Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới với khoảng 25% dân số thế giới mắc lao tiềm ẩn. Tuy nhiên, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp và đủ thời gian. Vậy bệnh lao là gì và chúng ta cần những hiểu biết cơ bản nào về căn bệnh này?
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao, hay còn gọi là Tuberculosis, là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp, do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh không chỉ tấn công phổi mà còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, não và thận. Bài viết này sẽ tập trung chủ yếu đề cập đến lao phổi.
Triệu chứng bệnh lao gồm những gì?
Lao thường khởi phát từ từ, có trường hợp không có triệu chứng cụ rõ ràng.
Triệu chứng bệnh lao (lao phổi) điển hình là ho dai dẳng (chủ yếu ho khan, thường trên 3 tuần, không cải thiện dù có dùng kháng sinh)
Các triệu chứng khác có thể gặp như:
- Sốt nhẹ, kéo dài (thường về chiều), ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, ăn kém, mất ngủ, sút cân.
- Ho máu: ho kèm dịch nhầy chứa máu
- Đau ngực: đau âm ỉ, thường đau ở vùng đỉnh phổi
- Khó thở: thường gặp khi tổn thương đã lan rộng
Nguyên nhân bệnh lao là gì?
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (vi khuẩn lao) gây ra.
Mycobacterium Tuberculosis trong điều kiện tự nhiên có thể tồn tại từ 3 – 4 tháng, là một vi khuẩn ái khí vì vậy ưa cư trú trong môi trường có nhiều oxy do đó thường khu trú ở phổi và số lượng vi khuẩn có nhiều nhất trong các hang lao có phế quản thông.
Bệnh lao lây lan khi người mắc bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc khạc nhổ, phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Người khác có thể hít phải những vi khuẩn này và bị nhiễm bệnh.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc lao
Do lây lan chủ yếu qua đường hô hấp nên bệnh có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi. Các đối tượng nguy cơ cao mắc lao phổi gồm có:
- Những người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân lao.
- Người sống hoặc làm việc trong môi trường có tỷ lệ mắc lao cao.
- Người có hệ miễn dịch suy yếu, bao gồm cả những người bị HIV/AIDS.
Chẩn đoán bệnh lao
Bác sĩ có thể sử dụng một loạt các xét nghiệm bao gồm X-quang ngực, nhuộm soi trực tiếp AFB, và nuôi cấy để xác định vi khuẩn lao. Các xét nghiệm sinh học phân tử như PCR cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán nhanh.
Phòng ngừa bệnh lao như thế nào?
Phòng ngừa bệnh lao bao gồm tiêm vaccin BCG cho trẻ em, đeo khẩu trang và duy trì vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống sạch sẽ. Đối với người bệnh, tuân thủ liệu pháp điều trị là cách tốt nhất để ngăn chặn lây lan bệnh lao.
Điều trị bệnh lao
Việc điều trị bệnh lao đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ nghiêm ngặt liệu pháp điều trị:
- Lao tiềm ẩn: là trạng thái mà trong đó vi khuẩn lao có mặt trong cơ thể nhưng không gây ra triệu chứng bệnh và không có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Điều trị nhằm ngăn chặn vi khuẩn lao phát triển thành bệnh lao hoạt động. Chỉ thực hiện điều trị lao tiềm ẩn khi có bằng chứng nhiễm lao và khi đã loại trừ lao hoạt động để tránh việc điều trị không đầy đủ dẫn tới vi khuẩn kháng thuốc.
- Lao hoạt động: là trạng thái mà vi khuẩn lao trở nên hoạt động và bắt đầu gây ra các triệu chứng bệnh. Liệu trình điều trị kéo dài từ 6 đến 9 tháng, sử dụng kết hợp các loại thuốc kháng lao.
Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Hiểu biết đầy đủ về bệnh lao và các biện pháp phòng ngừa, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt liệu pháp điều trị, có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.