Với các mẹ mang thai lần đầu, bên cạnh niềm hạnh phúc khi có con thường không tránh khỏi những bỡ ngỡ và lo âu là làm sao để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ tự tin hơn, sẵn sàng mọi thứ để đón bé yêu.
Những thay đổi của mẹ trong giai đoạn đầu mang thai
Khi bước vào thai kỳ, cơ thể người phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi, trong đó những điều khiến chính thai phụ cũng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Một số thay đổi như:
- Trễ kinh
- Buồn nôn, nôn
- Thay đổi khẩu vị
- Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc lấm tấm
- Mệt mỏi, đau lưng nhẹ
- Thường xuyên đi tiểu
- Đây hơi, táo bón
- Lông sẽ có thể phát triển nhiều ở mặt hoặc cổ. Tuy nhiên bà bầu không nên tẩy hay nhổ lông, thời điểm để thực hiện là 6 sáng sau sinh.
- Da thay đổi: Làn da có thể xuất hiện những mảng tối màu khi mang thai. Thường là ở má, trán, mũi hoặc môi trên và thường biến mất sau sinh.
- Chảy máu cam: Đây là triệu chứng bình thường khi mang thai. Cầm máu bằng cách bóp nhẹ mũi trong vài phút. Nếu máu không ngừng chảy, hãy gọi bác sĩ.
- Bộ ngực thay đổi: Ngực căng, vùng da ở quanh ngực sẽ tối màu hơn và có thể sưng thành cục (không gây nguy hiểm).
- Răng yếu: Điều này sẽ biến mất sau khi sinh. Nếu nướu răng bị chảy máu, hãy đi khám bác sĩ.
- Đường sọc giữa bụng: Khu vực giữa bụng sẽ có thể xuất hiện đường thẳng dài và đậm màu khi mang thai. Có thể sẽ mọc lông ở đường sọc này và nó sẽ biến mất sau khi sinh.
- Xuất hiện mụn thịt: Bạn sẽ có thể xuất hiện vài nốt mụn thịt nhưng đó không phải là dấu hiệu ung thư. Nó thường xuất hiện ở cánh tay hoặc ngực khi mang thai.
Buồn nôn là triệu chứng thường gặp khi mang thai giai đoạn đầu
Làm gì để mang thai khỏe mạnh giai đoạn đầu
Mẹ bầu cần lưu ý những điều sau đây để có 1 thai kỳ khỏe mạnh:
- Khám sàng lọc trước khi mang thai: Xác định sớm các bất thường về sức khỏe của người cha, người mẹ có thể di truyền cho con cái, gây ảnh hưởng tới việc thụ thai và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ cũng như trẻ sau khi sinh.Tạo tiền đề cho các bác sĩ đưa ra lời khuyên về thời điểm sinh con, phương pháp thụ thai, chuyển dạ an toàn, giúp bé khỏe mạnh. Nhờ đó, ngăn ngừa được nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh, thai lưu không rõ nguyên nhân
- Khám thai định kỳ: Khi mang thai, điều quan trọng là mẹ không được bỏ lỡ các buổi kiểm tra định kỳ. Điều này sẽ giúp đánh giá sức khỏe của cả mẹ và em bé; đồng thời hạn chế bất kỳ rối loạn phát triển nào của thai nhi ngay từ giai đoạn sớm.
Khám thai định kỳ là rất quan trọng trong thai kỳ
- Tham gia các lớp học tiền sản dành cho bà bầu: Lớp học tiền sản được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức cần thiết, bao gồm các kiến thức về quá trình mang thai, các thông tin về chuyển dạ, sinh nở và một số kiến thức cần thiết về chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Tiêm phòng trước và trong thai kỳ: Tiêm phòng đóng vai trò quan trọng giúp mẹ và bé phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và hạn chế nguy cơ bị dị tật thai nhi
- Chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng: Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của người mẹ; cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Mẹ cần nắm được những thực phẩm nên ăn và không nên ăn:
- Mẹ nên có một chế độ ăn uống bổ dưỡng, lành mạnh và cân bằng. Bổ sung đầy đủ nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin – khoáng chất, uống đủ nước; nên ăn đồ hấp luộc, hạn chế chiên xào, nhiều dầu mỡ. Đặc biệt thực phẩm giàu canxi, sắt và acid folic, vitamin D.
- Thực phẩm không nên ăn: ngừng hút thuốc lá, sản phẩm có cồn và cafein vì có thể làm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh và nhẹ cân ở trẻ sơ sinh; thực phẩm chưa nấu chín hoặc chế biến sẵn; thực phẩm lên men như măng muối,…; một số thực phẩm làm tăng nguy cơ sảy thai như: đu đủ xanh, dứa,…
- Thực hiện chế độ luyện tập phù hợp: Mẹ bầu nên tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng để giảm bớt những khó chịu khi mang thai và hỗ trợ đáng kể đến sự phát triển toàn diện của thai nhi
- Vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác hay lao động nặng
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh stress
Các biện pháp giảm căng thẳng mang thai giai đoạn đầu
Ốm nghén, mệt mỏi và các chứng bệnh thai kỳ là những căn nguyên khiến bà bầu bị stress, thậm chí có thể kéo dài đến sau sinh. Để giảm stress khi mang thai, mẹ bầu hãy thử áp dụng những cách sau đây:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc: Mẹ bầu hãy đi nghỉ cuối tuần và dành thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện cùng chồng; giảm bớt thời gian làm việc nếu công việc nhiều áp lực
- Thư giãn: Massage trong khi mang thai là cách giảm stress rất thú vị. Nếu dùng dầu thơm hay tinh dầu, thì lưu ý về tính an toàn của nó với thai phụ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Suy ngẫm và tưởng tượng cũng là một cách hữu ích hoặc tìm đọc các cuốn sách dạy kỹ thuật thư giãn và chọn 1 thời điểm nào đó mà không ai quấy rầy rồi thực hiện trong vòng 30 phút.
- Dinh dưỡng: Ăn các thực phẩm có tác dụng tính tâm như các loại ngũ cốc nguyên cám (giàu vitamin B) sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng ứng phó với stress nhờ sản xuất hoóc-môn serotonin. Bảo đảm chuyện ăn uống trong quá trình mang thai cũng rất quan trọng.
- Luyện tập: Tập luyện cũng giúp giảm căng thẳng vì thế nên tập luyện đều đặn trước khi có thai và trong khi có thai. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy hỏi bác sĩ ngay.
- Tập yoga trước sinh: Yoga trong khi mang thai không chỉ giúp cơ thể uyển chuyển mà còn là 1 kỹ thuật thư giãn, giúp quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn. Nếu có cảm giác lo lắng hay trong giai đoạn chuyển dạ, thực hành kỹ thuật thở yoga sẽ rất hữu ích.
- Bơi lội là cách tập luyện tốt nhất với bà bầu, không chỉ giúp duy trì sức khỏe, tăng sự mềm dẻo của cơ khớp mà còn hạn chế được các chấn thương.
- Đi bộ cũng là cách tập luyện tốt khi bầu bí và cũng là cách thư giãn hiệu quả.
- Tự giúp mình: Cười là một trong những cách tự thư giãn tốt nhất, vì vậy hãy gặp gỡ bạn bè, đi xem phim hài ngay khi có thể.
- Hãy chia sẻ: Hãy nói ra những lo lắng của bạn với người thân, bạn bè. Hoặc có thể tham gia các lớp tiền sản, chia sẻ những lo lắng với bác sĩ cũng là một cách.
- Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng: Bạn có thể lo lắng về các vấn đề sinh đẻ như chuyển dạ và mình có chịu nổi các cơn đau không….Hãy tìm hiểu về kỹ thuật chuyển dạ cũng như những kiến thức thai sản thông qua lớp học tiền sản, sách, tạp chí….Những thông tin này sẽ giúp bạn tự tin và kiểm soát bản thân tốt hơn.
- Vấn đề tài chính: Nếu có các khoản nợ thì hãy cố gắng tạm gác nó sang một bên nếu không muốn làm ảnh hưởng đến bé. Hãy ghi ra danh sách những thứ bạn cần và quyết định cái nào sẽ mua, cái nào sẽ mượn hay xin mọi người; không mua những thứ không cần thiết, đặc biệt những thứ chỉ dùng trong 1 khoảng thời gian rất ngắn.
Hy vọng, bài viết này cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho mẹ bầu.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.