Đái tháo đường được chia thành 3 type bệnh chính là đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 và đái tháo đường thai kỳ. Khi mắc bệnh đái tháo đường ở bất kỳ type nào, cơ thể người bệnh không thể sản xuất hoặc sử dụng insulin. Tuy nhiên, với mỗi type lại có những nguy cơ riêng cần được nhận biết để phòng tránh.
Nguy cơ gây đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 thường bắt đầu từ thời thơ ấu do tuyến tụy không sản xuất insulin. Những điều chính dẫn đến loại bệnh này là:
Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người bị bệnh đái tháo đường thì rất có thể bạn cũng sẽ mắc căn bệnh này. Do vậy, bất cứ ai có mẹ, cha, chị, hoặc anh trai mắc bệnh tiểu đường type 1 nên thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán.
Các bệnh về tuyến tụy: Có thể làm chậm khả năng tạo ra insulin gây bệnh.
Nhiễm khuẩn hoặc bệnh tật: Một số bệnh nhiễm khuẩn và bệnh tật, chủ yếu là những bệnh hiếm gặp, có thể làm tổn thương tuyến tụy làm cho tụy không sản xuất insulin khiến glucose trong máu tăng cao.
Nguy cơ gây đái tháo đường type 2
Khi mắc bệnh lý này có nghĩa là cơ thể bạn không thể sử dụng insulin từ tuyến tụy, được gọi là kháng insulin. Đái tháo đường type 2 thường ảnh hưởng đến người lớn, nhưng nó có thể bắt đầu ở bất cứ lứa tuổi nào. Những nguy cơ chính dẫn đến bệnh:
Béo phì hoặc thừa cân: Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy đây là một lý do hàng đầu cho bệnh đái tháo đường type 2. Vì sự gia tăng béo phì ở trẻ em Hoa Kỳ, loại này ảnh hưởng đến thanh thiếu niên ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân do quá nhiều mỡ thừa có thể làm tăng đề kháng insulin, tăng cao glucose trong máu và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Suy giảm dung nạp glucose: Tiền đái tháo đường là một dạng nhẹ hơn của đái tháo đường type 2 và có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu đơn giản. Tuy nhiên, nếu bị tiền đái tháo đường mà bạn không có sự điều chỉnh lối sống hay chế độ ăn thì nguy cơ cao sẽ tiến triển thành đái tháo đường type 2.
Lối sống thụ động: Lối sống thụ động, lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Vận động cơ là cần thiết để phòng bệnh đái tháo đường type 2.
Chủng tộc, lứa tuổi: Bệnh đái tháo đường xảy ra thường xuyên hơn ở người Mỹ gốc Tây Ban Nha/Mỹ La tinh, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản xứ, người Mỹ gốc Á, người Thái Bình Dương và người bản địa Alaska. Bên cạnh đó, nếu bạn trên 45 tuổi và thừa cân thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Các nguy cơ khác: Người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, mắc bệnh gai đen, buồng trứng đa nang… có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn các đối tượng khác.
Đái tháo đường thai kỳ
Nếu bạn bị đái tháo đường khi mang thai nghĩa là bạn bị đái tháo đường thai kỳ. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 sau này trong cuộc sống. Bệnh lý này gặp ở khoảng 4% các trường hợp mang thai tại Hoa Kỳ. Nguyên nhân là do kích thích tố do nhau thai tạo ra hoặc quá ít insulin. Lượng đường trong máu cao từ mẹ gây ra lượng đường trong máu cao ở em bé. Điều đó có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi nếu không được điều trị. Những điều có thể dẫn đến đái tháo đường thai kỳ bao gồm:
Béo phì hoặc thừa cân: Tăng nhiều cân trong thời kỳ mang thai, chỉ số BMI trên 25 có thể dẫn đến bệnh lý này.
Không dung nạp đường: Việc không dung nạp glucose hoặc đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong quá khứ khiến bạn dễ mắc bệnh trở lại.
Lịch sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường thai kỳ, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh lý này hơn.
Tuổi tác: Những phụ nữ trên 40 tuổi mới sinh con có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Ngoài ra, những phụ nữ có tiền sử sinh con từ 4.000g trở lên, thai chết lưu 3 tháng cuối không rõ nguyên nhân hay sinh con dị tật không rõ nguyên nhân cũng có khả năng mắc bệnh lý này cao hơn.
Mặc dù có rất nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường nhưng bạn hoàn toàn có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa bằng cách quản lý tốt huyết áp, giữ trọng lượng ở mức độ hợp lý, tập thể dục 30 phút mỗi ngày và có chế độ ăn uống cân bằng.