Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng nguy hiểm, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Hiểu rõ các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người thân yêu của bạn. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi.
Vì sao người cao tuổi dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp?
Cơ tim là phần hoạt động liên tục, vất vả nhất ngay cả khi cơ thể làm việc hay nghỉ ngơi. Bình thường chúng được nuôi dưỡng liên tục, đầy đủ bởi hệ thống mạch vành (mạch máu xung quanh tim). Ở người cao tuổi, lão hóa, xơ vữa động mạch tăng cao gây ra hẹp các mạch máu xung quanh tim, làm giảm lượng máu đến nuôi cơ tim. Mảng xơ vữa có thể bị vỡ ra tạo thành một cục huyết khối gây tắc nghẽn, hoặc tích tụ lớn dần gây hẹp nặng các mạch máu quanh tim.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Nếu người bị nhồi máu cơ tim không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ lan rộng, dẫn đến tử vong hoặc có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp, chất lượng cuộc sống giảm sút. Những dấu hiệu cảnh báo sớm của cơ thể trước khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra có thể vài giờ, thậm chí là vài ngày.
Điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là những cơn đau thắt ngực, với cảm giác bị đè nặng, bóp chặt ở ngực, diễn ra trong khoảng 5-15 phút. Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là cánh tay trái. Kèm theo các triệu chứng phụ như: vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh, mệt mỏi, khó thở, tái nhợt, tim đập mạnh.
Nguy hiểm hơn, một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực nên có thể nhồi máu cơ tim có thể bị bỏ sót.
Phương pháp phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim cấp ở người cao tuổi
Để ngăn ngừa bệnh tim mạch ở người cao tuổi thì ngay từ trẻ chúng ta cần có lối sống lành mạnh. Cụ thể:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào vì chúng có khả năng làm giảm oxy trong máu và tổn thương niêm mạc của các mạch máu.
- Kiểm soát huyết áp: Việc kiểm soát huyết áp cần thực hiện thường xuyên đề phòng cao huyết áp.
- Kiểm soát đường huyết để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Nếu mắc đái tháo đường, việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim.
- Cần tập luyện thể dục thể thao. Thực hiện luyện tập theo khuyến cáo của bác sĩ để phù hợp với sức khỏe, nên có thời gian tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và nhiều nhất các ngày trong tuần để chống lại tác nhân gây rối loạn nhịp tim.
- Kiểm soát cân nặng. Việc thực hiện chế độ ăn, chế độ luyện tập thì kiểm soát cân nặng, tránh béo phì là cần thiết. Việc duy trì một trọng lượng cân đối sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Chế độ ăn khoa học, ăn thực phẩm lành mạnh với người cao tuổi là vô cùng quan trọng. Hằng ngày nên thực hiện chế độ ăn 2 bữa/ ngày với các loại trái cây, rau và ngũ cốc – và ít cholesterol bão hòa, chất béo và natri – có thể giúp kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần tránh những vấn đề liên quan đến căng thẳng, nên thư giãn cơ bắp và hít thở sâu.
Nhồi máu cơ tim cấp là một căn bệnh nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và quản lý hiệu quả nếu được nhận biết và điều trị kịp thời. Đặc biệt đối với người cao tuổi, việc duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và quản lý tốt các bệnh lý nền là rất quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào của nhồi máu cơ tim, hãy nhanh chóng tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ các chuyên gia y tế. Sự quan tâm và chăm sóc kịp thời có thể giúp bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người thân yêu của bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.