Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra cho phụ nữ ở nhiều độ tuổi, Đối với nữ giới, kinh nguyệt chính là sự phản ánh về sức khỏe sinh sản. Vì thế, bất kỳ biểu hiện nào cho thấy rối loạn kinh nguyệt đều cần phải thận trọng. Sự rối loạn kinh nguyệt có thể ở bạn gái tuổi dậy thì hoặc ở độ tuổi rối loạn tiền mãn kinh do rối loạn nội tiết, tuy nhiên có những rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt và các biện pháp điều trị qua bài viết này.
Tổng quan chung
Rối loạn kinh nguyệt: là những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày có kinh và số lượng máu kinh so với những chu kỳ thông thường trước đó. Đây có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, có thể do nội tiết, có thể tổn thương thực thể cơ quan sinh dục nữ, đôi khi chỉ đơn thuần là do thay đổi điều kiện sống môi trường sống.mức độ và biểu hiện khác nhau như ở lứa tuổi dậy thì, sinh con, mãn kinh,… gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của chị em phụ nữ nếu không được chữa trị kịp thời.
Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt
Thông thường, để nhận biết sự xuất hiện của rối loạn kinh nguyệt thông qua những triệu chứng bất thường sau:
- Kỳ kinh kéo dài/ngắn bất thường: Trên 35 ngày hoặc dưới 28 ngày.
- Vô kinh: Khi đến tuổi dậy thì hoặc trong vòng 3 tháng không bị hành kinh thì cũng được xem là kinh nguyệt bị rối loạn. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do bất thường về hormone nội tiết, dị dạng trong đường sinh dục, băng huyết sau sinh hoặc nạo phá thai nhiều lần.
- Số ngày kinh bất thường: Tổng số ngày kinh mỗi chu kỳ trên 7 hoặc dưới 2.
- Máu kinh ra nhiều một cách khác thường: Khi máu kinh ở mỗi chu kỳ vượt quá 80ml thì được xem là cường kinh. Điều này sẽ khiến bạn gái phải thay băng thường xuyên và số lượng băng dùng nhiều hơn so với bình thường.
- Đau bụng dưới dữ dội: Trước ngày có kinh hoặc trong những ngày hành kinh, nhiều bạn gái sẽ cảm thấy bụng đau âm ỉ. Nếu cơn đau kéo dài và tính chất đau dữ dội tới mức không chịu được, đau lan xuống đùi và sau lưng, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, tụt huyết áp thì đó chính là dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt.
- Một số dấu hiệu khác: tức ngực, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tiểu rắt, sốt,…
Nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt
Ảnh hưởng của nội tiết tố
Mỗi giai đoạn của người phụ nữ đều ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố bao gồm tuổi dậy thì, mãn kinh, mang thai, sinh con và cho con bú sẽ làm ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
- Trong tuổi dậy thì, cơ thể trải qua những thay đổi lớn. Có thể mất vài năm để estrogen và progesterone đạt được sự cân bằng và thời gian bất thường của chu kỳ kinh nguyệt phổ biến tại thời điểm này.
- Giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng suy giảm, các nội tiết tố nữ thay đổi làm chu kỳ và lượng máu kinh thay đổi.
- Thời kỳ mãn kinh tính từ 12 tháng kể từ thời kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người phụ nữ. Sau thời kỳ mãn kinh, chị em phụ nữ sẽ không còn những chu kỳ kinh.
- Trong thời gian mang thai, kinh nguyệt chấm dứt.
- Hầu hết phụ nữ không có kinh trong khi cho con bú.
Nguyên nhân thực thể
- Thai nghén bất thường: Chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai.
- Tổn thương thực thể của cổ tử cung – polyp cổ tử cung – Polyp buồng tử cung – u xơ tử cung, quá sản nội mạc tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, buồng trứng đa nang…
- U tuyến yên, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường.
- Nhiễm khuẩn: viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung.
- Thay đổi điều kiện sống, thói quen sinh hoạt: Kinh nguyệt do cơ chế nội tiết – thần kinh điều chỉnh nên khi thay đổi môi trường sống như chuyển vùng, thay đổi công việc, bị áp lực học, gia đình hoặc công việc làm cho người phụ nữ chán nản hay buồn rầu cũng làm rối loạn kinh nguyệt.
Chế độ dinh dưỡng
Thay đổi chế độ ăn uống, tăng cân hoặc giảm cân quá mức cũng làm rối loạn kinh nguyệt.
Vận động quá mức
Làm tăng lượng kinh và kéo dài ngày thấy kinh.
Sử dụng thuốc
Một số thuốc gây rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là thuốc tránh thai, thuốc điều trị tiểu đường, cao huyết áp.
Đối tượng nguy cơ mắc rối loạn kinh nguyệt
Hầu hết phụ nữ đang ở độ tuổi thai sản đều có nguy cơ mắc rối loạn kinh nguyệt.
Chẩn đoán bệnh
Để đưa ra chẩn đoán và tìm nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, thăm khám ban đầu gồm khám phụ khoa và thực hiện xét nghiệm PAP. Bạn nên thông tin với bác sĩ đầy đủ về kỳ kinh nguyệt của mình, gồm ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ kinh, lượng máu kinh và các triệu chứng gặp phải.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định riêng. Một số trường hợp có thể cần thực hiện thêm một vài xét nghiệm bổ sung để gia tăng kết quả chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nội tiết tố.
- Siêu âm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Nội soi buồng tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung.
- Nội soi ổ bụng.
Phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt
Để phòng ngừa hiện tượng kinh nguyệt rối loạn, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể dục thể thao điều độ.
- Chú ý nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo giấc ngủ ngon, đủ giấc.
- Tránh tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, nhất là trong những ngày hành kinh. Cần thay băng vệ sinh sau mỗi 4-6 giờ để tránh gây nhiễm trùng, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh tấn công.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hoặc biện pháp tránh thai phù hợp, không gặp tác dụng phụ.
- Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ, tối thiểu 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định riêng của bác sĩ.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào?
- Thay đổi lối sống: Nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế tiêu thụ muối, caffeine, đường và không uống rượu bia trước kỳ kinh, điều này giúp chị em tránh được những triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Điều trị nội khoa: Một số loại thuốc có tác dụng giảm cơn đau quằn quại khi đến tháng, điều hòa kinh nguyệt và điều trị chứng mất minh, tuy nhiên chị em không được tự ý lạm dụng sử dụng thuốc, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn liều lượng phù hợp.
- Điều trị ngoại khoa: Thường được áp dụng điều trị tùy trường hợp bệnh lý gây ra rối loạn kinh nguyệt cụ thể.
Bài viết trên đã cung cấp các kiến thức cần thiết về tình trạng rối loạn kinh nguyệt và các cách phòng ngừa và điều trị. Hy vọng bài viết đem lại thông tin giá trị đến bạn đọc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.