Bệnh ái kỷ là một rối loạn tâm thần với tỷ lệ mắc ở nam cao hơn ở nữ. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh ái kỷ tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống của bệnh nhân. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh ái kỷ sẽ giúp chúng ta sớm phát hiện bệnh và có liệu pháp điều trị kịp thời.
Bệnh ái kỷ là gì?
Bệnh ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ hay còn gọi là chứng yêu bản thân thái quá là một bệnh lý tâm thần. Bệnh nhân mắc bệnh lý này chỉ quan tâm đến bản thân, luôn mong muốn người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình nhưng lại thiếu sự đồng cảm với người khác. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh ái kỷ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Bệnh nhân mắc bệnh ái kỷ thường có hành vi kiêu ngạo, thiếu đồng cảm với mọi người và chỉ muốn được mọi người ngưỡng mộ. Những người ái kỷ thường được mô tả là những người tự phụ, luôn xem bản thân là trung tâm. Họ cũng có tính cách thất thường và luôn tin rằng mình xứng đáng được đối xử đặc biệt. Những rối loạn nhân cách có liên quan bao gồm: rối loạn chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính. Tự kiêu là mức độ nhẹ hơn của bệnh tâm lý ái kỷ. Người tự kiêu thường ra vẻ tự phụ, ích kỷ, thích kiểm soát và có một tình yêu huyễn hoặc với bản thân.
Triệu chứng
Biểu hiện điển hình của người ái kỷ là họ khao khát được người khác ngợi khen; liên tục phóng đại những thành tích của bản thân. Điều này giúp củng cố cho niềm tin và thói quen phóng đại thành tích nơi bản thân họ.
Ngoài ra, một số hành vi khác thường thấy ở người ái kỷ:
- Thao túng tâm lý: Lúc đầu, một người ái kỷ sẽ cố gắng làm hài lòng và gây ấn tượng với bạn; nhưng cuối cùng, nhu cầu của họ sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.
- Khao khát được ngưỡng mộ: cần cảm thấy người khác đang công nhận mình; có xu hướng khoe khoang hoặc phóng đại thành tích của họ để được tán dương.
- Thiếu đồng cảm và thái độ kiêu căng: Người ái kỷ không sẵn lòng hoặc không thể đồng cảm với nhu cầu, mong muốn hoặc cảm xúc của người khác. Họ có thể trở nên thô lỗ hoặc bạo lực khi không nhận được sự đối xử mà họ nghĩ rằng họ xứng đáng.
- Tin rằng mình vượt trội hơn người khác: Họ tin rằng những người khác nên tuân theo mong muốn của họ; và các quy tắc chung không áp dụng cho họ (họ phải là ngoại lệ).
Người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó duy trì các mối quan hệ với người khác và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích.
Nguyên nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh ái kỷ vẫn chưa thật sự rõ ràng.
- Có nhiều giả thiết cho rằng gen di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách ái kỷ (khoảng 50%).,
- Ảnh hưởng của môi trường cũng góp phần hình thành nhân cách ái kỷ.
- Yếu tố văn hóa cũng có thể dẫn tới bệnh ái kỷ.
- Các vấn đề về tâm sinh lý cũng có thể là một nguyên nhân gây ra bệnh tâm lý ái kỷ như bị ngược đãi, bỏ bê hoặc nuông chiều và khen ngợi quá mức.
Đối tượng nguy cơ
Hiện chưa xác định được đối tượng nguy cơ mắc bệnh ái kỷ. Một số yếu tố nguy cơ có thể xét đến như sau
- Do di truyền
- Môi trường sống, bao gồm các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Chẩn đoán
Không có bất kì một xét nghiệm nào trong phòng thí nghiệm được dùng để xác định hội chứng rối loạn tâm thần. Theo một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng, rối loạn nhân cách tự ái thực sự không phổ biến. Việc chẩn đoán bệnh được yêu cầu thực hiện bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý.
Nhiều chuyên gia sử dụng bảng kiểm tính cách tự ái, đó là một danh sách gồm 40 câu hỏi làm thước đo của việc một ai đó muốn sự chú ý và khao khát quyền lực nhiều ra sao.
Những rối loạn tính cách là những kiểu suy nghĩ, hành vi và mối quan hệ với người khác đã có từ lâu, đã được ăn sâu, rối loạn chức năng của mình. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện từ sớm khi trẻ được 8 tuổi khi trẻ bắt đầu nhận thức được cách mọi người phản ứng với chúng.
Những người mắc bệnh ái kỷ có xu hướng không nhận thấy bản thân họ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, vì vậy họ ít có khả năng tìm kiếm sự đánh giá và điều trị một cách đúng đắn.
Theo một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Ohio, Mỹ đã nói rằng nhiều người sẵn sàng tự thừa nhận mình là người ái kỷ. Nhưng trong khi những người tự ái có thể phổ biến thì bệnh ái kỷ vẫn là hiếm. Một số đặc điểm của bệnh ái kỷ tương tự với những hội chứng rối loạn tính cách khác. Cũng có thể được chẩn đoán nhiều hội chứng rối loạn tính cách trong cùng một thời điểm. Điều này có thể làm cho việc chẩn đoán bệnh ái kỷ trở nên khó khăn hơn.
Phòng ngừa bệnh
Vì nguyên nhân của chứng rối loạn nhân cách tự ái là không rõ, nên không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này.
Điều trị như thế nào?
Trên thực tế, bệnh tâm lý ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ mắc không cao. Tuy nhiên, bệnh lý ái kỷ đang dần dần gia tăng trong bối cảnh hiện nay. Nhìn chung, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa trị. Nguyên nhân có thể là vì người mắc bệnh không nghĩ rằng họ bị bệnh và không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý, hướng dẫn bệnh nhân suy nghĩ tốt hơn, tích cực hơn. Các chuyên gia tâm thần sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu sắc về bản thân họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như vậy để giúp cải thiện hành vi, suy nghĩ của bệnh nhân. Thực tế, không có loại thuốc nào có thể chữa được bệnh ái kỷ. Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị bệnh ái kỷ tốt nhất được các bác sĩ tâm thần sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện hàng ngày với bệnh nhân để tạo mối quan hệ thân mật.
Ngoài ra, còn có một phương pháp điều trị ái kỷ khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra suy nghĩ và hành vi không lành mạnh, đồng thời thay thế bằng những hành động và suy nghĩ tích cực hơn. Liệu pháp nhận thức-hành vi có thể phù hợp với bệnh nhân bị ái kỷ bởi vì nhu cầu được khen ngợi có thể cho phép một nhà trị liệu định hình hành vi của họ. Một số bệnh nhân bị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ nhận thấy liệu pháp nhận thức-hành vi quá đơn giản hoặc chung chung cho các nhu cầu đặc biệt của họ.
Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm đôi khi được dùng ở bệnh nhân ái kỷ có triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Bệnh nhân ái kỷ cũng cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bao gồm: chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác trên mạng xã hội, tránh xa những tin tức tiêu cực, giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga hoặc thái cực quyền.
Tóm lại, bệnh ái kỷ là một rối loạn tâm thần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bệnh nhân. Đây là một bệnh lý khó điều trị, đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ bệnh nhân, người nhà và chuyên gia tâm lý. Bạn nên tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Để từ đó có những phương pháp điều trị phù hợp. Hãy đến cơ sở y tế hoặc tìm gặp các chuyên gia tâm thần nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.