Tổng quan chung
Theo Hội khoa học Tiêu Hóa viêm loét dạ dày là một căn bệnh phổ biến tại Việt Nam chiếm 26% dân số, trong giai đoạn đầu nếu phát hiện sớm bệnh có thể được điều trị hiệu quả, tuy nhiên sẽ khó khăn hơn nếu bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính và kèm theo nhiều biến chứng
Vậy bệnh viêm loét Dạ dày? nguyên nhân và cách điều trị như thế nào ? Biến chứng của bệnh có nguy hiểm không ? chúng ta sẽ tìm hiểu qua bài viết dưới đây để nắm rõ thông tin
Viêm loét dạ dày là gì?
Là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương do nhiều nguyên nhân, bệnh sẽ hình thành nên các vết viêm loét gây đau ,những vết loét nhỏ có thể tự lành và không cần điều trị , tuy nhiên với các vết loét lớn sẽ khó điều trị hơn và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Bệnh gồm 2 giai đoạn:
Viêm loét dạ dày cấp tính : các triệu chứng xuất hiện đột ngột không báo trước, diễn tiến trong thời gian ngắn, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh có thể được điều trị ổn định .Tuy nhiên đa số người bệnh thường chủ quan bỏ qua các triệu chứng khiến bệnh tình trở nên phức tạp và khó để điều trị hơn
Viêm loét dạ dày mạn tính: bệnh nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng sưng viêm kéo dài và tái lại nhiều lần ,các vùng tổn thương trên bề mặt niêm mạc dạ dày lan rộng và khó điều trị, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm, xuất huyết, thủng và ung thư dạ dày …
Triệu chứng và nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Biểu hiện chính: đau bụng vùng trên rốn ( đau vùng thượng vị ), cơn đau thường xuất hiện vào lúc đói hoặc sau ăn no 1-2 tiếng, đau âm ỉ hoặc đau quặn thành từng cơn và đau có thể lan ra sau lưng kéo dài vài phút hoặc vài giờ tùy theo mức độ của bệnh, thường là dấu hiệu của viêm loét dạ dày.
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn
- Ợ hơi ợ chua và cảm giác nóng rát ở ngực ( thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh )
- Rối loạn tiêu hóa: người bệnh có thể tiêu chảy hoặc táo bón do ảnh hưởng bởi dạ dày dẫn đến rối loạn tiêu hóa , đi ngoài phân đen hoặc có máu , thấy no hoặc không muốn ăn dẫn đến suy nhược cơ thể
Các triệu chứng trên chỉ mang tính chất gợi ý và không thể chẩn đoán một cách chính xác bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả đối với từng đối tượng bệnh .
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) : là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày , bệnh có thể lây nhiễm qua đường tiêu hóa , vi khuẩn HP khi xâm nhập vào dạ dày tiết ra chất độc làm suy giảm hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày gây hình thành các vết viêm, loét
Thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau – chống viêm không steroid ( nhóm thuốc NSAID ) người bệnh khi sử dụng thời gian dài các thuốc ibuprofen, naproxen, diclofenac… gây tổn thương dạ dày, do thuốc nhóm NSAID ức chế tổng hợp chất prostaglandin dẫn đến các yếu tố bảo vệ dạ dày bị suy giảm gây ra tình trạng viêm loét dạ dày .
Đối tượng nguy cơ
Người thường xuyên sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn, chất kích thích (cà phê, thuốc lá,…)
Người mệt mỏi, áp lực căng thẳng stress
Thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ: Thức khuya, ăn uống không đúng giờ, ăn các thức ăn nhanh và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, ít vận động ,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và là yếu tố gây nên bệnh viêm loét dạ dày phổ biến .
Chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày
Khám lâm sàng : khi đến các cơ sở y tế bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử của người bệnh gồm : triệu chứng , thời gian diễn ra , các loại thuốc đã và đang sử dụng ,..
Xét nghiệm: xét nghiệm máu để kiểm tra trong mạch máu có kháng thể kháng vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) , xét nghiệm phân và xét nghiệm hơi thở
Nội soi dạ dày: là một phương pháp được sử dụng phổ biến và hiệu quả để phát hiện vị trí tổn thương, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh đưa ra phác đồ điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân
Kiểm tra xét nghiệm đường tiêu hóa trên (Upper gastrointestinal series): Người bệnh được uống hỗn dịch lỏng chứa Barium sulphate và chụp X quang thực quản, dạ dày, ruột non. Xét nghiệm này làm rõ ràng hơn các vết loét trên đường tiêu hóa giúp chẩn đoán tình trạng bệnh.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
- Ăn uống đúng giờ, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác.
- Thực phẩm nên kiêng để phòng ngừa viêm loét dạ dày.
- Tránh dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
- Dừng hút thuốc lá
- Tránh stress, căng thẳng, thức khuya.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến dạ dày.
Điều trị viêm loét Dạ Dày như thế nào?
Khuyến cáo: Các chuyên gia khuyến cáo rằng việc điều trị viêm loét dạ dày phải theo dõi chặt chẽ và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu và tránh tái phát. Ngoài ra, việc điều chỉnh lối sống lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh.
Đầu tiên, bạn cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và xác định được tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Dựa vào các chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày cho bạn sử dụng. Thông thường, các thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thường được sử dụng là:
- Thuốc kháng acid giúp trung hòa acid trong dịch vị dạ dày tá tràng.
- Thuốc giảm tiết acid giúp giảm tiết acid.
- Thuốc ức chế bơm proton giúp ngăn chặn bài tiết dịch HCL.
- Thuốc tạo màng bọc giúp tạo vỏ bọc quanh ổ loét để bảo vệ niêm mạch dạ dày.
- Thuốc diệt HP có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả.
Bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, khi bệnh Viêm loét Dạ dày đã được điều trị ổn định , bệnh nhân cần theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng tránh việc tái phát
Bệnh nhân có thể sử dụng kế hợp các loại thực phẩm làm giảm viêm loét dạ dày : củ nghệ vàng kết hợp với mật ong, nha đam, nghệ đen, …. Ngoài ra, nhiều bài thuốc nam được truyền miệng giúp điều trị viêm loét dạ dày, tuy nhiên các bài thuốc này không rõ nguồn gốc nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về sự an toàn khi sử dụng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.