Mô vú dày đặc là thuật ngữ để miêu tả một tình trạng tương quan giữa mật độ của các thành phần của mô vú quan sát được trên kết quả chụp X quang tuyến vú. Mô vú dày đặc có số lượng mô tuyến và mô xơ liên kết (mô đặc) khá lớn, trong khi đó mô mỡ (mô không đặc) lại tương đối ít. Mô vú dày đặc là hoàn toàn bình thường, không phải bệnh lý. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về tình trạng mô vú dày đặc.
Tổng quan chung về tình trạng mô vú dày đặc
Mô vú dày đặc được phát hiện trên chụp X-quang tuyến vú. Đây là một phát hiện bình thường và phổ biến, đặc biệt trên người trẻ còn kinh.
Mô vú bao gồm các tuyến sữa, ống dẫn sữa, mô liên kết và mô mỡ. Khi chụp X-quang tuyến vú, phụ nữ có bộ ngực dày có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ.
Trên phim chụp X quang tuyến vú, mô vú không đặc, màu sẫm và trong suốt. Mô vú dày đặc xuất hiện dưới dạng một vùng trắng đặc trên phim chụp quang tuyến vú, gây khó khăn cho việc phát hiện tổn thương trên vú.
Triệu chứng
Bác sĩ phân tích hình chụp X-quang tuyến vú của bạn sẽ xác định tỷ lệ mô không đặc so với mô đặc và chỉ định mức độ đậm đặc của vú.
Mức độ đậm đặc được mô tả bằng Hệ thống dữ liệu và báo cáo hình ảnh vú (BI-RADS). Mức độ đậm mô vú thường được ghi lại bằng các chữ cái:
- A – Gần như hoàn toàn là mô mỡ: gần như vú hoàn toàn là mô mỡ. Khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
- B – Mô vú dạng sợi rải rác: các vùng mật độ sợi tuyến rải rác cho nhưng phần lớn mô vú là không đặc. Khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
- C – Mô vú dày đặc không đồng nhất: mật độ không đồng nhất, phần lớn mô vú lại đặc. Khoảng 4 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
- D – Mô vú cực kỳ dày đặc: cực kỳ dày đặc cho thấy gần như tất cả các mô vú đều dày đặc. Khoảng 1 trong 10 phụ nữ có kết quả này.
Tóm lại, phụ nữ có bộ ngực được xếp vào loại C hoặc D thì được coi là mô vú dày. Một nửa số phụ nữ chụp X-quang tuyến vú có bộ ngực dày đặc.
Nguyên nhân mô vú dày đặc
Không rõ tại sao một số phụ nữ có nhiều mô vú dày đặc và những người khác thì không.
- Người trẻ: mô vú của bạn có xu hướng trở nên ít dày đặc hơn khi bạn già đi, mặc dù một số phụ nữ có thể bị dày mô vú ở mọi lứa tuổi.
- Chỉ số BMI thấp: Phụ nữ có ít mỡ trong cơ thể thường có mô ngực dày đặc hơn so với phụ nữ béo phì.
- Sử dụng liệu pháp hormone: phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone kết hợp để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh có nhiều khả năng có mô vú dày hơn.
- Yếu tố di truyền: Mật độ vú có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có người huyết thống gần có mô vú dày, thì khả năng bản thân có mô vú dày cũng tăng lên.
- Cho con bú: Cho con bú có thể là một yếu tố khiến mô vú đặc hơn.
Đối tượng nguy cơ
- Độ tuổi: Những phụ nữ trẻ tuổi thường có nhiều mô vú đặc hơn.
- Những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể thấp (cơ thể có ít mỡ)
- Di truyền: Trong gia đình có người huyết thống gần có mô vú dày.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp nội tiết tố thay thế sau mãn kinh.
Chẩn đoán mô vú dày đặc
Nếu kết quả chụp nhũ ảnh cho thấy có hiện tượng mô vú dày, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số sàng lọc khác nhằm tăng khả năng phát hiện ung thư vú, bao gồm:
Chụp X-quang tuyến vú 3 chiều
Tomosynthesis dùng tia X để thu thập nhiều hình ảnh của vú ở nhiều góc độ. Các hình ảnh được máy tính tổng hợp tạo thành hình ảnh 3 chiều. Các trung tâm chụp quang tuyến vú đang chuyển đổi để kết hợp chụp quang tuyến vú 3D như một phần của công nghệ chụp X- quang tuyến vú tiêu chuẩn.
- Ưu điểm:
- Ước tính phát hiện thêm khoảng 1 bệnh ung thư trên 1.000 phụ nữ.
- Thực hiện cùng lúc với chụp X-quang tuyến vú tiêu chuẩn.
- Giảm nhu cầu kiểm tra bổ sung các khu vực quan tâm không phải ung thư.
- Hữu ích trong việc đánh giá mô vú dày đặc.
- Nhược điểm: Tiếp xúc với bức xạ bổ sung, mặc dù mức độ vẫn còn thấp.
MRI vú (chụp cộng hưởng từ)
Thông qua cơ chế sử dụng nam châm để tạo hình ảnh của vú. MRI không sử dụng bức xạ. Những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú cao, người có đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư được khuyến nghị chụp MRI vú.
- Ưu điểm:
- Ước tính phát hiện thêm khoảng 14 bệnh ung thư trên 1000 phụ nữ.
- Không tiếp xúc với bức xạ bổ sung.
- Phổ biến rộng rãi.
- Nhược điểm:
- Có khả năng tìm thấy những khu vực đáng lo ngại không phải là ung thư, nhưng cần chụp ảnh bổ sung hoặc sinh thiết.
- Yêu cầu tiêm chất cản quang.
- Xét nghiệm đắt tiền, có thể không được bảo hiểm chi trả trừ khi có nguy cơ ung thư cao.
Siêu âm vú
Sử dụng sóng âm thanh để phân tích mô ở những khu vực khả nghi trên chụp quang tuyến vú.
- Ưu điểm:
- Ước tính phát hiện thêm 2 – 4 bệnh ung thư trên 1.000 phụ nữ.
- Không tiếp xúc với bức xạ bổ sung.
- Phổ biến rộng rãi.
- Nhược điểm:
- Có khả năng tìm thấy những khu vực đáng lo ngại không phải phải là ung thư, nhưng cần chụp bổ sung hoặc sinh thiết.
- Chất lượng phụ thuộc vào kinh nghiệm của người thực hiện.
Phòng ngừa mô vú dày đặc
Chụp X-quang tuyến vú mỗi năm
Hầu hết các bệnh ung thư vú có thể được nhìn thấy trên phim chụp X-quang tuyến vú ngay cả ở những phụ nữ có mô tuyến vú dày. Vì vậy, chụp quang tuyến vú thường xuyên rất quan trọng.
Ngay cả khi phụ nữ có kết quả chụp X-quang tuyến vú bình thường thì vẫn nên biết hình dáng và cảm giác bình thường của ngực như thế nào. Bất cứ khi nào có thay đổi, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám.
Duy trì cân nặng phù hợp
Nếu đang có mức cân nặng bình thường thì cố gắng duy trì. Trường hợp thừa cân nên trao đổi với bác sĩ về các chiến lược giảm cân lành mạnh bằng cách giảm lượng calo dung nạp.
Vận động thể chất thường xuyên
Cần cố gắng tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu không thường xuyên vận động thể chất thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra lịch trình tập luyện phù hợp.
Điều trị mô vú dày đặc như thế nào?
Mô vú dày đặc không gây hại cho bạn, do đó không cần điều trị. Điều quan trọng khi được chẩn đoán có mô vú dày đặc là hãy đi khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vú. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ (American Cancer Society) khuyến cáo nên bắt đầu chụp nhũ ảnh tuyến vú mỗi năm để tầm soát ung thư vú bắt đầu từ năm 40 tuổi, nếu gia đình bạn có mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú hoặc có nguy cơ cao mắc ung thư vú thì có thể chụp nhũ ảnh tầm soát từ năm 30 tuổi.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.