Khi trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, ba mẹ cần nắm vững chế độ dinh dưỡng và phương pháp ăn dặm đúng cách. Trong bài viết này, Pharmacity sẽ chia sẻ với bạn những bí quyết hiệu quả để tập ăn dặm cho bé.
Mẹ nên cho bé ăn dặm vào thời điểm nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi. Bởi vì thời điểm này sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của trẻ đã bắt đầu có thể xử lý các loại thức ăn đặc hơn sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết cho thấy trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm:
- Trẻ có thể ngồi vững mà không cần sự trợ giúp từ người lớn.
- Trẻ kiểm soát đầu tốt.
- Trẻ có khả năng cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng.
- Trẻ có dấu hiệu nhai theo hoặc đòi thức ăn khi thấy người lớn ăn.
- Trẻ quấy khóc do vẫn còn đói sau khi đã bú mẹ.
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu tập ăn dặm
Hướng dẫn cách tập ăn dặm cho bé khoa học
Để bé dễ dàng phối hợp với ba mẹ trong quá trình ăn dặm, dưới đây là hướng dẫn chi tiết về phương pháp tập ăn dặm cho bé đúng cách.
Bé nên bắt đầu ăn dặm như thế nào?
Khi mới bắt đầu làm quen với thức ăn, ba mẹ nên cho bé ăn từng loại thực phẩm riêng biệt thay vì trộn chung. Bữa ăn của trẻ tập ăn dặm cần đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm chính như sau:
- Tinh bột: Gạo tẻ, gạo nếp, ngô…
- Protein: Cá, thịt, trứng, sữa…
- Chất béo: Dầu thực vật, mỡ.
- Chất xơ: Các loại rau xanh.
- Vitamin và khoáng chất: Trái cây.
Đầu tiên, bạn nên đút cho bé khoảng nửa muỗng cà phê thức ăn. Đồng thời, vừa đút vừa trò chuyện để tạo hứng thú cho bé. Tuy nhiên, sẽ có lúc bé đẩy thức ăn ra ngoài và không chịu ăn. Để khắc phục, bạn nên cho bé bú một ít sữa trước khi cho ăn thức ăn dặm.
Trẻ 6 tháng tuổi có thể ăn dặm 2 bữa trong ngày. Mỗi bữa cần cách nhau ít nhất 2 giờ để bé tiêu hóa hết thức ăn. Nếu bé biếng ăn, hãy chia nhỏ các bữa ăn và cho bé bú thêm sữa nếu bé ăn ít.
Khi bắt đầu ăn dặm trẻ cần bổ sung đa dạng 4 nhóm thực phẩm chính
Mẹ nên dùng dụng cụ nào để tập ăn dặm cho bé?
Trẻ bắt đầu ăn dặm tốt nhất là nên sử dụng muỗng để tránh tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ. Khi chọn muỗng cho bé, hãy chọn loại có kích cỡ phù hợp và có màu sắc bắt mắt để thu hút trẻ.
Trong những lần đầu, bé có thể nhăn mặt, nhè thức ăn hoặc không muốn ăn. Đây là những phản ứng bình thường vì bé chưa quen thức ăn mới. Lúc này, mẹ hãy kiên nhẫn vừa trò chuyện với con vừa nhẹ nhàng tiếp tục đút trẻ.
Bí quyết tập ăn dặm cho bé làm quen với thức ăn
Khi bắt đầu tập ăn dặm cho bé 6 tháng, ba mẹ có thể áp dụng theo một số mẹo sau.
- Cho bé ăn thực phẩm lành mạnh: Hãy bắt đầu với các loại trái cây hoặc rau củ dễ ăn như bí đỏ, khoai lang, đậu Hà Lan, bơ, chuối. Những loại này dễ dàng trộn thành hỗn hợp nhuyễn mịn.
- Độ loãng hợp lý: Món ăn đầu tiên nên có độ loãng vừa phải vì bé chưa quen ăn thức ăn khác ngoài sữa. Do đó khi chế biến thức ăn, cần xay mịn hoặc tán nhuyễn để bé làm quen dần dần với thức ăn dạng đặc hơn.
- Mỗi ngày ăn 1 lần: Trong những tháng đầu, mục tiêu là cho bé làm quen với mùi vị và kết cấu mới. Cho bé ăn một cữ mỗi ngày, sau 1 giờ khi con bú và bắt đầu cảm thấy hơi đói.
- Ba mẹ cần kiên nhẫn: Hãy cho bé tiếp xúc với một loại thức ăn nhiều lần để bé bắt đầu thích món đó. Hoặc có thể trộn lẫn những món bé không thích với những món bé thích.
- Tạo không khí vui vẻ khi ăn: Trong quá trình bé ăn, mẹ nên tương tác cùng con bằng cách đồng thời và khen ngợi để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh.
Mẹ nên thường xuyên tương tác và trò chuyện cùng con trong khi ăn
Một số lưu ý cần biết trong quá trình cho bé ăn dặm
Dưới đây là các điều cần lưu ý khi cho bé ăn dặm:
- Nếu trẻ ăn ít, không nên ép buộc trẻ ăn thêm mà hãy cho bé bú sữa bù rồi dần dần tăng lượng thức ăn khi trẻ đã quen.
- Quan sát phản ứng khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua,…
- Hãy làm nguội thức ăn trước khi đút cho trẻ để tránh tình trạng khiến lưỡi bé bị phỏng do quá nóng.
- Trẻ từ 6-8 tháng tuổi chưa có phản xạ nhai tốt vì vậy nên nghiền nhỏ thức ăn để tránh gây hóc.
- Chọn mua thực phẩm tươi ngon và đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi bé ăn để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập và đảm bảo sơ chế và chế biến thực phẩm sạch sẽ.
- Thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé mỗi ngày để trẻ không cảm thấy nhàm chán.
- Tránh dùng gia vị trong khẩu phần của bé dưới 1 tuổi.
Trong quá trình tập ăn dặm cho bé, bằng cách bắt đầu từ những loại thực phẩm lành mạnh và lựa chọn các nguyên liệu tươi ngon, mẹ sẽ giúp bé tiếp cận dần với các món ăn mới một cách an toàn và dễ dàng.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.