Nấm da đầu là vấn đề rất thường gặp đặc biệt ở nơi khí hậu nóng và ẩm như Việt Nam. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên, bệnh nấm da đầu gặp ở trẻ nhỏ là chủ yếu và hiếm gặp hơn ở người lớn. Bệnh thường mang tính lây truyền và gặp ở các thành viên trong gia đình, cùng lớp học hoặc lây từ động vật như chó, mèo,… Nếu không được điều trị kịp thời, vùng da bị nấm có thể viêm nhiễm nặng, dẫn tới rụng tóc hoặc sẹo vĩnh viễn. Trong các trường hợp nặng hoặc suy giảm miễn dịch, nấm có thể xâm nhập sâu và có thể gây nhiễm nấm huyết hoặc nội tạng. Cùng tìm hiểu các loại nấm da đầu thường gặp, cách điều trị nấm da đầu và một số biện pháp giảm nấm da đầu qua bài viết này nhé!
Các loại nấm da đầu
Nấm da đầu, hay còn gọi là nấm tóc, là một bệnh lý da liễu do nhiễm các loại nấm khác nhau. Dưới đây là một số loại nấm da đầu phổ biến:
- Trichophyton: Đây là loại nấm gây bệnh phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Nấm Trichophyton gây ra các tổn thương dạng vòng trên da đầu, gây rụng tóc và ngứa.
- Microsporum: Loại nấm này cũng gây ra các tổn thương dạng vòng nhưng thường có viền nổi bật hơn và có thể lây lan từ động vật sang người.
- Epidermophyton: Dù ít gặp hơn, loại nấm này cũng có thể gây nhiễm trùng da đầu, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
- Candida: Loại nấm này thường gây nhiễm trùng ở những người sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc có hệ miễn dịch kém.
Điều trị nấm da đầu
Nguyên tắc chung:
- Cắt tóc ngắn
- Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và chống nấm.
- Sử dụng thuốc chống nấm thận trọng và theo dõi kỹ.
- Điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo (nếu có).
Điều trị cụ thể
Để điều trị nấm da đầu hiệu quả, cần phải xác định chính xác loại nấm gây bệnh và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị nấm da đầu bao gồm:
- Dầu gội trị nấm: Sử dụng dầu gội để ngăn tình trạng nấm và nhiễm trùng vùng da đầu. Dầu gội này thường chứa các hoạt chất chống nấm như là ketoconazole hay selenium sulfide 1,8%.
- Thuốc uống trị nấm
- Thuốc kháng nấm: Sử dụng các loại thuốc kháng nấm dạng kem hoặc dầu gội đặc trị để bôi lên vùng da bị nhiễm nấm. Các thuốc này có thể bao gồm ketoconazole, miconazole, hoặc clotrimazole.
- Thuốc uống: Trong những trường hợp nấm da đầu nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm dạng uống như terbinafine, itraconazole hoặc fluconazole.
- Chăm sóc da đầu: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da đầu không gây kích ứng và tránh gãi mạnh vào các vùng da bị nhiễm nấm để tránh làm tổn thương thêm
Biện pháp giảm nấm da đầu
- Vệ sinh tóc thường xuyên: Da đầu bẩn cùng với mồ hôi, các tế bào chết tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, đặc biệt là nấm. Thêm vào đó, việc gội đầu sai cách, gãi và chà xát quá mạnh khiến da đầu bị trầy xước giúp nấm dễ dàng xâm nhập và tấn công vào sâu hơn.
- Hạn chế gội đầu vào ban đêm và sấy khô tóc sau khi gội: Nấm dễ dàng phát triển hơn khi gặp môi trường ẩm ướt. Việc để tóc ướt khi đi ngủ là thói quen vô cùng có hại. Hơi ẩm và hơi ấm cùng với các tế bào da chết khiến nấm dễ dàng sinh sôi và xâm nhập vào da đầu gây khó chịu, ngứa ngáy. Nguy hiểm hơn, chúng có thể dẫn đến viêm da đầu, nhiễm trùng da đầu…
- Dùng đồ vệ sinh cá nhân riêng: Nấm da đầu là hoàn toàn có thể lây nhiễm từ người bệnh sang những người khác chỉ với những tiếp xúc thường ngày như dùng chung chăn màn, quần áo, mũ, lược… Vì vậy, để tránh lây nhiễm chéo, bạn nên có ý thức sử dụng đồ dùng vệ sinh cá nhân riêng.
- Hạn chế tiếp xúc với súc vật hay vật nuôi: Động vật là nguồn lây nhiễm nấm khá phổ biến. Nấm rất dễ sinh sôi phát triển trên các con vật nuôi trong nhà như chó, mèo, gà… Vậy nên nguy cơ bị nhiễm nấm khi tiếp xúc với những con vật mang bệnh là rất cao. Nhất là trẻ nhỏ, nên vệ sinh sạch sẽ sau khi trẻ chơi với vật nuôi.
- Sử dụng các biện pháp dân gian: Có thể sử dụng các biện pháp dân gian như gội đầu bằng nước chanh, giấm táo hoặc dầu dừa để giảm triệu chứng nấm da đầu.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nấm hiệu quả hơn.
Kết luận
Nấm da đầu không khó điều trị nhưng thường dễ tái phát và dai dẳng, quan trọng nhất trong điều trị là phải chẩn đoán đúng được bệnh và nấm da đầu rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về da khác như á sừng, vảy nến, chấy, viêm nang lông. Chính vì vậy, khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác.