹo và các loại đồ ngọt khác) để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Lipid (chất béo)
Chất béo cần thiết cho sự phát triển của cơ thể và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Hạn chế chất béo bão hòa (các sản phẩm từ động vật như thịt, sữa, bơ và bánh quy, bánh ngọt, kem).
Ưu tiên chất béo không bão hòa từ dầu thực vật (oliu, bơ, dầu hạt cải), cá và các loại hạt.
Protein (đạm)
Protein giúp xây dựng, sửa chữa cơ bắp và các mô khác trong cơ thể, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Protein có xu hướng được tiêu hóa chậm hơn carbohydrat, vì vậy kết hợp bữa ăn có carbohydrat với protein có thể giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng quá nhanh.
Chọn protein động vật nạc và các nguồn protein thực vật: thịt gia cầm không có da, thịt bò nạc, thăn lợn, cá, các sản phẩm từ sữa ít béo và / hoặc các nguồn thực vật như các loại đậu, quả hạch và hạt.
Cách chọn chế độ ăn uống phù hợp cho phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ
- Nên ăn 3 bữa ăn chính và 3-4 bữa ăn nhẹ.
- Ăn bữa nhỏ, không ăn 1 bữa quá no.
- Mỗi bữa nên cách nhau mỗi 2-3 giờ.
- Không nên bỏ bữa ăn, bữa ăn đêm cũng quan trọng để duy trì đường máu buổi sáng trong ngưỡng bình thường.
- Tránh ăn đồ ăn, nước uống có đường bao gồm: Kẹo, bánh ngọt, kem, mứt, nước mía… Tránh bổ sung thêm đường vào thức ăn hoặc đồ uống như nước hoa quả, trà, chè…
- Bữa ăn không nên có quá nhiều chất tinh bột. Thông thường, khẩu phần thức ăn có chất tinh bột chỉ nên chiếm khoảng 50% – 60%. Các loại thức ăn có chứa tinh bột bao gồm: Cơm trắng, mỳ ý, khoai tây, bánh mì, bún, miến, phở, xôi nếp, bánh chưng…
- Nên ăn những loại thức ăn có chứa protein ít chất béo bão hoà như cá, thịt gà, thịt lợn. Những loại thức ăn có chứa protein khác như trứng, phô mai, hạt đậu, bơ đậu phộng rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Nên ăn các loại chất béo có lợi cho sức khỏe như dầu oliu, dầu hạt cải.
- Nên ăn nhiều các loại rau củ quả ít đường và tinh bột như salad, súp lơ, cà rốt, đậu xanh, cà chua, các loại rau xanh (bắp cải, rau cải xoăn, súp lơ)…
- Hạn chế ăn các loại quả, nước hoa quả ngọt. Nên tránh ăn hoa quả vào bữa sáng vì sẽ làm tăng đường máu sau ăn sáng. Chọn toàn bộ trái cây thay vì nước ép trái cây.
- Nên uống các loại sữa và sữa chua không đường.
Những sản phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để vừa có thể kiểm soát đường huyết thai kỳ, vừa cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển. Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để các mẹ bầu có thể tham khảo và thiết lập chế độ dinh dưỡng thai kỳ khoa học.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.