Sảy thai là nỗi lo lắng thường trực của các mẹ bầu, đặc biệt là trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ. Theo thống kê, hiện nay có tới gần 20% thai kỳ kết thúc bằng việc sảy thai. Sảy thai gây ra cho người mẹ các nguy cơ như chảy máu do rối loạn đông máu, nhiễm trùng. Đồng thời còn ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của người mẹ, đặc biệt là những bà mẹ hiếm con. Do đó, các thai phụ cần phải nắm rõ được các nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa để tránh bị sảy thai.
Tổng quan chung
Sảy thai là tình trạng mất thai xảy ra trong vòng 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, khả năng sảy thai là khoảng 10% đến 20%. Nếu thai phụ có nguy cơ hoặc từng bị sảy thai có thể có nhiều thắc mắc như tần suất sảy thai xảy ra, nguyên nhân phổ biến là gì…
Có nhiều kiểu sảy thai khác nhau. Tùy thuộc vào các triệu chứng và giai đoạn mang thai của bạn, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng hư thai, thuộc một trong các kiểu sau:
- Sảy thai hoàn toàn: Hiện tượng này xảy ra khi tất cả các mô thai đã bị tống ra khỏi cơ thể mẹ.
- Sảy thai không hoàn toàn: Cơ thể người mẹ giải phóng các mô bào thai, nhưng một số mô vẫn còn sót lại trong tử cung. Trường hợp này cần được can thiệp để loại bỏ những mô còn sót lại tránh trường hợp nhiễm trùng tử cung.
- Thai lưu: Lúc này, phôi thai đã chết nhưng nhau thai và mô phôi vẫn còn trong tử cung của mẹ. Hầu hết các trường hợp thai lưu đều không biết mình đã hư thai, cho đến kỳ siêu âm tiếp theo và tình cờ được bác sĩ phát hiện.
- Dọa sảy thai: Khi bị dọa sảy thai, cổ tử cung của phụ nữ đóng kín, nhưng âm đạo lại có hiện tượng chảy máu bất thường. Trong trường hợp này, nếu chị em được phát hiện và can thiệp y tế kịp lúc, thai nhi sẽ không bị sảy và thai kỳ của chị em vẫn sẽ tiếp tục. Ngoài ra máu thì đau bụng cũng là triệu chứng mà nhiều mẹ gặp phải.
- Sảy thai liên tiếp: Sảy thai từ 2 hoặc 3 lần liên tiếp. Vấn đề này xuất hiện ở khoảng 1% các cặp vợ chồng đã từng bị sảy thai trước đó.
Triệu chứng
Dấu hiệu phổ biến nhất của sảy thai là chảy máu âm đạo. Máu có thể biến đổi từ đốm hoặc dịch màu nâu đến chảy máu nặng, máu màu đỏ tươi hoặc vón thành cục. Hiện tượng này có thể xuất hiện rồi biến mất trong vài ngày.
Tuy nhiên chảy máu âm đạo cũng tương đối phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ mà chưa chắc đã là dấu hiệu cảnh báo sảy thai. Ngay khi thấy biểu hiện này, sản phụ cần đến gặp bác sĩ càng tốt, đặc biệt với những phụ nữ bị sảy thai liên tiếp (sảy thai tái diễn) càng cần phải cẩn trọng.
Các triệu chứng sảy thai khác bao gồm:
- Chuột rút, đau bụng dưới;
- Có dịch nhờn tiết ra từ âm đạo;
- Mất các triệu chứng thông thường của thai kỳ như đau ngực, người mỏi mệt…
Trong một số ít trường hợp, sảy thai có thể do thai phát triển bên ngoài tử cung, được gọi là mang thai ngoài tử cung. Lúc này, thai phụ thường có các triệu chứng sau:
- Đau bụng dai dẳng và dữ dội, thường ở một bên;
- Chảy máu âm đạo, thường xuất hiện sau khi cơn đau bắt đầu;
- Đau vai;
- Tiêu chảy, nôn mửa;
- Cảm giác lâng lâng, có thể ngất xỉu.
Bà bầu gặp các triệu chứng trên cần được đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ cung cấp hormone và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện. Hầu hết các trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu đều xuất phát từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường. Lý do có thể là:
- Các vấn đề về di truyền hoặc nhiễm sắc thể: Một bào thai được hình thành và phát triển nhờ một bộ nhiễm sắc thể của mẹ và một bộ nhiễm sắc thể từ cha. Nếu chẳng may một đoạn nhiễm sắc thể bị lỗi sẽ gây nên bất thường ở bào thai, dẫn tới sảy thai. Những bất thường bào thai này thường gây ra tình trạng:
- Thai chết lưu trong tử cung: Phôi thai hình thành nhưng ngừng phát triển trước khi bạn phát hiện mình mang thai hoặc cảm nhận được các triệu chứng của thai lưu.
- Noãn bị teo: Không có phôi nào hình thành.
- Mang thai mol: Tế bào người bình thường chứa 23 cặp nhiễm sắc thể – một bộ từ mẹ và bộ kia từ bố. Khi người mẹ mang thai mol, có thêm một bộ nhiễm sắc thể đến từ người cha. Khi điều này xảy ra, trứng đã thụ tinh sẽ không thể sống sót, khiến thai nhi chết trong những tuần đầu thai kỳ.
- Trứng hoặc tế bào tinh trùng bị hỏng: Phôi không tiếp tục phát triển, dẫn đến sảy thai.
- Tình trạng sức khỏe và lối sống người mẹ
- Bệnh lý: Những bệnh lý tiềm ẩn và lối sống kém lành mạnh của thai phụ cũng góp phần cản trở sự phát triển của thai nhi. Cụ thể là:
- Mẹ có chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng, hoặc bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai
- Mẹ bị thừa cân – béo phì
- Mẹ sử dụng ma túy và uống nhiều rượu bia
- Mẹ bị bệnh lý tuyến giáp không điều trị triệt để
- Mẹ bị rối loạn hormone
- Mẹ bị bệnh đái tháo đường
- Mẹ đang bị một bệnh lý nhiễm trùng hoặc chấn thương
- Mẹ đang gặp vấn đề với cổ tử cung (nhiễm trùng, ung thư…)
- Tử cung người mẹ có hình dạng bất thường
- Mẹ bị tăng huyết áp nghiêm trọng
- Mẹ đang sử dụng một số loại thuốc gây hại cho thai nhi
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ sảy thai. Ngay cả một phụ nữ khỏe mạnh đã mang thai đủ tháng cũng nên biết các triệu chứng dẫn đến sảy thai. Tuy nhiên, nếu là một trong những đối tượng dưới đây, mẹ bầu có nguy cơ cao hơn những phụ nữ khác.
- Tuổi tác: Nếu mang thai khi tuổi đã cao (trên 35 tuổi), mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị sảy thai cao. Phụ nữ dưới 35 tuổi có 15% nguy cơ sảy thai, con số này sẽ lên 20 – 35% khi mẹ bầu ở độ tuổi 35 – 45 tuổi. Và khi mang thai trên 45 tuổi, mẹ bầu có đến 50% nguy cơ sảy thai. Vì vậy, phụ nữ được khuyên nên mang thai trước 35 tuổi để hạn chế tối đa nguy cơ sảy thai.
- Vấn đề cân nặng: Mẹ bầu quá gầy hoặc quá béo cũng có nguy cơ bị sảy thai cao hơn người có cân nặng bình thường.
- Hút thuốc lá, uống rượu bia: Nếu trong thai kỳ, mẹ hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng chất kích thích thường xuyên thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai cao hơn những mẹ có lối sống lành mạnh.
- Sử dụng thuốc: Khi mang thai mẹ bầu cần phải cẩn thận khi sử dụng thuốc vì một số loại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh, tăng nguy cơ bị sảy thai. Tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó và tuân thủ theo cách chỉ dẫn của họ.
- Từng bị sảy thai: Phụ nữ đã từng bị sảy thai, đặc biệt là bị sảy nhiều hơn 2 lần thì nguy cơ sảy thai ở lần tiếp theo tương đối cao.
- Thiếu hụt vitamin: Nếu trong thai kỳ, mẹ không được ăn uống đầy đủ, thiếu hụt vitamin và khoáng chất sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, thiếu vitamin D, B làm tăng nguy cơ sảy thai ở bà bầu.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán được bác sĩ tiến hành bằng cách: thăm khám ban đầu, hỏi han tình trạng như thời điểm chảy máu, lượng nhiều hay ít, có dấu hiệu gì khác không,…
Sau đó tùy từng trường hợp có thể lấy máu xét nghiệm đo nồng độ hCG. Lượng hCG giảm báo hiệu khả năng sảy thai cao.
Việc siêu âm cũng được tiến hành để kiểm tra xem phôi thai có đang phát triển bình thường hay không. Đây là điều cần thiết để nắm được tình hình của con.
Phòng ngừa bệnh
Mẹ bầu hãy áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa sảy thai:
- Nên đi khám tiền hôn nhân để nắm bắt tình hình sức khỏe cũng như các nguy cơ có thể gặp khi mang thai để phòng ngừa
- Duy trì cân nặng vừa phải khi có ý định mang thai
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, chất độc hại
- Trong suốt thai kỳ, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Tốt nhất, nên quan tâm đến chế độ ăn uống khoa học khi có ý định mang thai
- Khi có thai, hạn chế vận động mạnh, làm việc quá sức hay căng thẳng, stress kéo dài
- Tập thể dục là rất tốt nhưng hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ mang thai vì có nhiều động tác mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi
- Khi mang thai, nếu phải dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ để đảm bảo thuốc đó an toàn cho thai nhi.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị như thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Bạn cần được bác sĩ chỉ định để đảm bảo an toàn.
- Nếu không có dấu hiệu bị nhiễm trùng, bác sĩ thường khuyến khích mẹ bầu chờ một thời gian (không quá 2 tuần) để mô thai được loại bỏ ra ngoài một cách tự nhiên. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thuốc để chủ động loại bỏ phần mô thai còn sót. Khi mô thai được đào thải ra ngoài sẽ giống như những cục máu đông. Phần tiếp theo bác sĩ có thể chỉ định bạn xét nghiệm hCG, siêu âm để kiểm tra xem thai đã ra ngoài hết hoàn toàn hay chưa, nếu chưa có thể bạn phải phẫu thuật.
- Phẫu thuật được sử dụng khi bạn có nhiễm trùng, chảy máu nhiều hoặc một vào hiện tượng khác. Bạn có thể được chỉ định hút chân không hoặc nong nạo tử cung để cho mô thai ra ngoài.
Sau điều trị sảy thai bạn có thể bị chảy máu nhẹ, đau bụng lâm râm, mệt mỏi (nếu gây tê để phẫu thuật). Cần báo cho bác sĩ nếu chảy máu nhiều trong 2h liên tục, bị sốt hoặc đau bụng dữ dội.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.