Tinh dịch loãng là dấu hiệu nhiều bệnh lý nam khoa, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và khả năng có con của người đàn ông. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về tinh trùng loãng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tinh trùng là tế bào sinh sản trong cơ thể nam giới. Khác với tinh dịch, tinh trùng chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi bởi chúng có kích thước rất nhỏ. Sau khi quan hệ, nam giới xuất tinh vào âm đạo của nữ giới. Lúc này lượng tinh trùng khỏe mạnh có trong tinh dịch sẽ bơi đến gặp trứng và tạo thành sự thụ tinh.
Khi nam giới đạt cực khoái trong quan hệ sẽ phóng ra chất dịch lỏng qua niệu đạo gọi là tinh dịch. Trong tinh dịch chứa tinh trùng và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông thường, thể tích tinh dịch mỗi lần xuất tinh nằm trong khoảng từ 2-5ml và mật độ là 15 triệu tinh trùng/ 1 ml tinh dịch. Nếu lượng tinh dịch và mật độ tinh trùng nằm dưới mức này thì được gọi là tinh dịch bị loãng.
Bình thường, tinh dịch có đặc tính lỏng, sệt và màu trắng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tinh dịch sẽ có sự thay đổi về màu sắc và hình thái. Tinh trùng loãng là hiện tượng tinh dịch của nam giới có màu trắng trong như nước. Tinh dịch loãng phản ánh sự bất thường về chất lượng cũng như số lượng tinh trùng, tinh dịch không đủ chất dinh dưỡng và khả năng bảo vệ cho tinh trùng.
Triệu chứng
Cách nhận biết tinh trùng loãng bao gồm:
- Tinh dịch trong: thông thường tinh dịch thường có kết cấu dính và dạng sệt, nhưng nếu lượng tinh trùng ít sẽ có hiểu hiện tinh dịch trong như nước, có thể hơi nhầy.
- Tinh dịch sau khi được xuất ra ngoài sẽ hóa lỏng sau khoảng 30 phút, nếu xảy ra hiện tượng tinh dịch màu trắng trong thì sẽ nhanh hóa lỏng hơn.
- Nếu tinh trùng loãng do bệnh lý có thể sẽ có thêm biểu hiện là tinh dịch có mùi hôi tanh bất thường.
- Xuất tinh ít hơn bình thường, trung bình mỗi lần xuất tinh có khoảng 2-5ml tinh dịch nếu bị tinh trùng loãng lượng này sẽ dưới mức 2ml.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra các tình trạng này như:
- Do bẩm sinh: Một số tình trạng bệnh lý bẩm sinh như tinh hoàn ẩn, dị tật ở cơ quan sinh dục có thể gây ra một số vấn đề liên quan sinh tinh, sản xuất tinh trùng, phóng tinh dẫn đến tình trạng từ giảm số lượng, chất lượng tinh trùng đến không có tinh trùng trong tinh dịch.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Là tình trạng các búi tĩnh mạch tinh giãn rộng ứ máu. Bệnh lý này có thể dẫn đến tình trạng thiểu tinh trùng, tăng sự phân mảnh DNA của tinh trùng và làm người bệnh nhầm tưởng với khái niệm “tinh dịch loãng”. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 15% nam giới nói chung mắc chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Mật độ tinh trùng thấp: Tinh trùng loãng theo quan điểm của người bệnh có thể là tình trạng tinh dịch đồ có mật độ tinh trùng thấp. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, mật độ tinh trùng thấp là khi lượng tinh trùng sản xuất thấp hơn 16 triệu tinh trùng ở mỗi ml tinh dịch. Một số tình trạng có thể gây nên số lượng tinh trùng thấp là hội chứng Klinefelter, cường giáp, thiểu năng sinh; người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, dùng ma túy, lạm dụng rượu bia thường xuyên…
- Xuất tinh ngược dòng: Theo cơ chế thông thường, khi xuất tinh, phần tinh dịch sẽ đi qua niệu đạo và ra khỏi dương vật. Tuy nhiên vì một lỗi nào đó khiến cho chức năng cơ vòng của bàng quang bị rối loạn làm cho tinh dịch thay vì xuất ra ngoài lại được chuyển ngược vào bàng quang. Người gặp tình trạng này có thể gặp hiện tượng giảm số lượng tinh trùng trong tinh dịch được xuất ra làm người bệnh hiểu lầm sang khái niệm tinh trùng loãng.
- Rối loạn quá trình tiết hormone: Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng. Sự biến động của hormone, chẳng hạn như testosterone, prolactin, LH, FSH… có thể ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng tinh trùng cũng như quá trình xuất tinh và tinh dịch.
- Nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng, cũng như các tuyến tiết tinh dịch dẫn đến tình trạng xuất tinh ra tinh dịch có thời gian ly giải nhanh, màu sắc biến đổi, có mùi bất thường,… làm người bệnh hiểu lầm thành tình trạng tinh trùng loãng. Bệnh lý nhiễm trùng xảy ra có thể do viêm tinh hoàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV…
- Stress: Chịu áp lực trong thời gian dài có thể khiến số lượng và chất lượng tinh trùng có xu hướng giảm xuống rõ rệt. Nam giới bị stress nặng tăng tỷ lệ tinh trùng dị dạng, đứt gãy ADN tinh trùng… Việc stress kéo dài kích thích cơ thể sản sinh steroid làm giảm testosterone, ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
- Thói quen sống không lành mạnh: Lựa chọn lối sống của bạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, sử dụng ma túy và thiếu tập thể dục đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
- Tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao: Chẳng hạn như tắm nước nóng thường xuyên, tắm hơi hoặc mặc đồ lót chật, có thể làm tăng nhiệt độ bìu, dẫn đến hiện tượng suy giảm khả năng sinh tinh.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tinh trùng loãng như:
- Mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gout
- Quan hệ hay thủ dâm quá độ
- Nam giới có thói quen uống rượu, hút thuốc lá
- Có chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu chất dinh dưỡng
- Nam giới trên 30 tuổi
Chẩn đoán
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử bệnh, lối sống, đời sống tình dục. Đồng thời xem xét các biểu hiện lâm sàng của người bệnh.
Phân tích tinh dịch: Xét nghiệm này giúp kiểm tra sức khỏe tinh trùng, lượng tinh dịch, thời gian hóa lỏng của tinh dịch, độ chua. Trước khi tiến hành phân tích tinh dịch, người bệnh cần lưu ý:
- Không quan hệ tình dục hoặc thủ dâm từ 2 – 5 ngày trước khi xét nghiệm.
- Không uống rượu bia.
- Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc, thảo dược đang sử dụng.
- Không dùng chất bôi trơn khi lấy mẫu tinh dịch.
Bên cạnh đó, bác sỹ có thể đề nghị thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán như:
- Siêu âm tinh hoàn
- Siêu âm tuyến tiền liệt
- Sinh thiết tinh hoàn
- Xét nghiệm nước tiểu
Phòng ngừa bệnh
Số lượng tinh trùng nhiều hay ít, chất lượng tinh trùng cao hay thấp phụ thuộc khá nhiều vào lối sống sinh hoạt hàng ngày của nam giới, do đó nam giới hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng tinh trùng loãng là bảo vệ khả năng sinh sản của mình bằng cách:
- Xây dựng lối sống khoa học, nghỉ ngơi hợp và giữ tinh thần thoải mái
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh với tần suất vừa phải
- Rèn luyện thể dục thể thao đều đặn, 30 phút mỗi ngày, 1 tuần khoảng 4-5 lần
- Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tinh trùng như: hàu, ngũ cốc, măng tây, rau củ quả… Ngoài ra, cần tránh xa các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu bia, ngưng hút thuốc lá…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
Điều trị như thế nào?
Trong trường hợp nam giới tự cảm nhận tình trạng “tinh trùng loãng” và áp dụng các phương pháp cải thiện tại nhà không mang lại hiệu quả, người nam nên thăm khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín để tìm nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu hiện tượng tinh dịch loãng có liên quan yếu tố bệnh lý, một số chỉ định điều trị có thể được áp dụng gồm:
- Các biện pháp phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị cho những bệnh nhân được chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh; các phương pháp phẫu thuật tìm tinh trùng như TESE, micro-TESE,… có thể được chỉ định để điều trị vô sinh trong các trường hợp vô tinh không do tắc.
- Điều trị nội khoa bằng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc có lợi cho sức khỏe sinh sản của nam giới. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị loãng tinh trùng, mẹo dân gian… nhằm giảm thiểu rủi ro, biến chứng nguy hiểm.
- Phương pháp điều trị nội tiết: Nếu nguyên nhân gây “tinh trùng loãng” theo đánh giá của người bệnh bắt nguồn từ rối loạn nội tiết, bác sĩ có thể điều trị cho bệnh nhân bằng các phác đồ tối ưu nhất.
- Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Trường hợp nam giới có mật độ tinh trùng yếu, số lượng tinh trùng ít, vô tinh, gặp khó khăn trong việc mang thai tự nhiên được khuyến nghị thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm để có tối ưu cơ hội con chính chủ.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về tinh trùng loãng. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.