Tổng quan chung
Rối loạn tiêu hóa là biểu hiện bất thường, xảy ra phổ biến ở đường tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều người. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả hội chứng rối loạn tiêu hóa tại bài viết này.
Khái niệm về rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi hệ tiêu hóa xuất hiện các biểu hiện không bình thường liên quan đến cấu trúc hoặc chức năng. Thông qua nghiên cứu và phân tích, các chuyên gia y tế đã phân loại rối loạn tiêu hóa thành hai loại chính, bao gồm:
- Bệnh lý tiêu hóa thực thể: Đây là loại rối loạn tiêu hóa xảy ra khi hệ tiêu hóa có bất thường về cấu trúc, gây ảnh hưởng đến hoạt động và có thể dẫn đến những rối loạn như viêm loét dạ dày, viêm ruột, hoặc các khối u trong hệ tiêu hóa.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng: Xảy ra khi hệ tiêu hóa không hoạt động bình thường nhưng không có bất kỳ bệnh lý tiêu hóa thực thể nào được phát hiện. Những rối loạn chức năng này thường gặp phải trong các trường hợp như hội chứng ruột kích thích (IBS)
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa thường biểu hiện dưới nhiều triệu chứng khác nhau, có thể xảy ra đồng thời ở nhiều bộ phận của hệ tiêu hóa, cũng có thể chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định. Các triệu chứng thường gặp như:
- Chướng bụng: luôn cảm thấy bụng căng, khó chịu đặc biệt là sau khi ăn xong. Thức ăn không được tiêu hóa hết, ứ đọng trong ống tiêu hóa gây nên tình trạng này.
- Buồn nôn, nôn mửa: Các nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Ợ hơi, ợ nóng: Các rối loạn tại dạ dày và tá tràng thường gây nên tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Nếu bạn thấy mình thường xuyên có triệu chứng này chứng tỏ bạn đang gặp phải vấn đề về hệ tiêu hóa rồi đấy.
- Đau bụng âm ỉ: Hầu như ai bị rối loạn tiêu hóa đều kèm theo đau bụng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Ban đầu nhẹ, sau đó lan rộng và nặng hơn, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc bị ngộ độc thực phẩm.
- Đại tiện bất thường: các dấu hiệu bao gồm: tiêu chảy, táo bón, đại tiện nhiều lần trong ngày,… tất cả là do sự rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược.
- Chán ăn: Khi bị các vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân thường có cảm giác đắng miệng, không muốn ăn uống gì.
Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa xuất phát từ một số bệnh lý liên quan đến hệ thống này. Trong đó, các yếu tố điển hình phải kể đến gồm:
Chế độ ăn uống
- Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì vậy, tình trạng rối loạn phần lớn xuất phát từ nhóm nguyên nhân này. Trong đó, một số loại thực phẩm có nguy cơ cao gây tác động tiêu cực cho tiêu hóa gồm:
- Thực phẩm bị hỏng hoặc chưa được vệ sinh: Vi khuẩn từ thực phẩm bị hỏng, thiếu vệ sinh xâm nhập vào hệ tiêu hóa sẽ dẫn đến ngộ độc, co thắt cơ trơn ống tiêu hoá gây đau quặn thắt và một loạt các vấn đề khác.
- Đồ ăn cay nóng: Nhóm thực phẩm này sẽ khiến bao tử bị tổn thương, về lâu dài có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa.
- Sản phẩm từ sữa: Ở một số nhóm đối tượng, hệ tiêu hóa không thể dung nạp được sữa và các sản phẩm từ sữa (kem, phomai…). Do đó, việc ngừng sử dụng là cần thiết, thay vào đó có thể thử một số nguồn thực phẩm giàu Vitamin D khác như: cá hồi, rau xanh…
- Thực phẩm có tính axit: Các loại thực phẩm có tính axit cao như bưởi, cam , cà chua, chanh… có thể gây kích ứng lên niêm mạc dạ dày. Do đó, lựa chọn thay thế lý tưởng hơn là táo, chuối, rau giàu chất xơ (hành tây, măng tây, atiso…)…
Uống nhiều thức uống chứa cồn
Rượu bia sẽ kích thích cơ vòng thực quản, gây nên hiện tượng ợ chua và một loạt các vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó, để bảo vệ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, việc hạn chế sử dụng là cần thiết.
Bệnh lý liên quan đến dạ dày
Bệnh lý liên quan đến dạ dày cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Trong đó, hai tình trạng điển hình phải kể đến gồm:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Thực quản được kết nối với miệng và bao tử. Hiện tượng trào ngược xảy ra khi dịch vị tiết ra đi ngược lên khu vực này, gây ra đau rát, khó chịu. Nếu bệnh không được điều trị sớm, về lâu dài sẽ dẫn đến tổn thương thực quản.
- Loét dạ dày tá tràng: Vết loét hình thành trong thành của đường tiêu hóa, trở nên đau rát khi tiếp xúc trực tiếp với dịch vị. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống.
Viêm đại tràng
Đây là bệnh viêm ruột, ảnh hưởng đến niêm mạc đại trực tràng. Tình trạng này thường xuất hiện phổ biến ở nhóm đối tượng từ 30 – 40 tuổi, kể cả nam và nữ. Bệnh được nhận biết với nhiều triệu chứng đa dạng như: tiêu chảy, nhầy và/hoặc máu trong phân, đi tiêu thường xuyên, mệt mỏi…
Viêm ruột thừa cấp
Đây là tình trạng ruột thừa bị viêm đột ngột. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 10 – 30 tuổi, trong đó nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn. Viêm ruột thừa cấp tính ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa, những cơn đau dữ dội xuất hiện kèm các triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi, cứng bụng… Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng phúc mạc…
Bệnh sỏi đường tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu xuất hiện do sự tích tụ của các khoáng chất, axit và muối trong nước tiểu. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội ở xương sườn, lưng, bụng. Đây cũng được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rối loạn đường tiêu hóa.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa gồm:
- Trẻ em và thanh thiếu niên: Rối loạn chức năng tiêu hóa và rối loạn nhu động thường xảy ra ở nhóm đối tượng từ sơ sinh đến 18 tuổi. Tình trạng này gây nên những cản trở nghiêm trọng đối với sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày.
- Người cao tuổi: Khi tuổi cao, lão hóa diễn ra mạnh mẽ, là yếu tố chủ yếu gây nên hiện tượng rối loạn hệ tiêu hóa thường gặp.
Chẩn đoán rối loạn tiêu hóa
- Khám lâm sàng: Có thể thấy bụng chướng hơi, tìm những tổn thương thực thể.
- Xét nghiệm: Tìm ký sinh trùng trong phân, máu ẩn trong phân, sinh hóa máu.
- Nội soi dạ dày-tá tràng: Nội soi dạ dày-tá tràng cho mọi lứa tuổi ngay từ đầu, nhất là cho người từ 45-55 tuổi, người có triệu chứng báo động. Cần làm test xác định vi khuẩn Helicobacter pylori. Nếu thấy có một bệnh thực thể thì cần xử trí ngay như: Loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày mãn HP(+), Viêm trợt thực quản, ung thư dạ dày mãn HP dương, viêm trợt thực quản, ung thư dạ dày…Khi cần thiết có thể làm nội soi can thiệp.
- Siêu âm:
- Siêu âm khi có nghi ngờ về đường mật tụy qua các xét nghiệm sinh hoá.
- Siêu âm bụng hặc CT-scan bụng: để loại trừ bệnh lý đường mật và tụy.
Phòng ngừa bệnh
Xây dựng lối sống khoa học chính là giải pháp hiệu quả giúp duy trì sức khỏe tiêu hóa và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa. Áp dụng các lời khuyên dưới đây để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh:
- Chế độ ăn uống: Ăn uống đủ chất và đảm bảo thực phẩm được chín và nước uống được sôi. Hạn chế thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa và gây tiêu chảy. Bổ sung chất xơ và rau xanh cho người thường xuyên bị táo bón. Hạn chế sử dụng các thức uống chứa cồn như rượu bia.
- Bổ sung men vi sinh và lợi khuẩn tốt để hỗ trợ sức khỏe đường ruột.
- Thực hiện thói quen đi vệ sinh khoa học và đi vệ sinh mỗi ngày vào cùng một thời điểm.
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa.
Điều trị rối loạn tiêu hóa
Quá trình điều trị rối loạn hệ tiêu hóa sẽ khác nhau tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, nguyên nhân gây bệnh… Tuy nhiên, nhìn chung, đối với trường hợp này, người bệnh có thể sẽ được khuyên thực hiện một số phương pháp sau:
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu và có lợi cho hệ tiêu hóa
- Tránh các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, gia vị, bơ sữa…
- Dùng các loại thuốc không kê đơn để làm giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng, thuốc trị táo bón…
- Sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng buồn nôn, hỗ trợ bù nước (thậm chỉ sử dụng qua đường tĩnh mạch).
Kết luận
Rối loạn tiêu hóa là một vấn đề phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu chúng ta duy trì lối sống khoa học, chế độ ăn uống hợp lý và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe tiêu hóa để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.