Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Paramyxovirus gây ra. Thời điểm xuất hiện căn bệnh này là vào thời điểm mùa xuân, mùa đông, khi mà nhiệt độ ẩm thấp và xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Đây là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi với tốc độ lây lan cao, lây qua đường không khí, rất dễ trở thành dịch bệnh đối với những người có sức đề kháng yếu hoặc có khả năng miễn dịch kém.
Dấu hiệu của người mắc bệnh sởi?
Sởi điển hình (thường gặp)
Thời kỳ ủ bệnh:
Người mắc bệnh thường không có triệu chứng gì trong vòng 10 – 12 ngày đầu kể từ khi nhiễm virus.
Thời kỳ khởi phát:
Trong từ 5 – 15 ngày tiếp theo, kể từ thời kỳ ủ bệnh, người bệnh thường có biểu hiện sốt và viêm long.
- Sốt cao đột ngột 39 – 400C, trẻ sốt cao có thể co giật.
- Viêm long: là dấu hiệu đặc biệt, thường gặp ở niêm mạc mắt, mũi.
- Viêm long niêm mạc mũi: Có các biểu hiện ho, hắt hơi, chảy nước mũi.
- Viêm long thanh quản: ho nhiều, tiếng ho khàn.
- Viêm long mắt: Kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt, mi mắt sưng lên, có dử mắt.
Khám phát hiện hạt Koplick: thường xuất hiện ngày thứ 2 của sốt, trong niêm mạc miệng quanh lỗ tuyến Sténon, có 5 – 20 chấm màu trắng, tồn tại khoảng 12 – 14 giờ. Là dấu hiệu đặc hiêu để chẩn đoán sớm bệnh sởi trong giai đoạn khởi phát.
Thời kỳ toàn phát:
- Đặc điểm mọc ban: thường xuất hiện trình tự, từ sau tai, gáy sau đó xuất hiện ở vùng trán, má. Sau đó lan toàn bộ đầu, mặt, cổ rồi xuống thân mình.
- Đặc điểm ban: không ngứa, dạng dát sẩn, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, xung quanh ban có da bình thường.
Thời kỳ lui bệnh:
Ban bay tuần tự giống khi mọc. Sau khi ban bay để lại vết thâm trên da, trên bề mặt có phủ phấn trắng trông giống vết vằn da hổ.
Sởi không điển hình
Biểu hiện có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt nên dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
Hoặc có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo.
Các cách chữa bệnh sởi đơn giản tại nhà
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi. Do đó, cách chữa bệnh sởi chính là tuân thủ theo nguyên tắc chung: làm giảm các triệu chứng và kết hợp chế độ chăm sóc, vệ sinh và dinh dưỡng hợp lý.
- Khi có dấu hiệu bị sốt cao, người bệnh cần phải nhanh chóng được hạ sốt, có thể sử dụng thuốc hạ nhiệt có chứa Paracetamol để đưa thân nhiệt về mức an toàn.
Cần lưu ý rằng, không nên chủ quan mặc dù người bệnh đang hạ sốt hay các nốt phát ban lặn dần. Tiếp tục theo dõi nhiệt độ cơ thể của người bệnh trong hai trường hợp:
- Cơ thể đã hạ sốt nhưng sau đó lại sốt trở lại.
- Đã hết các ban đỏ trên da nhưng cơ thể vẫn còn sốt, các cơn sốt có thể quay trở lại và dẫn theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Đảm bảo uống nước đầy đủ, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, tránh gió lùa.
- Thường xuyên vệ sinh thân thể và răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn.
- Tắm, lau người, vệ sinh răng miệng: bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm. Nên tắm nơi kín gió, không nên tắm lâu. Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.
- Không nên kiêng nước, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc vệ sinh, dẫn đến viêm da, viêm tắc mũi họng, thậm chí viêm loét hoại tử răng miệng, hoặc không phát hiện kịp thời biến chứng loét giác mạc.
- Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng
- Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường (gạo, bột), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu, mỡ), vitamin – chất khoáng (rau, quả).
- Đối với trẻ bú mẹ: bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.
- Cách chế biến: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh.
Lưu ý:
- Không kiêng khem, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng.
- Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
- Bổ sung thêm vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi.
Bổ sung vitamin A đã được chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Theo phác đồ điều trị bệnh Sởi của Bộ Y tế, uống ngay vitamin A theo liều sau:
- Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
- Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
- Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
Tuân thủ liều bổ sung vitamin A theo chỉ định của bác sĩ.
- Người bị bệnh sởi cần được cách ly chăm sóc cho dù đang điều trị tại nhà. Hạn chế tối đa việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với người khác, người chăm sóc cần đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây lan bệnh.
Trong trường hợp xấu nhất, khi bệnh phát triển các biến chứng từ sởi, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế hoặc bệnh viện. Không được tự ý chữa trị tại nhà để tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Những lưu ý cần biết
Để phòng tránh bệnh sởi cần lưu ý những điều sau:
- Trẻ khi đến tuổi cần được đưa đi tiêm vacxin phòng bệnh sởi.
- Cần đáp ứng đủ sữa mẹ nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho người mắc bệnh sởi, đặc biệt biệt là vệ sinh răng miệng và đường hô hấp.
- Bổ sung vitamin, rau củ để tăng cường sức đề kháng.
- Đến cơ sở y tế gần nhất khám ngay khi có những dấu hiệu của bệnh.
- Rửa tay thường xuyên và sử dụng chất khử trùng tay nếu cần.
- Tránh xa người bị bệnh sởi, tránh tiếp xúc với các bề mặt hoặc đồ vật đã tiếp xúc với người bị sởi.
Nếu một người nào đó trong gia đình của bạn bị bệnh sởi, cần phải:
- Cách ly: Bệnh sởi rất dễ lây lan, cần phải cách ly những người đang mắc bệnh sởi, nghỉ học hoặc nghỉ làm trong thời gian bệnh, đặc biệt phải tránh tiếp xúc với những người trong gia đình chưa có miễn dịch.
- Tiêm ngừa: Những người có nguy cơ mắc bệnh sởi và chưa được chủng ngừa đầy đủ cần được tiêm ngừa sởi càng sớm càng tốt, bao gồm cả người lớn tuổi chưa được tiêm ngừa và trẻ trên sáu tháng tuổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.