Tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh lý mạch máu tại võng mạc có thể gây giảm thị lực trầm trọng, thậm chí có thể gây mù nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc là gì?
Võng mạc được bao phủ bởi các tế bào thần kinh đặc biệt, có chức năng chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu, truyền về não bộ giúp chúng ta nhìn thấy được hình ảnh. Khi võng mạc bị tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhìn của người bệnh.
Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc là tình trạng dòng chảy của máu từ võng mạc bị tắc nghẽn do cục máu đông. Khi một tĩnh mạch võng mạc bị tắc nghẽn, máu không thể chảy ra khỏi võng mạc, dẫn đến tình trạng xuất huyết (chảy máu) từ các mạch máu bị tắc nghẽn và rò rỉ dịch từ các mạch máu này.
Phân loại
Tắc tĩnh mạch võng mạc được chia làm 2 loại:
- Tắc tĩnh mạch võng mạc thể trung tâm (Central retinal vein occlusion – CRVO) là tình trạng tắc tĩnh mạch chính, thường xuất hiện đột ngột ở một bên mắt. Tùy mức độ và vị trí tắc, biểu hiện bệnh diễn biến từ nhẹ đến nặng, thậm chí không có triệu chứng. Có trường hợp chỉ xuất hiện một đốm đen ở mắt, không gây ảnh hưởng đến thị lực. Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thường là người bị hẹp, tổn thương mạch máu hoặc đang bị các bệnh mạn tính như tăng nhãn áp, phù hoàng điểm, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao…
- Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc (Branch retinal vein occlusion – BRVO) là sự tắc nghẽn một trong những tĩnh mạch nhánh nhỏ hơn, nguyên nhân là do sự xuất hiện của huyết khối trong lòng tĩnh mạch. Đây cũng là lý do gây ra khoảng 30% số ca bệnh. Tắc tĩnh mạch xảy ra gây tắc nghẽn dẫn lưu máu vùng hoàng điểm, gây phù hoàng điểm và giảm thị lực.
Triệu chứng
- Bệnh thường xuất hiện đột ngột thường ở một mắt, giảm thị lực từ ít đến nhiều, có thể mất thị lực 1 phần hay mất thị lực hoàn toàn.
- Người bệnh nhìn kém đột ngột, mức độ vừa, như nhìn qua lớp sương mù hoặc thị lực giảm trầm trọng trong vòng 2 – 3 ngày. Vùng nhìn của người bệnh cũng bị thu hẹp lại, hoặc nhìn thấy đốm đen trước mắt.
- Thường bệnh không gây đau.
- Thay đổi thị lực có thể ngắn hạn hoặc kéo dài dai dẳng, tuỳ thuộc vào tình trạng toàn thân của bệnh nhân.
- Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh không đau nhức mắt, không đỏ mắt, không chảy nước mắt.
Một số biến chứng có thể gặp và tiến triển làm cho thị lực càng xấu hơn:
- Phù hoàng điểm gây ra giảm thị lực dai dẳng
- Sự tăng sinh tân mạch tạo thành các mạch máu mới bất thường
- Bệnh cườm nước (glaucoma).
- Những mạch máu mới có thể vỡ gây xuất huyết.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân toàn thân
- Tăng huyết áp (vô căn): là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Xơ vữa động mạch: có thể đã gây tăng huyết áp hoặc chưa.
- Tắc hay hẹp động mạch cảnh trong: do bẩm sinh hoặc do mảng xơ vữa động mạch gây nên.
- Bệnh đái tháo đường.
- Rối loạn mỡ máu: cholesterol máu tăng hoặc triglyceride tăng hoặc cả 2 loại đều tăng.
- Bệnh thận: suy thận các mức độ, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn…
- Các bệnh về máu: thiếu máu, bệnh bạch cầu cấp, đa hồng cầu, thiếu máu, bệnh lý hồng cầu, rối loạn globulin máu…
- Các bệnh lý mạch máu: viêm tĩnh mạch, viêm thành mạch mãn tính nguyên phát hay thứ phát sau nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân: bệnh giang mai, bệnh BehÇet, bệnh Eales, bệnh hệ thống collagen…
- Bệnh còn hay gặp ở những người nghiện thuốc lá.
Các nguyên nhân tại chỗ
- Tăng áp lực hố mắt.
- Tăng nhãn áp do glaucoma mạn tính.
- Viêm tổ chức hốc mắt mãn tính.
Đối tượng nguy cơ
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc thường xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những người có các vấn đề sức khỏe sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
- Huyết áp cao
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tăng nhãn áp
- Xơ cứng động mạch
Chẩn đoán
Trước tiên, bác sĩ Mắt sẽ kiểm tra mắt và tìm hiểu về bệnh sử của người bệnh. Kế đến, bác sĩ sẽ kiểm tra võng mạc xem có dấu hiệu tắc nghẽn hoặc chảy máu hay không. Trước đó, người bệnh sẽ được nhỏ thuốc giãn đồng tử để quá trình kiểm tra mắt diễn ra dễ dàng hơn.
Lưu ý, nếu từng dị ứng với thuốc giãn đồng tử (như Mydriacyl…), hay các loại dị ứng khác, người bệnh nên thông báo trước cho bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được kiểm tra võng mạc với các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu:
- Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT): Kỹ thuật này là cho ra hình ảnh về võng mạc có độ rõ nét cao. Những hình ảnh này giúp bác sĩ xác định có hay không sự xuất hiện của tình trạng sưng và phù nề nơi võng mạc. Bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh OCT để ghi lại tiến trình của bệnh trong suốt quá trình điều trị.
- Soi đáy mắt: Thông qua kính soi đáy mắt, bác sĩ sẽ thực hiện việc kiểm tra võng mạc nhằm phát hiện những thay đổi do tắc tĩnh mạch võng mạc gây ra.
Chụp mạch huỳnh quang: Đây là một quy trình xét nghiệm trong đó thuốc nhuộm được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay và di chuyển đến các mạch máu võng mạc. Kết quả cho ra các bức ảnh đặc biệt giúp bác sĩ quan sát dễ dàng các mạch máu.
Phòng ngừa bệnh
- Khuyến cáo bệnh nhân phải điều trị các bệnh toàn thân có nguy cơ cao như xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận..
- Khám mắt định kỳ (đối với người lớn tuổi, người bị cận thị hoặc có bệnh lý mạch máu) mỗi năm một lần; khám ngay khi cảm nhận thấy dấu hiệu bất thường để bác sĩ kịp thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có cơ hội bảo vệ, phục hồi thị lực.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để làm giảm mảng xơ vữa, giảm tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu. Cụ thể, nên ăn thức ăn ít béo, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, bỏ hút thuốc lá,…
Khi bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, nếu không điều trị sớm thì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như mắc bệnh cườm nước, xuất huyết trong mắt, bong võng mạc hay thậm chí là mù lòa,… Vì vậy, cần phát hiện, điều trị bệnh sớm ngay khi có dấu hiệu bệnh để giảm tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
Điều trị như thế nào?
Dù chưa có giải pháp khai thông tĩnh mạch võng mạc nhưng vẫn có nhiều cách điều trị cho vấn đề tắc tĩnh mạch võng mạc.
Thực tế cho thấy, người bị tắc tĩnh mạch võng mạc vẫn hồi phục thị lực. Khoảng 1/3 người bệnh cho thấy một số cải thiện, 1/3 giữ nguyên và khoảng 1/3 dần cải thiện, nhưng có thể mất khoảng một năm mới có được các kết quả này. Trong một số trường hợp, các mạch bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến tích tụ dịch trong võng mạc. Trường hợp khác, bệnh có thể gây ra sự hình thành các mạch máu mới.
Theo đó, một số phương pháp điều trị bao gồm:
- Tiêm thuốc kháng (VEGF) hay còn gọi là thuốc chống tăng sinh mạch máu, nhằm ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới.
- Tiêm thuốc corticosteroid: Nhóm thuốc chống lại các thành phần viêm dẫn đến phù nề.
- Liệu pháp laser tiêu điểm: Tia laser được chiếu đến các khu vực bị sưng để giảm phù nề.
- Liệu pháp laser quang đông võng mạc: Phương pháp điều trị này được áp dụng khi bệnh nhân có sự hình thành mạch máu mới sau tắc tĩnh mạch võng mạc. Liệu pháp này giúp phá hủy các tổ chức tân mạch võng mạc, ngăn sự xuất huyết dịch kính võng mạc và phù hoàng điểm, ngăn chặn sự tiến triển và bảo tồn thị lực cho người bệnh.
Do tắc tĩnh mạch võng mạc có liên quan đến bệnh lý toàn thân nên người bệnh cần đi các chuyên khoa khám tổng thể nhằm phát hiện và điều trị ổn định các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, tiểu đường hay rối loạn mỡ máu…, hoặc phát hiện và điều trị các bệnh lý phối hợp tại mắt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.