Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng và là một trong những loại ung thư phát triển nhanh nhất. Tỷ lệ mắc ở Việt Nam tương đối lớn so với các nước khác trong khu vực. Vậy ung thư gan có lây không?
Những điều cần biết về ung thư gan
Ung thư gan là bệnh lý ác tính tiến triển thầm lặng, rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm, trong khi tỷ lệ bệnh nhân tử vong lại rất cao. Nguyên nhân gây ra ung thư gan có thể kể đến như virus viêm gan B, viêm gan C, thói quen uống nhiều rượu, nhiễm độc hóa chất,… Khi khối u ác tính còn nhỏ, bệnh nhân gần như không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Một số những biểu hiện điển hình như: mệt mỏi, chướng bụng, chán ăn, sụt cân, đau ở hạ sườn phải… cũng chỉ xuất hiện khi khối u gan đã lớn.
Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan bình thường bị đột biến trong ADN của chúng. ADN mang các gen quy định sự phát triển, nhân lên và chết đi của tế bào. Khi ADN bị thay đổi, các tế bào có thể phát triển và nhân lên ngoài tầm kiểm soát hoặc sống lâu hơn vòng đời của chúng. Cuối cùng, khối u ác tính hình thành, được gọi là ung thư gan nguyên phát.
Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy tình trạng xơ gan và viêm gan mãn tính, chẳng hạn như virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV), có thể dẫn đến ung thư gan. Các tình trạng này làm tổn thương tế bào gan và biến tế bào gan khỏe mạnh thành tế bào ung thư. Sử dụng đồ uống có cồn cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
Ung thư gan có lây không?
Câu trả lời là KHÔNG. Bạn sẽ không thể bị lây bệnh ung thư gan nói riêng và tất cả bệnh ung thư khác nói chung. Việc tiếp xúc gần gũi, quan hệ tình dục, hôn, chạm tay, dùng chung bữa ăn hoặc hít thở cùng một bầu không khí không thể lây lan ung thư gan. Tế bào ung thư từ một người bị bệnh không thể lây lan sang một người khỏe mạnh khác.
Tế bào ung thư khác xa với các tác nhân lây nhiễm như vi khuẩn và virus. Tế bào ung thư về cơ bản là một tế bào bình thường nhưng lại phát triển bất thường. Nếu tế bào ung thư từ người này xâm nhập vào người khác, hệ thống miễn dịch của người đó sẽ nhận ra tế bào lạ và ngay lập tức tiêu diệt chúng. Ngược lại, tế bào vi khuẩn và virus đã tiến hóa đặc biệt để có thể tồn tại, phát triển ít nhất là trong một khoảng thời gian ở những người mà chúng mới xâm nhập.
Những ai dễ mắc ung thư gan
Những nhóm đối tượng sau thường có nguy cơ mắc ung thư gan:
- Người có bệnh gan mạn tính
- Người bị viêm gan virus B, đặc biệt là nam giới nhiễm viêm gan virus, nguy cơ ung thư gan rất lớn
- Người trên 40 tuổi, vì thời điểm này virus viêm gan đã tích đủ gây tổn thương trên gan
- Những người trong gia đình có người thân mắc ung thư gan, người có tải lượng virus lớn hơn 2.000 IU/ml
- Người tiêm chích ma túy, có thể lây nhiễm nhiều virus như viêm gan C, HIV
- Người bị viêm gan virus C, bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan
- Bệnh nhân bị xơ gan do uống nhiều rượu
- Người bị gan nhiễm mỡ do chế độ ăn quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, đường dẫn tới thừa cân, béo phì
- Người thường xuyên ăn các loại ngũ cốc mốc như lạc, gạo, đậu dễ gia tăng nguy cơ mắc ung thư gan vì chất độc Aflatoxin trong thực phẩm mốc này ảnh hưởng tới tế bào gan
Ung thư gan thường phát hiện muộn, bệnh nhân đến khám bác sĩ không thể can thiệp được. Nguyên nhân là ung thư gan có dấu hiệu mờ nhạt. Khi bệnh nhân đau tức hạ sườn, ăn uống không ngon, sụt cân… thì khối u đã phát triển lớn.
Chính vì vậy, với những nhóm người trên, cần theo dõi bệnh định kỳ. Bác sĩ khuyến cáo 6 tháng siêu âm bụng, thử máu xét nghiệm chỉ số AFP để tầm soát sớm một lần. Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có khối bất thường ở gan sẽ làm các biện pháp chuyên sâu hơn để tìm ra khối u, phát hiện sớm từ khi bệnh mới hình thành để có biện pháp điều trị hiệu quả.
AFP là protein do tế bào ung thư gan sản xuất. Nếu chỉ số này tăng lên 200 – 400 ng/ml, bệnh nhân sẽ được chỉ định theo dõi ung thư gan. Nếu phát hiện sớm khối u mới 1 – 2 cm là cơ hội vàng để điều trị ung thư gan. Bác sĩ có thể dùng phương pháp đốt u, nút mạch hoặc cắt phân thùy lấy khối u, người bệnh có thể được điều trị tận gốc ung thư gan. Bệnh ở giai đoạn tiến triển xa, di căn thì việc điều trị chỉ là nâng đỡ, hỗ trợ bệnh nhân kìm hãm sự phát triển của khối u.
Kết luận
Ung thư gan là căn bệnh nghiêm trọng, nhưng không lây nhiễm từ người này sang người khác. Việc tiếp xúc, sống chung, quan hệ tình dục, hoặc chia sẻ đồ dùng cá nhân với người mắc ung thư gan không gây nguy cơ lây nhiễm. Những người có nguy cơ cao mắc ung thư gan, như người mắc viêm gan virus, xơ gan, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Nhận biết sớm và điều trị đúng cách có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.