Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn, người cao tuổi, đặc biệt là những người chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Các triệu chứng mắc bệnh sởi ở người cao tuổi
Phát hiện sớm bệnh sởi ở người cao tuổi có vai trò quan trọng, giúp điều trị sớm hiệu quả hơn, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra. Nếu đã từng mắc sởi khi còn nhỏ, cơ thể đã có miễn dịch nên khi tiếp xúc với virus có thể không khởi phát bệnh. Nguy cơ mắc bệnh và biến chứng sởi cao hơn ở người chưa có miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm phòng vắc xin.
Sau khi nhiễm virus gây bệnh khoảng 7 – 21 ngày, triệu chứng bệnh mới xuất hiện bao gồm:
- Gây sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, những triệu chứng này khá giống với cảm ốm thông thường nên thường bị nhầm lẫn.
- Triệu chứng bệnh ở mắt xuất hiện khá sớm bao gồm: sưng nề mí mắt, mắt đỏ, cộm, tình trạng chảy nước mắt, sợ ánh sáng,…
- Triệu chứng ở đường hô hấp trên: Bệnh nhân mắc sởi sẽ có những triệu chứng viêm long đường hô hấp trên như: ngạt mũi, ho khan, sổ mũi, chảy nước mũi,…
- Xuất hiện phát ban: Vùng xuất hiện phát ban do bệnh sởi sởi sớm nhất thường là trong khoang miệng, trên bề mặt niêm mạc má. Dấu hiệu là các hạt nhỏ có kích thước từ 0.5 – 1mm, có màu trắng xám, xung quanh là vầng ban đỏ nổi gồ lên.
- Sau sốt cao từ 3 – 4 ngày, phát ban trên các vùng da của cơ thể sẽ đồng loạt xuất hiện, nổi cộm rõ ràng lên bề mặt da. Ban đầu, phát ban thường xuất hiện ở sau tai, sau gáy rồi tràn ra trán, mặt, cổ. Dần dần đến thân mình và tứ chi đều xuất hiện phát ban.
- Đến khi phát ban nổi toàn thân, tình trạng sốt sẽ giảm dần.
Tuy nhiên khi sốt đã giảm và phát ban có thể cũng giảm bớt, nguy cơ biến chứng vẫn còn nếu người bệnh chủ quan không chăm sóc, điều trị tốt.
Nguy cơ tăng biến chứng ở người cao tuổi
Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc biến chứng do sởi hơn so với trẻ em và người trưởng thành vì một số lý do sau:
- Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch của người cao tuổi thường yếu hơn do quá trình lão hóa, khiến họ dễ bị nhiễm virus sởi hơn và khó chống lại virus hiệu quả hơn.
- Mắc các bệnh lý nền: Người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn,… Những bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng do sởi.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc mà người cao tuổi sử dụng, như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống viêm steroid, có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến họ dễ bị biến chứng do sởi hơn.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi ở người cao tuổi bao gồm:
- Viêm phổi: Biến chứng nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm não: Gây ra các triệu chứng như sốt cao, co giật, lú lẫn, hôn mê, thậm chí tử vong.
- Viêm thanh quản: Gây ra khàn giọng, khó thở, sưng thanh quản.
- Viêm giác mạc: Gây ra đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Tiêu chảy: Có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng tai: Gây ra đau tai, chảy mủ tai.
- Hội chứng Reye: Biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, gây tổn thương gan và não.
Cách phòng ngừa bệnh sởi
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người hoặc môi trường có nhiều vi khuẩn gây bệnh như bệnh viện.
- Thường xuyên rửa tay bằng các loại thuốc sát trùng nhất sau khi đến những nơi đông người.
- Luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
- Các chuyên gia cho rằng để phòng ngừa sốt phát ban dạng sởi ở người lớn thì tiêm chủng là cách tốt nhất. Bởi mọi đối tượng chưa có miễn dịch (chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi) đều có khả năng mắc bệnh sởi (ngay cả với trẻ dưới 9 tháng tuổi).
Sốt phát ban dạng sởi ở người cao tuổi nếu không cảnh giác có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chủ động phòng ngừa bệnh sởi bằng cách tiêm phòng vắc xin sẽ giúp tạo miễn dịch đối với bệnh, tránh tạo dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.