Gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ gây tổn thương gan, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Gan nhiễm mỡ không do rượu (Non-alcoholic fatty liver disease – NAFLD) là tình trạng tích tụ chất béo trong tế bào gan diễn ra ở những người không sử dụng rượu bia hoặc sử dụng ít. Bệnh gan nhiễm mỡ được xác định khi lượng chất béo chiếm hơn 5 – 10% trọng lượng của gan.
Gan nhiễm mỡ không do rượu giai đoạn đầu thường không gây ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, khoảng 15 – 20% trường hợp mắc bệnh có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Ngoài ra, việc có quá nhiều chất béo trong gan cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như tiểu đường, bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận…
Triệu chứng gan nhiễm mỡ không do rượu
Thời kỳ đầu NAFLD không có biểu hiện rõ ràng, thậm chí không xuất hiện triệu chứng nào. Bệnh nhân chỉ vô tình được phát hiện khi thăm khám sức khỏe tổng quát, nhập viện điều trị các bệnh lý khác.
Nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, vàng da, vàng mặt, sao mạch, ngứa da, đau âm ỉ hạ sườn phải, tức bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã chuyển sang giai đoạn viêm gan nhiễm mỡ và xơ gan, khó điều trị và tốn nhiều thời gian bình phục.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ không do rượu
Hiện nay, nguyên nhân gây ra NAFLD vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tương tự như vậy, giới y học vẫn chưa hiểu hết lý do tại sao một số trường hợp gan nhiễm mỡ lại tiến triển thành viêm và xơ gan.
Tuy nhiên, cả NAFLD và NASH (gan nhiễm mỡ do rượu) đều liên quan đến các tình trạng sức khỏe sau:
- Thừa cân, béo phì
- Kháng insulin
- Lượng đường, chất béo trong máu cao, đặc biệt là triglyceride.
Đối tượng nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu
Đối tượng dễ mắc NAFLD thường bao gồm nhóm người bị béo phì, tiểu đường tuýp 2, rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy tuyến yên, suy tuyến sinh dục, cắt tá tràng tụy.
Những người bị rối loạn mỡ máu: tỉ lệ phân tử mỡ (triglyceride) trong máu cao, HDL cholesterol máu thấp cũng dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tỷ lệ NAFLD trong nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu chiếm khoảng 59%.
Tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và mức độ bệnh gan tăng theo tuổi, nguy cơ mắc NAFLD ở nam giới cao gấp 2 lần nữ giới, bệnh cũng khác nhau giữa các sắc tộc. Điều này được giải thích do dự khác biệt về yếu tố gen.
Chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu
Nhiều trường hợp bị gan nhiễm mỡ không do rượu không có triệu chứng rõ ràng, chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe, có bất thường trên siêu âm hoặc men gan cao bất thường.
Người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng bệnh như:
- Xét nghiệm men gan và chức năng gan
- Xét nghiệm về bệnh viêm gan mạn tính do virus (viêm gan A, viêm gan C…)
- Xét nghiệm sàng lọc bệnh Celiac; đo lượng đường trong máu; lipid máu.
- Kết hợp siêu âm gan; chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng bụng. Nếu các xét nghiệm chưa rõ, có thể sinh thiết gan.
Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
Thay đổi lối sống và phòng ngừa gan nhiễm mỡ không do rượu
- Giảm cân có tầm quan trọng đặc biệt trong phòng ngừa gan nhiễm mỡ không do rượu. Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, phải giảm số lượng calo ăn mỗi ngày và tăng hoạt động thể chất. Giảm lượng calo là chìa khóa để giảm cân và kiểm soát bệnh.
- Giảm cholesterol: tăng cường thức ăn có nguồn gốc thực vật, tập thể dục đều đặn và các loại thuốc giúp ổn định cholesterol và triglyceride trong máu.
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn uống cần tăng cường rau, trái cây. Thay thế chất béo bão hòa bằng các chất béo chưa bão hòa có trong cá, dầu ô liu, các loại hạt.
- Theo dõi chặt chẽ lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày.
- Tập thể dục: Cố gắng duy trì vận động thường xuyên, ít nhất là 30 phút tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường: thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ và giám sát chặt chẽ lượng đường trong máu.
- Bảo vệ gan bằng cách không uống rượu. Tránh dùng các thuốc gây độc với gan.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm để phát hiện và điều trị sớm bệnh.
Điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu như thế nào?
Nếu đang trong tình trạng béo phì, bị gan thoái hóa mỡ thì người bệnh cần thực hiện giảm cân. Tuy nhiên không được áp dụng chế độ giảm cân cấp tốc, vì có thể làm tổn thương gan và suy giảm đề kháng insulin, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu không bị đái tháo đường, bệnh nhân có thể xin tư vấn của bác sĩ về sử dụng vitamin E để cải thiện viêm gan. Chống chỉ định dùng vitamin E điều trị gan thoái hóa mỡ với bệnh nhân nam có tiền sử, hoặc gia đình có người mắc ung thư tiền liệt tuyến.
Mỡ máu cao là một trong những nguyên nhân gây bệnh, vậy nên cách điều trị tiếp theo là cần kiểm soát lipid máu. Việc giữ nồng độ cholesterol ổn định hỗ trợ giảm tình trạng gan nhiễm mỡ, tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Phương pháp cuối cùng, bạn cần thực hiện tiêm phòng đủ ba mũi viêm gan A, B và C. Việc tiêm phòng sẽ giúp bạn phòng tránh được sự xâm lấn của virus, bảo vệ lá gan khỏe mạnh và tránh khỏi các tác nhân xấu.
Chung quy lại, gan nhiễm mỡ có thể điều trị nhưng tùy thuộc giai đoạn, mức độ và khả năng phối hợp của người bệnh với phác đồ. Phát hiện sớm bằng cách thực hiện xét nghiệm chức năng gan từ 6 tháng – 1 năm, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về gan nhiễm mỡ. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.