Người có bệnh nền là đái tháo đường và mắc thêm COVID-19 sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên gấp 5-10 lần. Do đó, chế độ dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng trong mùa dịch là hết sức quan trọng. Nguy cơ nặng hơn khi nhiễm COVID-19 Hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn, vi rút tấn công.
Tuy nhiên ở người bệnh đái tháo đường, hệ miễn dịch bị suy giảm, sức đề kháng yếu, vi rút dễ tấn công hơn vào các bộ phận trong cơ thể gây tổn thương các cơ quan sâu hơn, nhất là phổi.
Nếu bệnh đái tháo đường đã dẫn đến các biến chứng suy gan, suy thận, suy giảm hệ thống miễn dịch thì khi nhiễm COVID-19, bệnh càng diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao. Vi rút SARS-CoV-2 sẽ phát triển mạnh hơn khi lượng đường trong máu cao.
Người bệnh đái tháo đường khi bị viêm nhiễm dễ làm cho lượng đường trong máu tăng cao dễ dẫn đến các biến chứng của đái tháo đường. Ngoài nhiễm vi rút SARS-CoV-2, người bệnh đái tháo đường còn dễ mắc các các bệnh lý viêm nhiễm khác như lao phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiết niệu, nữ dễ bị nhiễm nấm âm đạo.
Ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh đái tháo đường Chế độ ăn giúp tăng sức đề kháng về chế độ ăn uống, người bệnh đái tháo đường cần nắm được các thành phần dinh dưỡng gồm chất bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để bổ sung đầy đủ, đảm bảo nhu cầu cơ thể và giúp tăng sức đề kháng.
Người bệnh cần nắm được nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho một ngày để làm sao đảm bảo được cân nặng lý tưởng, tránh tình trạng béo phì, thừa cân. Chế độ ăn phải chú ý bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, E… và khoáng chất.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường gồm: Một nửa khẩu phần ăn là các loại rau, ưu tiên rau lá; 1/4 khẩu phần ăn là ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, gạo xay xát rối; 1/4 khẩu phần ăn còn lại là protein như cá, thịt lợn nạc, thịt gà. Bổ sung các chất béo tốt từ các loại hạt hoặc một phần nhỏ dầu thực vật.
Thêm một khẩu phần ăn trái cây hoặc sữa chuyên dùng cho người bệnh đái tháo đường và nước tráng miệng không đường. Thực phẩm khuyến nghị Nhóm tinh bột, ưu tiên sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình như đậu xanh, bún, gạo lứt, ngũ cốc…
Thực phẩm giàu chất xơ, khuyến nghị nên dùng rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, rau cải, cà chua, cà rốt, cà tím… nên ăn ít nhất 400g rau xanh/ ngày. Nhóm chất đạm nên ăn cá, đậu đỗ, thịt nạc, thịt da cầm bỏ da. Nhóm chất béo bổ sung từ dầu đậu nành, dầu lạc, dầu ô liu, dầu vừng và xen kẽ các bữa dầu cá.
Để tăng sức đề kháng và tránh biến chứng nặng trong mùa dịch, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, người bệnh đái tháo đường cũng cần chú ý loại bỏ một số thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya. Nên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng stress…
Nguồn: BS. Nguyễn Minh Nguyệt (Suckhoedoisong.vn)
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.