Động kinh thùy trán là những cơn co giật có nguồn gốc ở phía trước của não. Triệu chứng động kinh có thể khác nhau tùy thuộc vào phần của não có liên quan. Động kinh thùy trán có thể có các triệu chứng bất thường xuất hiện có liên quan đến một vấn đề tâm thần hoặc rối loạn giấc ngủ. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về động kinh thùy trán.
Tổng quan chung về động kinh thùy trán
Động kinh xảy ra do sự rối loạn thần kinh, trong đó các cụm tế bào não gửi tín hiệu bất thường và gây co giật. Sự co giật bắt nguồn từ phía trước của não. Tình trạng này thường xảy ra trong khi ngủ.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra động kinh thùy trán, bao gồm:
- Nhu mô não bất thường
- Nhiễm trùng
- Chấn thương
- Đột quỵ
- Khối u,…
Triệu chứng bệnh
Động kinh thùy trán thường kéo dài ít hơn 30 giây và thường xảy ra trong khi ngủ. Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn động kinh thùy trán có thể bao gồm:
- Chuyển động đầu và chuyển động của mắt sang một bên.
- Hoàn thành toàn bộ hoặc một phần phản ứng, hoặc khó nói.
- La hét hoặc cười.
- Trạng thái cơ thể bất thường, như cánh tay mở rộng trong khi gập bộ phận khác.
- Chuyển động lặp đi lặp lại.
Khám bác sĩ nếu đang có dấu hiệu hoặc triệu chứng của cơn động kinh thùy trán. Gọi cấp cứu y tế giúp đỡ nếu ai đó có cơn động kinh kéo dài hơn năm phút.
Nguyên nhân gây bệnh
Động kinh thùy trán có thể là do bất thường – chẳng hạn như khối u, dị dạng mạch máu hoặc do chấn thương thùy trán của não. Một gen bất thường gây ra rối loạn di truyền hiếm gặp trên nhiễm sắc thể thường chi phối động kinh thùy trán về đêm. Nếu một trong cha mẹ có động kinh thùy trán, xác suất khoảng 50% con sẽ kế thừa các gen và phát triển các bệnh tương tự.
Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân của bệnh động kinh thùy trán vẫn còn chưa rõ.
Đối tượng nguy cơ
Động kinh thùy trán có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi hoặc giới tính. Đặc biệt là những người có tiền căn gia đình mắc bệnh lý động kinh.
Các yếu tố nguy cơ của cơn động kinh thùy trán bao gồm:
- Tiền sử gia đình bị động kinh hoặc bệnh lý ở não.
- Chấn thương đầu.
- Viêm não.
- U não.
- Dị dạng mạch máu não.
- Đột quỵ.
Chẩn đoán
Động kinh thùy trán có thể khó chẩn đoán vì các triệu chứng của nó có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề tâm thần hoặc rối loạn giấc ngủ. Một số hiệu ứng động kinh thùy trán có thể là kết quả của các cơn động kinh ở các phần khác của não.
Để chẩn đoán, bác sĩ cần dựa vào triệu chứng, tiền căn bệnh lý và khám tổng quát. Ngoài ra, có thể sẽ cần khám chức năng thần kinh, bao gồm:
- Sức cơ
- Cảm giác
- Nghe và nói
- Thị lực
- Phối hợp động tác và cân bằng
Một số xét nghiệm cần để chẩn đoán:
- Hình ảnh học: Thường dùng MRI não. MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô mềm cấu tạo nên bộ não. MRI não có thể giúp ta tìm được nguyên nhân của động kinh thùy trán.
- Điện não đồ (EEG): Điện não đồ theo dõi hoạt động điện trong não thông qua một loạt các điện cực được gắn vào da đầu của bạn. Xét nghiệm điện não đồ thường hữu ích trong chẩn đoán một số loại động kinh. Tuy nhiên kết quả có thể là bình thường trong động kinh thùy trán.
- Video điện não đồ: Xét nghiệm này thường được thực hiện suốt đêm ở bệnh viện. Hoạt động điện não của bạn sẽ được theo dõi và ghi lại trong cả đêm. Sau đó, bác sỹ sẽ so độ phù hợp giữa các triệu chứng khi xảy ra cơn động kinh và hoạt động điện não lúc đó.
Phòng ngừa bệnh động kinh thùy trán
Không có cách nào để ngăn ngừa động kinh thùy trán, nhưng bạn có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế số lần co giật bằng cách:
- Tránh các tác nhân gây co giật, chẳng hạn như căng thẳng, rượu, ma túy, đèn nhấp nháy hoặc không ngủ đủ giấc.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh hoặc duy trì chế độ ăn ketogenic chuyên biệt.
- Dùng thuốc chống động kinh theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị động kinh thùy trán như thế nào?
Trong thập kỷ qua, động kinh thùy trán ngày càng có nhiều phương pháp điều trị. Nhiều loại thuốc chống động kinh mới cũng như các loại phẫu thuật có thể giúp ích nếu thuốc không có tác dụng.
Thuốc
Hầu hết các loại thuốc chống động kinh giúp kiểm soát tốt cơn co giật. Tuy nhiên, đáp ứng thuốc đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau. Vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc hoặc có thể kết hợp các loại thuốc để kiểm soát cơn động kinh. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các loại thuốc mới và hiệu quả hơn.
Phẫu thuật
Nếu cơn động kinh không thể được kiểm soát bằng thuốc, phẫu thuật có thể là một lựa chọn tiếp theo. Phẫu thuật liên quan đến việc xác định chính xác các khu vực của não xảy ra co giật.
Kỹ thuật hình ảnh mới hơn như chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT) có thể giúp xác định khu vực tạo ra các cơn động kinh.
Một kỹ thuật được gọi là lập bản đồ não thường được sử dụng trước khi phẫu thuật động kinh. Lập bản đồ não liên quan đến việc cấy điện cực vào một khu vực của não và sử dụng kích thích điện để xác định xem khu vực đó có chức năng quan trọng hay không. Nếu quan trọng, sẽ tránh phẫu thuật trên khu vực đó. Ngoài ra, MRI chức năng (fMRI) được sử dụng để phản ánh vùng ngôn ngữ của não.
Sau phẫu thuật, bạn có thể vẫn phải dùng thuốc chống động kinh, tuy nhiên thường với liều thấp hơn.
Phẫu thuật trong bệnh động kinh thùy trán có thể bao gồm:
- Loại bỏ các điểm trọng tâm: Nếu cơn động kinh của bạn bắt đầu ở một điểm trong não, việc loại bỏ phần nhỏ mô não tại điểm đó có thể làm giảm hoặc ngưng xảy ra các cơn động kinh.
- Cô lập điểm trọng tâm: Nếu phần não gây ra cơn động kinh có chức năng quan trọng và không thể loại bỏ, bác sỹ sẽ phẫu thuật để cô lập phần não đó. Điều này giúp ngăn chặn các cơn động kinh di chuyển vào các phần khác của não.
- Kích thích dây thần kinh phế vị: Cấy ghép một thiết bị tương tự máy tạo nhịp tim để kích thích dây thần kinh phế vị. Thủ thuật này thường làm giảm tần suất xảy ra các cơn động kinh.
- Kích thích não sâu (DBS): Quy trình này bao gồm cấy điện cực vào não của bạn. Điện cực được kết nối với một thiết bị kích thích, tương tự như máy tạo nhịp tim. Thiết bị này sẽ được đặt dưới da ngực của bạn. Khi cơn động kinh xảy ra, thiết bị sẽ gửi tín hiệu đến điện cực để dừng tín hiệu kích hoạt cơn động kinh.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Một số cơn co giật được kích hoạt do uống rượu, hút thuốc và đặc biệt là thiếu ngủ. Cũng có bằng chứng cho thấy căng thẳng nghiêm trọng có thể gây ra co giật. Và ngược lại bản thân các cơn động kinh có thể gây ra căng thẳng. Tránh các tác nhân này có thể giúp cải thiện việc kiểm soát động kinh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.