Viêm não Nhật Bản hay còn được biết đến với tên gọi viêm não mùa hè, đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản (JEV) gây ra. Bệnh có diễn biến nặng, nguy cơ tử vong và di chứng kéo dài. Tại sao gọi là viêm não “Nhật Bản”? Bởi vì chính tại nước Nhật người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này vào năm 1935. Theo thời gian, bệnh phát triển, lưu hành và gây dịch ở các đảo Tây Thái Bình Dương, các nước ở phía Bắc và Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam.
Triệu chứng viêm não Nhật Bản
Ba triệu chứng điển hình nhất của viêm não Nhật Bản:
- Sốt cao
- Co giật
- Hôn mê
Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường chỉ xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi và đến lúc này thì đã muộn: “Có những trường hợp viêm não ác tính thì chỉ trong 24 giờ, bệnh nhân co giật hôn mê rồi ngừng thở, ngay cả thở máy lúc đấy cũng không còn hiệu quả, vì đã bị hoại tử não dẫn đến chết não”.
Sau khi virus JEV xâm nhập vào cơ thể, thì não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương theo từng giai đoạn, cụ thể:
- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.
- Giai đoạn khởi phát:
- Virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát đột ngột sốt cao 39 – 400C hoặc hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 – 2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng,…
- Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ còn kèm đau bụng, tiêu chảy, nôn giống như ngộ độc do ăn uống.
- Giai đoạn toàn phát
- Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, triệu chứng viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát, nổi bật nhất là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.
- Sang ngày thứ 3 – 4 của bệnh, các triệu chứng không giảm mà diễn tiến nặng hơn. Người bệnh từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên. Người bệnh vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở. Cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến người bệnh nằm co quắp, giật rung các cơ mặt và chi. Ở một số người bệnh còn có trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.
- Giai đoạn lui bệnh: Từ ngày thứ 8 trở đi, nhiệt độ cơ thể người bệnh giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng suốt đời như: điếc, liệt chi,… ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản
Do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra.
Virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Loại virus này thuộc họ Flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile, lây lan qua đường muỗi đốt.
Virus viêm não Nhật Bản có kích thước 15 – 22 – 50 nm, là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 560C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 1000C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.
Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ 5-9 tuổi và những đối tượng đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh viêm não Nhật Bản.
Theo thống kê, trẻ từ 0 đến 14 tuổi chiếm đến 75% các trường hợp tử vong.
Chẩn đoán viêm não Nhật Bản
- Dựa vào các biểu hiện của bệnh và vùng dịch tễ đang sinh sống.
- Chẩn đoán xác định dựa vào các xét nghiệm như: máu, dịch não tủy; các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác: chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp MRI sọ não (khi cần), chụp Xquang phổi…
Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
- Biện pháp tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng: mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 sau mũi 2 một năm và duy trì tiêm nhắc lại 3-4 năm/lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Do bệnh lây truyền qua vết muỗi đốt nên cần diệt trung gian truyền bệnh bằng cách dùng thuốc trừ muỗi, vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi ao tù đọng nước quanh khu vực nhà ở.
- Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt.
- Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.
- Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh
Viêm não Nhật Bản rất dễ để lại di chứng nặng nề về thần kinh và vận động vĩnh viễn dù may mắn được cứu sống. Vì vậy, trẻ em và người lớn đừng bỏ lỡ cơ hội chủng ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Điều trị viêm não Nhật Bản
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thường các bác sĩ sẽ điều trị với nguyên tắc khi có các biểu hiện như:
- Điều trị suy hô hấp, sốc nếu có.
- Chống phù não nếu có.
- Điều trị biến chứng.
- Đảm bảo dinh dưỡng.
- Kháng sinh khi có chỉ định.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn.