Nhịp nhanh nhĩ là loại rối loạn nhịp tim ít gặp, chỉ chiếm khoảng 10%. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về nhịp nhanh nhĩ.
Tổng quan chung về nhịp nhanh nhĩ
Nhịp nhanh nhĩ là rối loạn nhịp tim do ổ phát nhịp nhanh bất thường xuất phát từ tâm nhĩ. Điều này xảy ra khi tín hiệu điện tim thay vì xuất phát bình thường từ nút xoang ở tâm nhĩ phải lại khởi phát từ một hoặc vài vị trí khác trong tâm nhĩ. Các tín hiệu điện tim này lặp đi lặp lại nhanh chóng khiến nhịp tim đập nhanh hơn mức bình thường.
Thông thường, nhịp tim bình thường trong khoảng từ 60 – 100 lần/phút. Nhưng trong trường hợp nhịp nhanh nhĩ trên ECG, nhịp tim đập nhanh hơn 100 lần/phút. Điều này làm cho tâm nhĩ không đủ thời gian thể nạp đầy máu giữa các nhịp đập.
Triệu chứng nhịp nhanh nhĩ
Nếu chỉ thoáng qua trong thời gian ngắn, nhịp nhanh nhĩ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng gì. Nhưng nếu kéo dài, các triệu chứng phổ biến thường thấy như tim đập nhanh, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu, đau ngực và hụt hơi. Ở trẻ sơ sinh và trẻ em khi mắc phải nhịp tim nhanh nhĩ sẽ có biểu hiện nôn mửa, khó khăn khi ăn và thở nhanh.
Đôi khi, các cơn nhịp nhanh nhĩ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và người bệnh không cảm nhận được triệu chứng. Ở người lớn, triệu chứng thường bao gồm:
- Hồi hộp;
- Tim đập nhanh;
- Chóng mặt, lâng lâng;
- Ngất xỉu, bất tỉnh;
- Đau ngực;
- Hụt hơi.
Nhịp nhanh nhĩ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Quấy khóc;
- Bú kém;
- Thở nhanh.
Nguyên nhân gây bệnh
- Những người mắc bệnh tim như bệnh tim cấu trúc, có thể kèm theo suy tim hoặc không, bệnh động mạch vành do thiếu máu cục bộ thường có nguy cơ bị nhịp nhanh nhĩ. Tuy nhiên, cơ chế nhịp nhanh nhĩ cũng có thể xuất hiện ở những người không mắc các bệnh về cấu trúc tim.
- Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây ra loạn nhịp nhanh nhĩ như thiếu oxy, bệnh phổi, sử dụng chất kích thích như caffeine, sô cô la, rượu bia, rối loạn chuyển hóa, nhiễm độc digoxin…
- Nhịp nhanh nhĩ thường gặp ở người già nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ em, thanh niên nếu bị tình trạng tâm nhĩ giãn ra do huyết áp cao, các tế bào bên ngoài nút xoang tự tạo ra xung điện hoặc bệnh cơ tim, nhồi máu cơ tim, sử dụng rượu, cocain và các chất kích thích khác.
Đối tượng nguy cơ
Nhịp nhanh nhĩ là một loại nhịp nhanh trên thất, xảy ra trong tâm nhĩ (những ngăn trên của trái tim). Bệnh này có thể được chữa khỏi bằng triệt phá ổ loạn nhịp hoặc kiểm soát bằng thuốc. Nhìn chung, bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, tuổi tác cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này.
Chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ
Để chẩn đoán nhịp nhanh nhĩ, bác sĩ sẽ áp dụng các phương án sau:
- Điện tâm đồ
Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG) là xét nghiệm dùng để ghi lại hoạt động điện của tim. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ gắn các điện cực lên ngực, cổ tay và mắt cá chân của người bệnh. Sau đó, điện cực gửi tín hiệu điện tim đến máy ghi, từ đó vẽ ra đồ thị tần số, nhịp đập và các hình sóng của nhịp tim. Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể xác định loại và nguyên nhân của tình trạng nhịp nhanh nhĩ trên ecg.
- Máy theo dõi Holter
Máy theo dõi Holter giúp phát hiện các tình trạng nhịp tim nhanh không đều mà điện tâm đồ thông thường không thể thấy được. Đây là thiết bị dùng để ghi lại hoạt động điện của tim trong 24 – 48 giờ. Người bệnh sẽ đeo thiết bị này trong suốt thời gian theo dõi, kể cả khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Holter monitor gồm một máy ghi nhỏ có thể đeo trên thắt lưng hoặc để trong túi, các điện cực và dây dẫn được gắn lên ngực. Nó liên tục ghi lại điện tâm đồ và lưu trữ dữ liệu. Khi kết thúc thời gian theo dõi, người bệnh sẽ trả thiết bị trở lại cho bác sĩ để họ có thể phân tích dữ liệu ghi được.
- Nghiệm pháp gắng sức
Nghiệm pháp gắng sức dùng để kiểm tra cách tim hoạt động khi cần nỗ lực cao như khi làm việc nặng hoặc tập thể dục. Người bệnh sẽ chạy trên máy chạy bộ, máy leo núi hoặc đạp xe để bác sĩ theo dõi điện tâm đồ, huyết áp và nhịp thở nhằm đánh giá phản ứng của tim khi gắng sức.
- Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nghiệm pháp bàn nghiêng được thực hiện để xem cơn nhịp nhanh nhĩ có xảy ra và làm người bệnh ngất xỉu hay không. Trong thử nghiệm này, người bệnh sẽ nằm trên một chiếc bàn, đồng thời theo dõi nhịp tim cùng huyết áp. Tiếp theo, bàn sẽ được nghiêng dần lên, đưa người bệnh vào tư thế nghiêng hoặc đứng. Bác sĩ sẽ theo dõi cách mà tim và hệ thần kinh phản ứng với sự thay đổi vị trí này.
- Siêu âm tim, CT hoặc MRI
Chụp MRI tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về tim. Trong khi đó, chụp CT tim là cách dùng nhiều hình ảnh X-quang để cung cấp cái nhìn tổng thể và chi tiết về tim, giúp tìm ra nguyên nhân của tình trạng nhịp nhanh nhĩ.
- Khảo sát điện sinh lý tim
Khảo sát điện sinh lý tim là phương pháp xâm lấn, giúp bác sĩ kiểm tra hệ thống dẫn truyền điện của tim. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ đưa một hoặc nhiều dây điện mảnh vào tim thông qua mạch máu ở cổ, tay hoặc đùi. Những dây này phát ra xung điện nhỏ để kích thích tim, cùng lúc ghi lại cách tim phản ứng với các xung điện này.
Phòng ngừa nhịp nhanh nhĩ
Để ngăn ngừa nhịp nhanh nhĩ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp thay đổi lối sống sau đây:
- Cắt giảm đồ uống chứa caffein như cà phê, trà, nước ngọt, sô cô la và các thực phẩm khác chứa caffein vì chúng kích thích tim và làm tăng nguy cơ nhịp tim nhanh.
- Ngưng uống rượu bia và hút thuốc lá vì chúng ảnh hưởng đến nhịp tim và làm tăng nguy cơ nhịp tim nhanh trên thất.
- Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc. Hạn chế chất béo bão hòa, cholesterol và muối.
- Tập thể dục ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và có thể giúp kiểm soát nhịp tim.
- Duy trì cân nặng hợp lý với chỉ số khối cơ thể 18.5 – 22.9 bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm soát huyết áp và mức cholesterol, phòng ngừa rủi ro mắc các bệnh về tim mạch.
- Duy trì việc chăm sóc theo dõi bằng cách dùng thuốc theo chỉ định, không tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
- Bổ sung dưỡng chất từ thiên nhiên như Policosanol (GDL-5) hỗ trợ điều chỉnh hoạt động của enzyme HMG-CoA reductase và kích thích hoạt động của Receptor tế bào, giúp giảm lượng cholesterol xấu, hỗ trợ phòng chống xơ vữa động mạch và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Loại dưỡng chất này cũng có thể cải thiện các vấn đề liên quan đến mỡ máu và huyết áp cao, đồng thời duy trì nhịp tim ổn định.
Nếu được chẩn đoán mắc nhịp nhanh nhĩ, bạn cần chăm sóc bản thân theo hướng dẫn của bác sĩ, cụ thể:
- Gặp bác sĩ theo lịch hẹn để theo dõi tình trạng và phát hiện sớm nếu bệnh tái phát.
- Uống thuốc theo đơn đã được kê, tuân thủ liều lượng và lịch trình dùng thuốc đều đặn.
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ tại Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome về cách ăn uống, thực đơn chi tiết và luyện tập hiệu quả cho sức khỏe tim mạch.
Điều trị nhịp nhanh nhĩ như thế nào?
Phương pháp điều trị nhịp nhanh nhĩ bao gồm các loại thuốc và phẫu thuật như sau:
- Thuốc chẹn beta dùng để ngăn chặn hoặc làm chậm một số chức năng tế bào nhất định của tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi dùng để thay đổi cách các tế bào cơ tim sử dụng canxi, giúp giảm mức độ nhạy cảm của chúng với tín hiệu điện tim.
- Các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim ban đầu, các loại thuốc này sẽ được khuyến nghị và quyết định dựa trên lợi ích, nguy cơ và tác dụng phụ có thể xảy ra.
Các phương pháp cắt đốt bao gồm:
- Cắt đốt qua khảo sát điện sinh lý tim: Bác sẽ sử dụng thiết bị đưa vào mạch máu chính và luồn vào tim để hủy vùng phát nhịp bất thường bằng nhiệt (cắt bỏ tần số vô tuyến) hoặc cực lạnh (cắt bỏ cryo). Tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 90%.
- Cắt đốt bằng phẫu thuật: Nếu không thể khắc phục vấn đề bằng các cách trên, có thể tiến hành phẫu thuật thông qua một vết mổ ở ngực để tiếp cận tim. Phương pháp này ít được sử dụng, thường chỉ được thực hiện khi có chỉ định phẫu thuật tim vì nguyên nhân khác.