Hiện nay, buồng trứng đa nang (PCOS) không thể điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Tổng quan về buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) chỉ tình trạng buồng trứng của người phụ nữ chứa nhiều nang nhỏ, khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nội tiết tố androgen.
Ở nam giới, nội tiết tố androgen được tạo ra trong tinh hoàn. Chúng tham gia vào quá trình phát triển cơ quan sinh dục nam và các đặc điểm khác của nam giới như lông trên cơ thể. Ở phụ nữ, nội tiết tố androgen được tạo ra trong buồng trứng, nhưng sau đó được chuyển thành estrogen. Đây là những hormone đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản, cũng như sức khỏe của tim, động mạch, da, tóc, não và các bộ phận và hệ thống cơ thể khác.
Biểu hiện của buồng trứng đa nang
Ở một số phụ nữ, các dấu hiệu đa nang buồng trứng có thể xuất hiện rất sớm ngay trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp, triệu chứng bệnh chỉ được phát hiện khi họ gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản.
Các biểu hiện của bệnh thường gặp gồm:
- Kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt không đều, thường kéo dài bất thường là dấu hiệu thường gặp nhất của hội chứng buồng trứng đa nang. Nguyên nhân bởi quá trình rụng trứng gặp trục trặc, làm cho niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng. Bên cạnh đó, niêm mạc tử cung được hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian dài, dẫn đến lượng máu trong mỗi kỳ kinh có thể nhiều hơn bình thường.
- Lông tóc phát triển quá mức (hiện tượng rậm lông)
Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, lưng, bụng và ngực. Mặt khác, nhiều người còn gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần. Cả hai hiện tượng này đều xuất phát từ sự tăng lên các hormone nam trong cơ thể.
- Béo phì
Có đến 80% phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
- Da mặt nhờn, xuất hiện mụn trứng cá
Nồng độ nội tiết tố nam tăng lên khiến da tiết nhiều dầu hơn bình thường, dẫn đến xuất hiện mụn trứng cá ở các vùng mặt, lưng, ngực…
- Sạm da
Cơ thể xuất hiện các mảng da sẫm màu ở các khu vực có nhiều nếp gấp như vùng cổ, vùng bẹn và vùng dưới vú.
- Nhức đầu
Một số người có thể gặp triệu chứng đau đầu do sự thay đổi hormone.
- Tâm trạng thay đổi thất thường
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu. Tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm.
- Cảm giác đau và khó chịu ở vùng chậu
Khi mắc hội chứng này, phụ nữ có thể gặp phải những cơn đau âm ỉ từ mức độ nhẹ đến dữ dội (cảm giác như cơn đau bụng kinh), đồng thời cảm thấy khó chịu ở vùng bụng, vùng chậu và lưng dưới.
Biến chứng của buồng trứng đa nang
Gây khó mang thai
Ở người bình thường, một nang trứng trong một buồng trứng sẽ phóng ra một noãn mỗi tháng. Nếu một nang noãn khỏe mạnh không gặp được tinh trùng và thụ tinh, bạn sẽ không thể mang thai. Ở người bị buồng trứng đa nang, số lượng các nang noãn nhiều trong buồng trứng có thể gây rối loạn nội tiết và cản trở quá trình rụng trứng.
Buồng trứng đa nang gây rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh hiếm muộn nếu không phát hiện sớm. Khi testosterone sinh ra quá nhiều trong buồng trứng, trứng phát dục chậm hoặc dừng phát triển dù chưa chín. Nang noãn không phát triển được, noãn không thể trưởng thành, vì vậy không có hiện tượng rụng trứng.
Người mắc PCOS thường có kinh nguyệt thưa, không đúng chu kỳ và không thấy hiện tượng trứng rụng hằng tháng. Siêu âm thường thấy xuất hiện từ – trên 10 nang nhỏ (kích thước dưới 10mm) trên một buồng trứng.
Không phải ai mắc đa nang buồng trứng cũng khó mang thai , bạn vẫn có thể mang thai nếu bị PCOS. Những bệnh nhân thường phải dùng thuốc và phối hợp chặt chẽ với một chuyên gia sinh sản để tăng cơ hội mang thai.
Ảnh hưởng đến vấn đề về insulin
Các bác sĩ không chắc nguyên nhân gây buồng trứng đa nang PCOS, nhưng một giả thuyết cho rằng kháng insulin có thể khiến cơ thể bạn tạo ra quá nhiều nội tiết tố androgen.
Insulin là một loại hormone giúp các tế bào trong cơ thể hấp thụ đường (glucose) từ máu để sử dụng làm năng lượng. Nếu bạn bị kháng insulin, các tế bào trong cơ bắp, các cơ quan và mô không hấp thụ tốt lượng đường trong máu. Kết quả là bạn sẽ có quá nhiều đường di chuyển tự do trong máu. Đây được gọi là bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến các vấn đề với hệ thống tim mạch và thần kinh của người bệnh. Nguy cơ này của buồng trứng đa nang rất dễ xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, song đôi khi vẫn có thể gặp ở những bệnh nhân có cân nặng bình thường.
Bên cạnh đó, mức insulin cao cũng dẫn đến tăng cholesterol, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, từ đó gia tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Bệnh buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ngay cả ở những phụ nữ thể trạng gầy ốm.
Gây Ung thư nội mạc tử cung
Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người bình thường. Đặc biệt, nguy cơ càng gia tăng ở bệnh nhân thừa cân.
Thông thường, estrogen sẽ tác động đến lớp nội mạc tử cung, khiến chúng dày lên để chuẩn bị đón trứng đã thụ tinh về làm tổ. Nếu người phụ nữ không thụ thai, lớp niêm mạc này sẽ bong ra và xuất hiện kinh nguyệt.
Trong khi đó, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh – triệu chứng phổ biến của PCOS, sẽ khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên mà không bong ra. Mức estrogen cao trong cơ thể chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Các biến chứng của buồng trứng đa nang khác có thể xảy ra
Người mắc PCOS cũng có nguy cơ gặp các rối loạn chuyển hóa. Đây là một nhóm các triệu chứng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như chất béo trung tính cao và mức cholesterol HDL (“tốt”) thấp, huyết áp cao và lượng đường trong máu cao.
Một số tác hại của buồng trứng đa nang phổ biến khác bao gồm:
- Trầm cảm.
- Lo âu.
- Chảy máu tử cung.
- Các vấn đề về giấc ngủ.
- Viêm gan.
- Di truyền (những bạn nữ có mẹ hay chị gái mắc đa nang buồng trứng có nhiều nguy cơ bị di truyền căn bệnh này).
PCOS là một tình trạng mãn tính, vì vậy cần điều trị lâu dài. Hiệu quả điều trị PCOS có thể khác nhau ở mỗi người. Cần theo dõi sức khỏe thường xuyên và tái khám bác sĩ định kỳ để điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.
Để được tư vấn cụ thể về phương pháp điều trị phù hợp nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.