Chấn thương khí quản là tình trạng tổn thương ở thanh khí quản do lực tác động. Chấn thương khí quản có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp và đe dọa tính mạng người bệnh. Vậy chấn thương khí quản là gì? Nguyên nhân, triệu chứng ra sao cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Thuật ngữ chấn thương để chỉ các tổn thương đụng dập, sưng nề, tụ máu, loét… mà không có vết rách, còn gọi là chấn thương kín. Còn vết thương là các tổn thương rách da hoặc niêm mạc có mở thông với bên ngoài. Trong bài này, mặc dù nói đến chấn thương khí quản, nhưng bao gồm đề cập đến cả các trường hợp chấn thương và vết thương ở khí quản.
Khí quản là một ống dẫn khí hình lăng trụ (còn gọi là ống thở), nối tiếp từ dưới thanh quản ở ngang mức đốt sống cổ 6 đến đoạn chia 2 nhánh phế quản chính ở ngang đốt sống lưng 4 hoặc 5.
Ở người trưởng thành khí quản dài 15cm, đường kính khoảng 1,2 cm, di động dễ. Có 2 phần là phần cổ và phần ngực. Khí quản có nhiệm vụ dẫn không khí vào, ra khỏi phổi, đồng thời còn điều hòa lượng không khí đi vào phổi và làm tăng khả năng trao đổi khí ở phổi.
Chấn thương khí quản là tình trạng tổn thương hệ thống cấu trúc và các thành phần của khí quản, làm biến đổi hình thái giải phẫu và chức năng của khí quản ở các mức độ khác nhau, do các tác động cơ học từ bên trong hoặc từ bên ngoài khí quản.
Mặc dù hiếm gặp nhưng chấn thương khí quản là một tình trạng nghiêm trọng. Khí quản bị tổn thương có thể làm ảnh hưởng đến chức năng dẫn khí ra vào phổi, dịch hay các dị vật khác vào phổi có thể làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp và đe dọa tính mạng.
Triệu chứng
Các triệu chứng của chấn thương khí quản rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp là:
- Khó thở: khó thở ở cả hai thì, mức độ khó thở có thể từ nhẹ đến trung bình hoặc nặng và ngày càng tăng dần. Khó thở ở mức độ nguy kịch nếu có tình trạng phù nề, xuất tiết hoặc máu chảy nhiều vào đường thở gây bít đường thở.
- Khí hoặc máu từ vết thương bắn ra theo nhịp thở.
- Tràn khí dưới da: do hở trục thanh khí quản, có thể lan tràn gây biến dạng vùng cổ, cằm, mặt, ngực. Tràn khí dưới da thường trầm trọng ở những vết thương có lỗ vào nhỏ và bị các bình diện bên ngoài ngăn cản. Tràn khí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó thở, thậm chí có thể gây chèn ép tim dẫn tới tử vong.
- Ho: ho thành cơn, có thể ho sặc, đau tăng khi ho, khó thở tím tái.
- Khàn hoặc mất tiếng do tổn thương ở dây thanh quản, thần kinh thanh quản hoặc khớp nhẫn phễu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chấn thương ngoài thanh khí quản:
- Chấn thương trực tiếp do một vật đụng dập vào vùng thanh khí quản.
- Vết thương do hỏa khí chiến tranh. Ngày nay thường gặp là do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động.
Ngoài ra, một số thủ thuật y tế cũng có thể gây chấn thương khí quản như:
- Đặt nội khí quản
- Mở khí quản
- Nội soi phế quản
- Hút đờm rãi…
- Một số trường hợp khí quản có thể bị tổn thương do hít phải khí nóng hoặc các hơi độc hại như khí clo, khói độc, acid, bazơ…
Nhưng nói chung, các thương tích khí quản do hít khói, hít vật thể lạ và các thủ thuật y tế là không phổ biến.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ chấn thương khí quản bao gồm:
- Trẻ em;
- Người mắc các bệnh hô hấp mạn tính;
- Người bị chấn thương do tai nạn hoặc va đập;
- Người hít phải hóa chất độc hại hoặc bỏng do nhiệt;
- Người có khối u chèn ép khí quản.
Chẩn đoán
Lâm sàng
Chấn thương hở khí quản:
Khí hoặc máu bắn ra theo nhịp thở từ vết thương.
- Khó thở: có thể khó thở độ I nếu tổn thương nhẹ, nhưng cũng có thể khó thở ở mức độ nguy kịch nếu có tình trạng phù nề, xuất tiết hoặc máu chảy nhiều vào đường thở gây ra bít lấp đường thở. Nếu tổn thương chỉ ở thanh quản có thể có tình trạng khó thở thanh quản (khó thở chậm, thì hít vào, có tiếng rít).
- Khàn hoặc mất tiếng: xuất hiện khi có tổn thương ở dây thanh hoặc khớp nhẫn phễu, hoặc có thể do tổn thương thần kinh thanh quản.
- Tràn khí dưới da: tăng lên khi bệnh nhân ho và có thể gây khó thở. Triệu chứng này có thể không có hoặc không rõ ràng khi tổn thương rộng và mở thông ra ngoài. Trái lại nếu lỗ vào của vết thương nhỏ và bị các bình diện bên ngoài ngăn cản thì có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tràn khí và gây khó thở, thậm chí có thể chèn ép tim dẫn tới tử vong do tràn khí trung thất.
- Khám vùng cổ có thể phát hiện thấy đường vào từ ngoài cho tới thanh khí quản qua đó có thể đánh giá được tình trạng tổn thương như: khung sụn bị gãy vỡ hoặc mất, tình trạng rách, giập nát hoặc chảy máu của niêm mạc, cân cơ…. Tuy nhiên việc thăm khám này chỉ có giá trị trong những giờ đầu sau chấn thương, nếu muộn sẽ có tình trạng phù nề biến dạng hoặc chảy máu nhiều dẫn đến việc đánh giá không còn chính xác.
- Soi thanh quản gián tiếp: ít khi làm được do bệnh nhân không hợp tác.
Chấn thương kín khí quản:
- Rối loạn phát âm: chủ yếu là khàn tiếng, gặp thường xuyên nhất.
- Khó thở: Cũng là triệu chứng hay gặp tuy nhiên không hằng định. Khó thở có thể xuất hiện muộn sau chấn thương vài giờ, thậm chí có trường hợp không xuất hiện khó thở trong 24 – 48 giờ đầu.
- Đau: đau xuất hiện ở vùng thanh khí quản, đau lan lên tai hoặc đau tăng lên khi nuốt.
- Ho: triệu chứng ho khạc đờm lẫn máu sau chấn thương là dấu hiệu gợi ý có tổn thương trong lòng thanh khí quản.
- Tràn khí dưới da: Do hở trục thanh khí quản, có thể lan tràn lên khắp vùng cổ và mặt, thậm chí có thể gây tràn khí trung thất dẫn đến tử vong.
- Soi thanh quản gián tiếp: phát hiện niêm mạc phù nề, bầm tím hoặc tình trạng rách của niêm mạc vùng thanh quản, sự di động bất thường của hai dây thanh….
- Nội soi thanh khí quản ống cứng: chỉ thực hiện khi bệnh nhân không khó thở, cho phép đánh giá nhanh các tổn thương nông của niêm mạc vùng thanh quản và hạ thanh môn.
- Nội soi thanh khí quản ống mềm: chỉ thực hiện khi bệnh nhân không khó thở, giá trị cũng như nội soi ống cứng nhưng cho phép đánh giá được tình trạng khí quản.
Cận lâm sàng
- X quang thường quy: không phát hiện được tổn thương sụn có thể thấy hình ảnh đứt thanh thiệt, tràn khí dưới da, màng phổi, trung thất, tổn thương cột sống cổ.
- Chụp cắt lớp vi tính vùng thanh khí quản: Có thể thấy hình ảnh vỡ các cấu trúc sụn của thanh quản như sụn giáp, sụn nhẫn, sụn khí quản. Hình ảnh tổn thương phần mềm như khối máu tụ niêm mạc, đứt thanh thiệt, rách màng nhẫn giáp, rách màng nhẫn khí quản. Hình ảnh tràn khí, trật sụn phễu, khớp nhẫn giáp. Tóm lại chụp cắt lớp vi tính cung cấp tương đối đầy đủ các hình ảnh tổn thương của thanh khí quản trên các bình diện khác nhau và là bản đồ cho phẫu thuật và các định hướng can thiệp xử trí.
Chẩn đoán phân biệt
- Chấn thương hạ họng: có dấu hiệu tràn khí và ho khạc máu nhưng soi thanh khí quản không thấy có tổn thương.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả các bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Nhà có trẻ nhỏ thì nên để ý tránh để trẻ ngậm hoặc hít các vật lạ.
- Không hút thuốc lá.
- Tham gia an toàn giao thông nếu các bạn có làm các công việc rủi ro chấn thương cao thì nên mang bảo hộ.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị chấn thương thanh khí quản là đảm bảo được hô hấp trong những trường hợp chấn thương gây khó thở nặng đe dọa tính mạng đồng thời khôi phục lại tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp, phát âm của hệ thống thanh khí quản.
Các biện pháp điều trị chấn thương thanh khí quản cụ thể bao gồm:
Điều trị cấp cứu
Mở khí quản cấp cứu được thực hiện khi bệnh nhân có thủng, rách, vỡ sụn khí quản, bệnh nhân khó thở nặng, tràn khí rõ đe dọa tính mạng. Khó mở khí quản, bác sĩ sẽ mở xa vết thương để duy trì sự thông thoáng của ống thở. Đồng thời thực hiện các biện pháp chống sốc, chống chảy máu.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa chấn thương khí quản được chỉ định trong các trường hợp tổn thương chỉ ở vùng niêm mạc nông, không có tình trạng khó thở nặng và không có sự biến đổi cấu trúc thanh quản.
Các biện pháp điều trị nội khoa bao gồm:
- Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, nằm đầu cao, hạn chế thay đổi tư thế đầu, cho thở oxy hỗ trợ. Làm mát và ẩm không khí để ngăn ngừa xuất tiết, đề nghị bệnh nhân không nói trong vài ngày để giảm tình trạng phù nề và tụ máu.
- Dùng corticoid cho bệnh nhân sớm để chống phù nề và sẹo dính. Kháng sinh được sử dụng để chống nhiễm trùng. Dùng thuốc kháng histamin H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton để chống trào ngược axit dạ dày thực quản.
- Nuôi dưỡng người bệnh qua đường tĩnh mạch.
- Tiêm ngừa vắc-xin uốn ván để ngăn ngừa uốn ván cho người bệnh (nếu cần thiết).
Hi vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về chấn thương khí quản.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.