Đau tinh hoàn một bên cho dù là bên trái hay bên phải thì cũng đều là những dấu hiệu bệnh lý mà bạn không được chủ quan. Hệ quả của việc đau tinh hoàn có khả năng dẫn tới các việc như là giảm chất lượng cuộc sống, giảm nhu cầu tình dục và khả năng sinh sản của nam giới. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về đau tinh hoàn qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tinh hoàn là một bộ phận quan trọng trong cơ quan sinh dục của nam giới. Tinh hoàn có hình bầu dục. Trong độ tuổi trưởng thành, mỗi tinh hoàn có trọng lượng trung bình khoảng 20-25g, vị trí nằm giữa dương vật và hậu môn. Phần lớn tinh hoàn bên trái thường nhẹ hơn bên phải.
Đau tinh hoàn là bệnh khiến nam giới đau nhức ở một hay cả hai bên tinh hoàn. Nam giới nào cũng cũng có thể bị đau tinh hoàn, nhất là người làm công việc nặng nhọc hoặc thường xuyên chơi các môn thể thao yêu cầu tiếp xúc hoàn toàn. Bệnh khởi phát đột ngột hay kéo dài.
Triệu chứng
Các triệu chứng đau tinh hoàn dễ nhận biết như đau, bầm tím, buồn nôn và nôn, sưng tấy, sốt, có khi tiểu thường xuyên, đi tiểu nóng rát hoặc có máu.
Nguyên nhân
Nhìn chung, tinh hoàn là cơ quan rất nhạy cảm, có rất nhiều nguyên nhân gây đau tức tinh hoàn:
- Viêm mào tinh hoàn: Đau do viêm mào tinh hoàn thường đau liên tục và kèm theo các triệu chứng như sốt, da vùng bìu có thể đỏ, sờ thấy mào tinh hoàn sưng to và nắn nhẹ rất đau. Đau khi giao hợp hay xuất tinh. Dương vật bị đau, đau bụng dưới, khi đi bộ hoặc đứng cảm giác đau rõ rệt hơn.
- Xoắn tinh hoàn: Là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ, bìu sưng to, buồn nôn và nôn, đau bụng, một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường.
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Có thể gây đau tinh hoàn, biểu hiện là đau một bên tinh hoàn, đau âm ỉ hoặc đau liên tục. Bệnh nhân chủ yếu là thanh niên, hiếm gặp ở người cao tuổi.
- Thoát vị bẹn: Thoát vị là tình trạng một bộ phận nào đó của cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường được giới hạn của nó trong cơ thể. Thoát vị bẹn là bệnh lý hay gặp ở nam giới. Thoát vị bẹn thường xảy ra ở nơi tinh hoàn được nối với cơ thể. Khi bị thoát vị bẹn, người bệnh thấy tức nặng ở vùng bẹn bìu, kèm theo cảm giác đau tức nặng là một khối sà xuống bìu, một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng, nằm nghỉ khối phồng nhỏ lại hoặc mất hẳn. Bệnh thường đòi hỏi phẫu thuật để cắt bỏ và tốt nhất là không nên trì hoãn phẫu thuật.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Cảm giác đau không nhiều mà chủ yếu là đau tức, đau tăng khi vận động, hay gặp ở tinh hoàn bên trái, sờ phía trên thấy có búi lùng nhùng như búi giun.
- Chấn thương và xuất huyết: Bạn đã bao giờ bị va đập tinh hoàn cực mạnh. Cú va đập có thể khiến bạn ngừng thở trong vòng vài giây nhưng bạn có thể kéo mình trở lại. Đôi khi, một chấn thương nặng có thể khiến máu chảy ra ngoài túi bìu. Tình trạng này có thể được chữa khỏi bằng cách nghỉ ngơi tại giường hoặc phẫu thuật dẫn lưu.
- Nang mào tinh hoàn: Nang mào tinh về cơ bản là một u nang phát triển trong ống dẫn tinh trùng. Trong phần lớn các trường hợp, nang này là lành tính vì nó được hình thành do sự tích lũy của tinh trùng. Nếu nang mào tinh quá lớn có thể dẫn đến căng tức và gây đau.
Ngoài ra, đau tinh hoàn cũng có thể do bị chấn thương hay các yếu tố sinh lý như khi hưng phấn tình dục, máu dồn về dương vật nhiều có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tinh hoàn, gây căng tức tinh hoàn; kích thích khi thủ dâm, quan hệ tình dục với thời gian cương cứng dương vật lâu,…
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đau tinh hoàn thường là nam giới ở độ tuổi từ 15 – 35 tuổi hay những người không thực hiện tiêm phòng vaccine ngừa bệnh quai bị đúng thời gian, người có khả năng cao mắc bệnh quai bị và tiến triển thành bệnh đau tinh hoàn rất cao.
Chẩn đoán
Chẩn đoán đau tinh hoàn bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp như:
- Khám bệnh: người bệnh có thể được bác sĩ hướng dẫn thực hiện động tác đứng lên, nằm xuống để kiểm tra. Bác sĩ tìm hiểu về thời điểm cơn đau bắt đầu, thời gian kéo dài, mức độ đau, vị trí đau, tiền sử tình dục, phẫu thuật…
- Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để loại trừ nguyên nhân tinh hoàn bị đau do nhiễm trùng.
- Siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu nghi tinh hoàn có u.
Phòng ngừa bệnh
Không phải tất cả cơn đau tinh hoàn đều phòng ngừa được, tuy nhiên, việc thay đổi lối sống lành mạnh có thể ngăn một số nguyên nhân cơ bản gây tổn thương.
Cụ thể như sau:
- Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao để tránh gây chấn thương tinh hoàn.
- Quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt sử dụng bao cao su khi giao hợp.
- Kiểm tra tinh hoàn định kỳ để phát hiện sớm những thay đổi bất thường hoặc sự xuất hiện của khối u.
- Không nín tiểu để ngừa nhiễm đường tiết niệu.
- Tiêm vaccine phòng quai bị
Điều trị như thế nào?
Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định phương pháp điều trị đau tinh hoàn phù hợp nhất. Cụ thể như sau:
Điều trị tại nhà
- Tiến hành chườm đá vào vị trí đau từ 15-20 phút.
- Đặt một chiếc khăn đã cuộn dưới bìu khi nằm nghỉ ngơi.
- Phải tắm nước ấm.
Dùng thuốc
Nếu những phương pháp điều trị tại nhà không đem đến hiệu quả tốt, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc, bao gồm: thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc thuốc chống nhiễm trùng. Ngoài ra có thể sử dụng loại thuốc chống trầm cảm
Phẫu thuật
Đau tinh hoàn thường không cần phải phẫu thuật, ngoại trừ những trường hợp nghiêm trọng như ung thư tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn. Cụ thể như sau:
- Tiến hành phẫu thuật đối với trường hợp xoắn tinh hoàn bất kể là nặng hay nhẹ
- Chữa thoát vị bằng cách phẫu thuật
- Phải cắt bỏ mào tinh hoàn cũng bằng phẫu thuật
- Phẫu thuật để nối lại ống dẫn tinh ở nam giới
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.