Hiện nay, hẹp môn vị là bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến, nhất là ở trẻ nhỏ. Môn vị bị hẹp khiến cho thức ăn không xuống được ruột, ứ đọng tại dạ dày, gây khó chịu cho người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số những điều cần biết về hẹp môn vị.
Tổng quan chung
Môn vị là phần nằm cuối dạ dày, nơi tiếp nối với hành tá tràng và được cấu tạo như một van cơ học để giữ thức ăn trong dạ dày. Chỉ khi thức ăn đã được dạ dày tiêu hóa, sẵn sàng chuyển xuống ruột non, môn vị sẽ mở ra để thức ăn tiếp tục quá trình tiêu hóa đến các phần ruột khác.
Hẹp môn vị là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng kích thước môn vị nhỏ khiến thức ăn và dịch dạ dày khó lưu thông hoặc đình trệ hoàn toàn không thể xuống ruột non. Bệnh lý này khiến thức ăn và dịch dạ dày bị ứ đọng trong dạ dày nhiều giờ, ảnh hưởng tới tiêu hóa và hấp thu.
Triệu chứng
Triệu chứng thường gặp ở người bị hẹp môn vị gồm:
- Giai đoạn đầu
-
- Đau bụng: Người bệnh có cảm giác đau ở vùng thượng vị, đau ngay sau khi ăn và mức độ cơn đau sẽ giảm đi sau khi nôn.
- Nôn: Nôn thường xuất hiện sau khi ăn và thường có lẫn thức ăn chưa tiêu hóa hết từ bữa ăn trước đó.
- Người bệnh cảm thấy đầy bụng, khó tiêu.
- Giai đoạn tiến triển
-
- Đau: Xuất hiện muộn hơn so với giai đoạn đầu, thường là khoảng 2-3 giờ sau khi ăn, đau từng cơn khiến người bệnh cảm giác sợ hãi khi ăn dù cơ thể đang cảm thấy rất đói.
- Nôn: Nôn nhiều, nôn ra dịch kèm theo thức ăn ứ động từ bữa trước lẫn bữa mới ăn. Nôn được sẽ giúp người bệnh cảm thoải mái, đỡ đau hơn nên có nhiều người thường xuyên móc họng sau khi ăn để nôn ra cho đỡ đau.
- Toàn thân: Sút cân, gầy gò, da khô, táo bón, mất nước do nôn nhiều.
- Giai đoạn cuối
-
- Đau: Liên tục chứ không diễn ra từng cơn như ở giai đoạn trước những mức độ đau lại nhẹ hơn.
- Nôn: Nôn ít, nôn ra dịch lẫn thức ăn, dịch nôn có mùi hôi thối.
- Đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu.
- Toàn thân: Gầy gò, mặt hốc hác, da khô, nhăn nheo, mệt mỏi, lơ mơ, chán ăn nên cần bổ sung thêm điện giải cho bệnh nhân trong giai đoạn này.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, có thể là do bẩm sinh, nguyên nhân lành tính hay ác tính.
- Nguyên nhân bẩm sinh: thường gặp ở đối tượng trẻ em, trẻ có môn vị bị hẹp bẩm sinh khiến bệnh phát sinh khi có điều kiện.
- Nguyên nhân lành tính: do sẹo chích hẹp do loét ở môn vị hay tá tràng.
- Nguyên nhân ác tính: đây là nguyên nhân phổ biến hơn cả, chủ yếu là do biến chứng từ các bệnh dạ dày và tá tràng gây nên. Cũng có một số bệnh nhân bị ung thư hang vị hoặc ung thư môn vị dẫn đến biến chứng.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị polyp môn vị, sẹo môn vị do bỏng, hoặc do nguyên nhân ngoài dạ dày…
Những người bị một trong các bệnh sau đây dễ bị hẹp môn vị:
- Hay gặp nhất là loét dạ dày tá tràng, đặc biệt là vết loét ở bờ cong nhỏ gần môn vị.
- Hẹp môn vị còn do sự viêm nhiễm tại ổ loét phối hợp với tình trạng phù nề niêm mạc dẫn đến chít hẹp lòng tá tràng, môn vị.
- Các trường hợp ít gặp hơn gồm: ung thư hang vị dạ dày, loét hoặc khối u sùi, cùng với thành dạ dày bị thâm nhiễm cộm lên làm hẹp lòng hang vị gây hẹp môn vị. Trường hợp này, hẹp môn vị diễn ra từ từ, ngày càng hẹp dần theo sự phát triển của khối ung thư. Polyp ở môn vị hay gần môn vị tụt xuống lòng môn vị gây hẹp.
- Niêm mạc dạ dày bị sa tụt xuống môn vị. Phì đại môn vị ở người lớn. Các bệnh: lao, giang mai gây loét hẹp môn vị; u đầu tụy, ung thư đầu tụy đè vào gây hẹp môn vị.
Chẩn đoán
Chẩn đoán hẹp môn vị chủ yếu dựa vào nội soi. Tuy nhiên bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể để xác định chính xác bệnh.
-
Chẩn đoán xác định
Dựa vào triệu chứng
-
- Cơ năng: Đau bụng, nôn thức ăn mới, phải móc họng để nôn cho dễ chịu.
- Thực thể: Dấu hiệu Bouveret và lắc óc ách lúc đói.
- X-quang: Dạ dày giãn to, xa xuống mào chậu, sau 6 giờ vẫn đọng Barit ở dạ dày.
-
Chẩn đoán phân biệt
-
- Bệnh giãn to thực quản: X-quang có cản quang thấy thực quản giãn to.
- Liệt dạ dày: Do yếu tố thần kinh, dạ dày mất trương lực ì ra. Các triệu chứng xuất hiện không thường xuyên và có thể tự hồi phục hoàn toàn.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh hẹp môn vi như:
- Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân gây hẹp môn vị nhiều nhất, bởi vậy chúng ta cần phòng tránh căn bệnh này bằng cách: ăn uống điều độ, luôn thực hiện ăn chậm, nhai kỹ. Không bao giờ ăn nhiều các thức ăn có vị chua dễ gây viêm loét dạ dày như dưa muối, cà muối, dấm, mẻ, sấu, me, khế, chanh…
- Bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc, uống rượu, không uống nước chè đặc, cà phê đặc, vì các chất này dễ gây viêm loét dạ dày. Không nên làm việc nặng ngay sau khi ăn. Tránh mọi căng thẳng tinh thần như tức giận, ghen tuông, đố kị… vì đó cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các căn bệnh: ung thư dạ dày, polyp dạ dày, phì đại môn vị, lao, giang mai, u đầu tụy, ung thư đầu tụy… để loại bỏ các nguyên nhân gây hẹp môn vị.
Điều trị như thế nào?
Tùy nguyên nhân hẹp môn vị cơ năng hay thực thể mà có phương pháp điều trị khác nhau. Hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa. Hẹp môn vị do nguyên nhân thực thể thường cần dùng đến phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến là mổ hở và nội soi.
- Nội soi làm nở môn vị : Đôi khi môn vị có thể được nới ra mà không cần phẫu thuật bằng cách đặt bong bóng. Trong thủ thuật này, bác sĩ đặt một ống dẫn có bong bóng ở đầu vào dạ dày thông qua đường miệng. Bong bóng sau đó được bơm lên và kéo dãn môn vị để môn vị mở ra. Cả trẻ em và người lớn thường sẽ hồi phục tốt sau khi phẫu thuật.
- Mổ hở: Mổ hở là để mổ cơ môn vị, cắt bỏ phần môn vị bị phù và dày. Phẫu thuật mở môn vị hoặc làm giãn môn vị thường có kết quả tốt.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về Hẹp môn vị. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.