Rễ thần kinh là cấu tạo ở phần đầu của dây thần kinh, bao gồm rễ thần kinh sọ và rễ thần kinh cột sống. Khi các rễ thần kinh gặp tổn thương thì đều được gọi chung là hội chứng rễ thần kinh. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về rễ thần kinh.
Tổng quan chung rễ thần kinh
Rễ thần kinh là một đơn vị giải phẫu chỉ phần đoạn đầu của một dây thần kinh khi rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ tủy sống. Các loại rễ thần kinh được phân loại từ vào loại dây thần kinh, bao gồm:
- Rễ thần kinh sọ là đoạn đầu của từng một trong 12 cặp dây thần kinh sọ khi rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ thân não hoặc tại mức cao nhất của tủy sống.
- Rễ thần kinh cột sống là đoạn đầu hoặc đoạn gần nhất của một trong 31 cặp dây thần kinh rời khỏi hệ thống thần kinh trung ương từ tủy sống. Mỗi dây thần kinh đi ra từ tủy sống được hình thành bởi sự kết hợp của một rễ thần kinh cảm giác (dẫn truyền tín hiệu hướng tâm) và một rễ thần kinh vận động (dẫn truyền tín hiệu ly tâm). Điều này có nghĩa là có đến 62 cặp rễ lưng và bụng cho cả hai bên thân mình.
Tất cả các tổn thương trên rễ thần kinh là thuộc hội chứng rễ thần kinh. Trong đó, dấu hiệu hội chứng rễ thần kinh thường gặp là có thể gây tê liệt phần cơ bắp hay rối loạn cảm giác trên vùng da thân mình tại vị trí do dây thần kinh cột sống chi phối. Nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng rễ thần kinh là do chèn ép, chấn thương hay các ảnh hưởng bởi bệnh lao cột sống, ung thư, viêm cột sống.
Trong đó, một chẩn đoán phổ biến nhất thuộc hội chứng rễ thần kinh là đau thần kinh tọa. Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, đôi khi đã có từ trước trong vài năm, là đau vùng thắt lưng và cơn đau, kèm cảm giác tê lan xuống hai chân.
Tương tự như các hội chứng rễ thần kinh nói chung, nếu đau thần kinh tọa không được phát hiện và điều trị sớm, các cơn đau gây ảnh hưởng rất lớn đến những sinh hoạt hằng ngày cũng như tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng rễ thần kinh
Hội chứng rễ thần kinh chi trên
- Rễ thần kinh C5: Đau tại vị trí được tìm thấy và lan dọc theo bên ngoài cánh tay, làm yếu các cơ tại vùng cánh tay. Điều này phân biệt với các bệnh yếu cơ bẩm sinh là xảy ra tại cơ delta, cơ hình trám.
- Rễ thần kinh C6: Đau được tìm thấy dọc theo mặt trước của cánh tay bị ảnh hưởng, làm hạn chế sấp ngửa cẳng tay.
- Rễ thần kinh C7: Đau được tìm thấy dọc theo ngón giữa của cánh tay bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng uốn cong cổ tay, duỗi ngón tay.
Hội chứng rễ thần kinh chi dưới
Những tổn thương trong hội chứng rễ thần kinh chi dưới không chỉ làm yếu cơ, rối loạn cảm giác mà tại chi dưới còn có thể gây ra triệu chứng của vẹo cột sống, co thắt cơ bắp và đau thắt lưng mạn tính.
- Rễ thần kinh L4: Đau nằm ở phía trước đùi và cẳng chân, tiếp tục lan ra phía mắt cá chân bên trong hay đôi khi là ngón chân giữa. Thỉnh thoảng, cơn đau làm yếu cơ tứ đầu và làm phản xạ xương bánh chè trở nên yếu hơn.
- Rễ thần kinh L5: Cơn đau lan sang bên đùi và cẳng chân dưới về phía sau bàn chân và ngón chân 1-3. May mắn là tất cả các phản xạ đều được bảo tồn.
- Rễ thần kinh S1: Cơn đau lan tỏa đến phía sau đùi và tại cẳng chân đến mắt cá chân, đôi khi lên đến ngón chân thứ tư. Hệ quả còn là gây yếu nhóm các cơ mông và gặp khó khăn khi đứng trên ngón chân.
Nguyên nhân rễ thần kinh
Hội chứng rễ thần kinh xảy ra thường là xuất phát từ nguyên nhân:
- Cột sống bị chèn ép hoặc kích thích do hẹp ống sống
- Thoát vị đĩa đệm
- Hình thành gai xương
- Thoái hóa cột sống
- Tình trạng u bướu nội tủy hay u bướu từ bên ngoài chèn vào: hiếm gặp.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần được cung cấp những thông tin liên quan đến bệnh sử, triệu chứng bệnh nhân gặp phải và thăm khám thực thể. Bác sĩ cần tìm kiếm các dấu hiệu của mất cân bằng cơ thể, hạn chế vận động ở cột sống, yếu cơ, mất phản xạ tứ chi,…
Đối tượng nguy cơ
Bệnh rễ thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng thường phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rễ thần kinh:
- Thường xuyên mang vác vật nặng sai tư thế;
- Hút thuốc lá;
- Chuyển động lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh rễ thần kinh dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng và các xét nghiệm. Tùy vào biểu hiện triệu chứng mà bác sĩ sẽ định hướng vị trí tổn thương là rễ thần kinh cổ, rễ thần kinh ngực hay rễ thần kinh thắt lưng.
Mỗi vị trí tổn thương sẽ có cách khám lâm sàng và các nghiệm pháp phù hợp. Bao gồm đánh giá tình trạng cột sống (cong, vẹo hay gù), các đốt sống có liên tục hay không, dấu bậc thang; các nghiệm pháp được thực hiện nhằm đánh giá xem có thật sự rễ dây thần kinh đang bị chèn ép hoặc kích thích không.
Một số xét nghiệm cần thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân:
- X-quang: Phát hiện tình trạng gãy xương, gai xương, hẹp khe đốt sống và tình trạng loãng xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Cho hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang và được ưu tiên trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tình trạng tổn thương mô mềm có gây chèn ép rễ thần kinh hay không và có tình trạng tổn thương tủy sống không.
- Điện cơ (EMG): Nhằm đánh giá rễ thần kinh nào đang tổn thương và tình trạng bệnh của bạn có do bệnh lý nào khác gây tổn thương dây thần kinh ngoài cột sống gây ra hay không như bệnh đái tháo đường.
Phòng ngừa bệnh rễ thần kinh
Bệnh rễ thần kinh sẽ xuất hiện khi bạn già đi, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc bệnh rễ thần kinh đang ngày càng gia tăng. Người trẻ nên phòng ngừa bệnh rễ thần kinh tránh bệnh tiến triển nặng về sau.
- Thực hành tư thế đúng trong sinh hoạt: Ngồi đúng cách, không gù hay cong cột sống, không mang vác đồ nặng quá 10% cân nặng,…
- Không giữ một tư thế trong thời gian dài, nên xen kẽ những khoảng thời gian thư giãn.
- Giữ cân nặng bình thường giảm gánh nặng cho cột sống.
Điều trị bệnh rễ thần kinh như thế nào?
Việc điều trị bệnh rễ thần kinh sẽ phụ thuộc vào loại rễ thần kinh mà bạn đang mắc phải và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bạn có thể không cần điều trị và triệu chứng sẽ tự cải thiện sau vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh có thể được kiểm soát mà không cần phương pháp phẫu thuật.
Không dùng thuốc
- Chườm nóng: Chườm nóng giúp giảm sưng và thư giãn các cơ bị căng, giảm tình trạng đau.
- Vật lý trị liệu: Gồm các bài tập kéo giãn cột sống để giảm áp lực lên rễ thần kinh.
- Thay đổi tư thế: Nhằm giảm tiến triển nặng thêm bệnh, ngoài ra hướng dẫn thay đổi tư thế trong sinh hoạt còn giúp phòng ngừa tái phát sau điều trị.
Thuốc
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Là thuốc thường được sử dụng giúp giảm tình trạng đau mức độ trung bình trở lên. Các thuốc được sử dụng hiện nay gồm meloxicam, ibuprofen,… Tuy nhiên bạn không nên sử dụng thuốc này lâu dài vì có thể tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,…
- Thuốc giãn cơ: Được chỉ định nếu bạn có tình trạng co cứng cơ nhiều, thuốc giúp các cơ giãn ra làm giảm triệu chứng đau, giảm tình trạng chèn ép và kích thích rễ thần kinh.
- Corticosteroid: Là loại thuốc giảm đau kháng viêm mạnh, được sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm trực tiếp vào vị trí tổn thương.
- Giảm đau thần kinh như gabapentin, được chỉ định khi tình trạng đau của bạn ở mức độ nặng, gây mất ngủ.
Phẫu thuật
Bệnh rễ thần kinh rất hiếm khi được chỉ định trừ phi có chấn thương kèm theo gây nguy cơ tổn thương rễ thần kinh không hồi phục hoặc nghi ngờ bệnh lý ác tính.