Trong giai đoạn thời tiết giao mùa như hiện nay, viêm mũi dị ứng trở thành bệnh phổ biến hơn bao giờ hết. Bệnh viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tuy nhiên hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi cùng nhiều triệu chứng đi kèm khác có thể gây khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
Viêm mũi dị ứng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
Tìm hiểu bệnh viêm mũi dị ứng
Tìm hiểu bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích, bị viêm do các tác nhân từ môi trường như khói, bụi, lông, phấn hoa, mùi lạ, thời tiết,…
Đây là bệnh lành tính và thường gặp, tuy nhiên bệnh gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng
Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ giải phóng một chất hoá học tự nhiên có tên là histamin. Histamin và một số hóa chất trung gian khác của phản ứng quá mẫn chính là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng.
Các nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng thường gặp:
Cơ địa nhạy cảm: Thường do di truyền
Tiếp xúc với dị nguyên: Dị nguyên gây viêm mũi dị ứng không chỉ tiếp xúc qua đường hô hấp mà do các dị ứng qua đường ăn uống.
- Qua đường hô hấp: Bụi, khói, lông động vật, phấn hoa, mùi lạ…
- Dị ứng qua đường ăn uống: Các thực phẩm như hải sản, trứng, sữa,…
- Dị ứng với các thành phần của thuốc: Kháng sinh, aspirin, penicillin, vaccine.
Do mất cân bằng dị ứng: Mất cân bằng dị ứng làm cơ thể dễ mắc viêm mũi dị ứng khi gặp điều kiện thuận lợi như thay đổi thời tiết, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với quá nhiều dị nguyên, căng thẳng, rối loạn nội tiết,…
Đối tượng dễ mắc viêm mũi dị ứng
Bất kì ai cũng có thể mắc viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, nếu bạn bị hen suyễn, chàm da hoặc có người thân có tiền sử bị viêm mũi dị ứng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số tác nhân có thể làm xuất hiện hoặc nặng thêm chứng viêm mũi dị ứng: khói thuốc, hoá chất, thời tiết lạnh, gió, ô nhiễm không khí, nước hoa, phấn hoa,…
Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng
Người mắc viêm mũi dị ứng hầu hết đều có các biểu hiện như hắt hơi liên tục; ngứa mũi, mắt, họng; sổ mũi; nghẹt mũi; viêm hoặc ngứa cổ họng; chảy nước mắt; hay đau đầu; cơ thể mệt mỏi; có thể kèm theo các triệu chứng ở da như ngứa, phát ban.
Các triệu chứng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hoặc vài ngày – vài tuần tuỳ theo loại viêm mũi dị ứng mà bạn mắc.
- Viêm mũi dị ứng gián đoạn: Triệu chứng diễn ra trong 4 ngày/tuần hoặc dưới 4 tuần/năm.
- Viêm mũi dị ứng dai dẳng: Triệu chứng diễn ra nhiều hơn 4 ngày/tuần và nhiều hơn 4 tuần/năm.
Phân biệt viêm mũi dị ứng với viêm mũi
Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa bệnh viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường dẫn đến chủ quan trong việc thăm khám và điều trị, khiến bệnh tình nặng thêm.
Người bệnh có thể phân biệt giữa viêm mũi dị ứng với viêm mũi thông thường qua các đặc điểm sau:
Viêm mũi dị ứng
- Do các tác nhân dị ứng gây ra (phấn hoa, khói, bụi, lông, hóa chất…)
- Triệu chứng: Thường gặp nhất hắt xì, ngứa mũi; có thể sổ mũi, nghẹt mũi…
Viêm mũi thông thường
- Do vi rút, vi khuẩn từ các mầm bệnh (cảm, cúm, các bệnh liên quan tai mũi họng bị biến chứng gây ra…).
- Triệu chứng: ít hắt hơi, chủ yếu nghẹt mũi và chảy nước mũi; dịch mũi nhầy đặc, có mủ; cơ thể mệt mỏi, có thể sốt.
Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Có nhiều cách điều trị viêm mũi dị ứng mà người bệnh có thể áp dụng:
Điều trị đặc hiệu: Còn gọi là phương pháp giải mẫn cảm, chính là việc cho tác nhân dị ứng từ từ vào cơ thể người bệnh và tăng dần chiết xuất từ dị nguyên để tạo kháng thể.
Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu điều trị triệu chứng và kiểm soát bệnh trong thời gian ngắn.
Điều trị phẫu thuật: Biện pháp này được chỉ định cho một số trường hợp đặc biệt như bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hoá cuốn mũi, một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.
Cải thiện chế độ sinh hoạt: Tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng là các tối ưu nhất để chữa viêm mũi dị ứng. Ngoài ra còn cần chú ý một số thói quen hàng ngày khác để bệnh cải thiện tốt nhất:
- Sử dụng máy lạnh thay vì mở cửa để hạn chế khói, bụi.
- Cẩn thận khi thay đổi thời tiết; giữ ấm, đề phòng viêm đường hô hấp.
- Tránh dùng tay ngoáy mũi; giữ vệ sinh mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Tránh ăn đồ sống, lạnh, tanh; tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá.
- Tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
Viêm mũi dị ứng là bệnh lành tính thường gặp nhưng có thể gây cản trở cho cuộc sống hàng ngày của người mắc bệnh. Vì vậy hãy chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân dị ứng để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.