Bệnh bướu giáp đơn thuần còn được gọi là bướu giáp bình giáp hoặc bướu giáp không độc. Đây được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp của người bệnh lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp và không có hiện tượng viêm hoặc u tăng sinh. Bệnh này thường gặp ở nữ giới, nguy cơ cao hơn trong giai đoạn dậy thì, mang thai và sau tuổi mãn kinh. Bài viết sau sẽ giới thiệu tổng quan về bệnh bướu giáp đơn thuần nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ các triệu chứng và xét nghiệm chẩn bệnh. Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề nghi ngờ bệnh thì hãy đi gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để kịp thời phát hiện và theo dõi tình trạng bệnh nhé!
Tổng quan chung bướu giáp đơn thuần
Bệnh bướu giáp đơn thuần còn được gọi là bướu giáp bình giáp hoặc bướu giáp không độc. Đây được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp của người bệnh lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp và không có hiện tượng viêm hoặc u tăng sinh. Bệnh này thường gặp ở nữ giới, nguy cơ cao hơn trong giai đoạn dậy thì, mang thai và sau tuổi mãn kinh.
Có ba loại của bướu giáp đơn thuần, bao gồm:
- Thể lan tỏa
- Thể nhiều nốt: Thường gặp ở người cao tuổi hơn thể lan tỏa, triệu chứng không rõ ràng và đa số không cần điều trị, tuy nhiên cũng cần sinh thiết xét nghiệm tế bào học để loại trừ ung thư.
- Thể một nốt (thể một nhân): Thường lành tính, cũng có khoảng 5% là ung thư biểu mô tuyến giáp, cần sinh thiết để làm xác định chẩn đoán. Đối với thể một nốt lành tính thì người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ và thường không đáp ứng giảm thể tích với điều trị thuốc thyroxine.
Triệu chứng bướu giáp đơn thuần
Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh bướu tuyến giáp đều không có triệu chứng báo hiệu cụ thể, chỉ phát hiện bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe hoặc thực hiện siêu âm tuyến giáp. Tuy nhiên nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau đây thì bạn nên đi thăm khám và nhờ sự tư vấn của bác sĩ:
- Cảm giác vùng cổ to ra hoặc sờ thấy khối u ở vùng cổ
- Đau vùng cổ, nuốt nghẹn, khó thở, nói khàn
- Biểu hiện của rối loạn chức năng tuyến giáp: run tay, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy, sút cân
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp
- Người đã từng chiếu xạ ở vùng cổ
Nguyên nhân bướu giáp đơn thuần
- Do thiếu iod tuyệt đối là nguyên nhân chính của bướu giáp dịch tễ, bệnh thường do nước uống trong vùng bị thiếu iod. Một số ít nơi trên thế giới không thiếu iod và ngay cả vùng thừa iod vẫn có thể bị bướu giáp dịch tễ. Ngoài ra cần nhớ rằng không phải tất cả người sống ở vùng thiếu iod đều bị bướu giáp đơn thuần.
- Có tính chất di truyền trong bệnh sinh của bướu giáp và có thể tác dụng tương tác lẫn nhau.
- Tác dụng của các chất kích thích làm phì đại tuyến giáp như một số loại thực phẩm (quả su) chứa những chất làm tăng kích thước tuyến giáp.
- Ngoài ra còn một số chất như thiocyanat, acid para-aminosalicylic, muối lithium, cobalt, thuốc kháng giáp tổng hợp có thể là nguyên nhân gây ra bướu giáp đơn thuần.
Đối tượng nguy cơ mắc bướu giáp đơn thuần
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp đơn thuần, chẳng hạn như:
- Nữ giới, nhất là người đang mang thai, sau tuổi 40, đang trong độ tuổi mãn kinh,… thường có nguy cơ mắc phải các vấn đề về tuyến giáp cao hơn nam giới.
- Nếu trong gia đình có người mắc bệnh về tuyến giáp thì các thành viên còn lại cũng có nguy cơ bị bệnh.
- Một số loại thuốc điều trị cũng làm tăng nguy cơ bị bướu cổ đơn thuần.
- Tiếp xúc bức xạ.
Chẩn đoán bướu giáp đơn thuần
- Sự hấp thu iốt phóng xạ tại tuyến giáp: Trong giai đoạn đầu, sự hấp thụ iốt phóng xạ của tuyến giáp có thể là bình thường hoặc cao khi đo độ tập trung iod. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp kết quả thường bình thường. Các kháng thể tuyến giáp được đo để loại trừ viêm tuyến giáp Hashimoto.
- Xạ hình tuyến giáp: Là một trong những phương pháp sử dụng thiết bị SPECT/CT để phát hiện các bệnh tuyến giáp. Trước đó, người bệnh sẽ được đưa một lượng nhỏ iod phóng xạ vào cơ thể. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ có thể dùng dược chất phóng xạ I-131(Iod 131) hoặc Technetium – 99m. Tác dụng của chất phóng xạ là giúp kết quả hình ảnh về tuyến giáp rõ nét hơn.
- Siêu âm tuyến giáp: Được thực hiện để xác định xem có các nhân gợi ý ung thư hay không.
- Nồng độ thyroxine (T4), triiodothyronine (T3), và hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Trong bướu cổ địa phương, TSH huyết thanh có thể tăng nhẹ và T4 huyết thanh có thể thấp hoặc bình thường thấp, nhưng T3 huyết thanh thường là bình thường hoặc hơi cao.
Phòng ngừa bướu giáp đơn thuần
- Bổ sung lượng i-ốt cần thiết bằng các loại thực phẩm như muối, sữa, bánh mì,… để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hormone của tuyến giáp.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp như cải bắp, súp lơ, cải xoăn,… Trong những loại rau này có chứa Goitrogens, gây kích thích bướu phát triển. Dù khi nấu chín rau, những chất này có thể bị bất hoạt nhưng bạn vẫn không nên ăn quá nhiều.
- Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố độc hại từ môi trường.
Điều trị bướu giáp đơn thuần như thế nào?
Bướu giáp đơn thuần thường là phát triển các nhân giáp tiến triển chậm nên những người mắc bệnh chỉ cần theo dõi sức khỏe bản thân và xét nghiệm định kỳ. Bệnh chỉ cần điều trị nếu có các dấu hiệu nghi ngờ ung thư trên lâm sàng như nhân giáp to trong thời gian nhanh, bướu quá to gây nên các biểu hiện chèn ép: khàn giọng, khó nuốt, khó thở.
Liệu pháp iod phóng xạ có thể là một lựa chọn điều trị cho bướu giáp đơn thuần phát hiện muộn và thường dành cho những bệnh nhân có chống chỉ định thực hiện phẫu thuật được.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được chỉ định kết quả sinh thiết nhân bướu giáp đơn thuần này đã hóa thành ác tính, thường kèm với triệu chứng bướu lớn nhanh về kích thước gây chèn ép các cơ quan xung quanh vùng cổ.