Dị vật đường thở là tai nạn khá thường gặp và nguy hiểm ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi do sự tò mò tìm tòi những điều mới lạ xung quanh nhưng chưa nhận thức những việc nguy hiểm cần tránh. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về dị vật đường thở.
Tổng quan chung
Dị vật đường thở là những vật mắc lại trên đường thở từ thanh quản đến phế quản phân thùy.
- Là cấp cứu thường gặp trong chuyên ngành tai mũi họng nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí đúng, nhanh chóng dễ dẫn tới các biến chứng nặng nề và có thể tử vong nhanh chóng.
- Dị vật đường thở gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng. Tuy nhiên, đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Triệu chứng
Hội chứng xâm nhập
Hội chứng xâm nhập là kết quả 2 phản xạ co thắt thanh quản và phản xạ ho.
Trẻ đang ngậm đồ vật hoặc ăn những thức ăn dễ hóc đột ngột xuất hiện:
- Ho sặc sụa.
- Khó thở dữ dội.
- Tím tái mặt mũi như sắp chết ngạt.
Sau hội chứng xâm nhập:
- Người bệnh có thể chết do bị tắc đường thở.
- Người bệnh có thể trở lại bình thường sau 10-15 phút.
- Người bệnh vẫn bị dị vật mắc lại ở thanh quản,…
Dị vật thanh quản: Thường là dị vật sắc nhọn.
Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:
- Khó thở thanh quản: Nhịp thở chậm, khó thở thì thở vào, có tiếng rít thanh quản, co lõm các cơ hô hấp.
- Khàn tiếng hoặc mất tiếng (đối với trẻ nhỏ phải dựa vào tiếng khóc).
- Ho ông ổng.
Dị vật khí quản: Thường là những dị vật tròn nhẵn.
Sau hội chứng xâm nhập xuất hiện:
- Khó thở từng cơn.
- Nghe có dấu hiệu phất cờ bay.
Dị vật phế quản: dị vật nhỏ như mảnh lạc (đậu phộng)…
Sau hội chứng xâm nhập các triệu chứng tạm thời dịu vài ngày sau trẻ mới sốt, thở ậm ạch, ho sặc sụa, tím tái tái diễn nhiều lần, khó thở cả 2 thì, nghe phổi rì rào phế nang giảm một bên.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng dị vật đường thở ở trẻ nhỏ và tình trạng này có thể gặp phải ở bất cứ lúc nào, có thể do trẻ hoặc do người chăm sóc.
Những trường hợp dễ gây dị vật đường thở ở trẻ bao gồm:
- Trẻ bị sặc thức ăn như cơm, sữa, cháo,… khi bị ép ăn hoặc giật mình.
- Trẻ bị sặc do các loại thức uống hoặc đờm dãi, thường gặp khi trẻ bị viêm đường hô hấp tiết nhiều dịch nhưng chưa biết cách điều tiết.
- Trẻ bị dị vật đường thở do hít vào những vật nhỏ như các loại hạt, thuốc viên, kẹo viên,… hoặc những đồ chơi nhỏ, nắp bút, hòn bi,…
Dị vật đường thở có thể do sự vô ý của cha mẹ hoặc do sự tò mò từ trẻ lại gây nguy hiểm cho bản thân. Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu trẻ bị dị vật đường thở để kịp thời xử lý. Xử lý càng sớm, dị vật được loại bỏ càng nhanh thì nguy cơ biến chứng cho sức khỏe càng thấp.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng dễ gặp dị vật đường thở:
- Trẻ em, nhất là trẻ nam từ 1- 5 tuổi.
- Người già, đột quỵ não, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ.
- Bệnh nhân làm thủ thuật đường hô hấp trên: nhổ răng, cắt amidan, nạo VA.
Chẩn đoán
Lâm sàng
- Hội chứng xâm nhập
Hội chứng này có thể khai thác được ở 93% số bệnh nhân, còn 7% không khai thác được hội chứng xâm nhập là những trường hợp dị vật sống như con tắc te, bệnh nhân bị hôn mê, không có người chứng kiến mà trẻ còn nhỏ chưa tự kể được hoặc do người chứng kiến cố tình dấu diếm.
Hội chứng xâm nhập là do phản xạ co thắt chặt thanh quản ngăn không cho dị vật xuống dưới và phản xạ ho liên tiếp để tống dị vật ra ngoài. Trên lâm sàng biểu hiện bằng cơn ho sặc sụa, tím tái, vã mồ hôi, trợn mắt mũi, đôi khi đại tiểu tiện không tự chủ, cơn kéo dài khoảng 3 – 5 phút, sau đó có ba khả năng có thể xảy ra:
- Dị vật được tống ra ngoài nhờ phản xạ bảo vệ của thanh quản.
- Dị vật quá to chèn ép kín tiền đình thanh quản làm cho bệnh nhân ngạt thở, tử vong trước khi đến được bệnh viện.
- Dị vật mắc lại trên đường thở, ở thanh quản, khí quản hoặc phế quản.
Tùy theo vị trí dị vật mắc lại mà trên lâm sàng có các biểu hiện khác nhau.
- Triệu chứng toàn thân
- Khó thở: Trong giai đoạn đầu khi chưa có nhiễm khuẩn, các triệu chứng nổi trội là tình trạng khó thở. Nếu dị vật mắc lại ở thanh quản, bệnh nhân có khó thở thanh quản các mức độ khác nhau tùy theo kích thước của dị vật và thời gian dị vật mắc lại trên đường thở. Nếu kích thước dị vật to có thể gây ra khó thở thanh quản độ 2, 3, hoặc có thể bị ngạt thở, nếu dị vật nhỏ hơn có thể không gây ra khó thở hoặc khó thở thanh quản ở mức độ nhẹ.
- Cũng có thể gặp khó thở hỗn hợp cả hai thì do dị vật nằm ở khí quản đoạn thấp hoặc ở phế quản, bệnh nhân thường có các cơn ho và khó thở xảy ra khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Sốt: Thường gặp sau một vài ngày sau khi có nhiễm khuẩn do các dị vật ô nhiễm như các loại xương, thịt, hạt lạc, bã mía…
Triệu chứng cơ năng và thực thể
Tùy theo vị trí dị vật mắc lại mà trên lâm sàng thấy có các dấu hiệu khác nhau.
Dị vật ở thanh quản:
- Các vật mắc lại ở thanh quản thường là các vật dẹt, sắc nhọn, sù sì… như là vỏ trứng, đầu tôm, xương cá…
- Cơ năng: Thường gặp khàn tiếng, mất tiếng, mức độ nặng hoặc nhẹ tuỳ theo kích thước dị vật và thời gian dị vật mắc lại ở thanh quản.
- Khó thở thanh quản: Ở các mức độ khác nhau tùy theo kích thước dị vật và tuỳ theo thời gian dị vật mắc lại ở thanh quản. Nếu dị vật to có thể gây bít tắc gần hoàn toàn thanh quản làm cho bệnh nhân khó thở thanh quản nặng, có khi ngạt thở cấp.
- Ho: Thường gặp ho khan không có đờm, ho từng cơn dài do kích thích thanh quản càng làm cho thanh quản phù nề làm cho bệnh nhân khó thở ngày càng tăng.
- Thực thể: Chủ yếu là nghe phổi: nghe phổi có thể thấy hoàn toàn bình thường nhưng cũng có thể nghe thấy tiếng ran rít ở cả hai bên phổi, lan từ trên xuống, cũng có khi thấy rì rào phế nang giảm ở cả hai bên phổi.
Dị vật ở khí quản:
Thường gặp các vật tròn, nhẵn, trơn tru… kích thước khá to so với khẩu kính của khí phế quản bệnh nhân.
- Cơ năng: Hay xảy ra các cơn ho rũ rượi, sặc sụa tím tái do dị vật di động trong lòng khí quản, đôi khi di động lên thanh quản gây ra các cơn ho. Nếu dị vật di động bắn lên thanh quản và kẹt ở thanh môn làm cho bệnh nhân ngạt thở, nếu không được xử trí đúng, kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.
- Thực thể: Nghe phổi có thể thấy ran rít, ran ngáy cả hai bên phổi, dị vật to có thể thấy rì rào phế nang giảm cả hai bên phổi, nếu nghe thấy tiếng lật phật cờ bay là đặc hiệu dị vật ở khí quản.
Dị vật ở phế quản:
- Cơ năng: Khó thở hỗn hợp cả hai thì, thường chỉ gặp khi là dị vật to bít lấp phế quản gốc một bên, hay gặp ở phế quản phải nhiều hơn phế quản trái.
- Sốt: những ngày sau thường có hiện tượng viêm nhiễm gây ra các biến chứng ở phế quản, phổi nên hay có sốt, có thể gặp sốt vừa hoặc sốt cao, tuỳ theo mức độ viêm nhiễm ở phổi.
- Triệu chứng thực thể: Nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất một bên, có thể kèm theo ran rít, ran ngáy, cũng có thể có ran ẩm, ran nổ…
Gõ ngực: Tiếng đục khi có áp xe hoặc xẹp phổi một bên. Gõ trong, vang khi có tràn khí màng phổi.
Cận lâm sàng
- Các xét nghiệm máu ít có giá trị trong chẩn đoán dị vật, chỉ có thể cho biết tình trạng viêm nhiễm khi có tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
- Chụp X-quang cổ nghiêng hoặc phổi thẳng có thể cho phép chẩn đoán dị vật đường thở. Tuy nhiên, chỉ thấy hình ảnh dị vật trên phim X-quang nếu dị vật là kim loại, còn các loại khác ít khi có biểu hiện trên phim, chủ yếu là hình ảnh các biến chứng do dị vật gây ra như viêm phế quản, phế quản phế viêm, áp xe một bên hoặc một phân thuỳ phổi, xẹp một bên hoặc một phân thuỳ phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn dịch màng phổi.
Chẩn đoán xác định
- Trước tiên, hội chứng xâm nhập là dấu hiệu gợi ý.
- Hỏi bệnh và khám thực thể: Đánh giá tình trạng và kiểu khó thở cũng có thể hướng tới chẩn đoán và định khu được dị vật: nếu có khàn tiếng và khó thở thanh quản thì dị vật ở thanh quản. Nếu khó thở và ho từng cơn dữ dội, thường dị vật nằm ở khí quản….
- Nghe phổi cho biết được mức độ viêm nhiễm ở phổi và vị trí của dị vật:
Dị vật ở thanh quản sẽ thấy tiếng rít, ngáy lan từ trên xuống ở cả hai bên phổi, đôi khi thấy rì rào phế nang giảm ở cả hai phổi do tình trạng kém thông khí.
Dị vật ở khí quản: Nghe thấy tiếng rít ở cả hai phổi, nghe có tiếng lật phật cờ bay là điển hình dị vật ở khí quản.
Dị vật ở phế quản: Nghe thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất một bên. Cũng có thể nghe thấy ran ẩm, ran nổ nếu đã có tình trạng viêm nhiễm.
Nội soi thanh, khí, phế quản, nếu thấy dị vật ở đường thở là chẩn đoán xác định.
Chẩn đoán phân biệt
- Viêm phổi: Thường ho từng cơn, nghe phổi có ran ẩm, trên phim phổi có hình ảnh viêm nhiễm cả hai bên phổi.
- Áp xe phổi: Những viêm nhiễm khu trú ở một bên phổi thường hay gợi ý nghĩ đến dị vật đường thở. Chẩn đoán xác định dựa vào nội soi.
- Xẹp phổi: Các nguyên nhân gây xẹp phổi như khối u, viêm nhiễm. Cần phải chẩn đoán phân biệt bằng nội soi.
Phòng ngừa bệnh
Các phòng tránh dị vật đường thở
- Đối với trẻ em, không cho trẻ chơi, ăn hoặc ngậm các đồ vật tròn, nhẵn như thạch, đầu bút bi, viên bi, hạt,…
- Trong khi ăn, không chơi đùa, cười
- Đối với những người già, phản xạ nuốt, ho khạc kém, cần chú ý khi cho ăn, tránh sặc, tránh đồ ăn cứng, ăn từ từ, tăng dần.
- Sau khi bị hóc, sặc cần sơ cứu tại chỗ và đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Phải đảm bảo khai thông đường thở, lấy bỏ dị vật càng sớm càng tốt. Người bệnh cần đến bệnh viện, phòng khám tai mũi họng để được xử trí, cấp cứu kịp thời.
Xử trí trường hợp tối cấp
Trong trường hợp ngạt thở, nếu không xử trí ngay bệnh nhân sẽ tử vong.
- Trong cộng đồng: Cho bệnh nhân nằm dốc đầu, vỗ mạnh vào ngực bệnh nhân, kích thích cho bệnh nhân khóc, nếu dị vật tròn nhẵn sẽ rơi xuống họng hoặc vòm mũi họng, đưa ngón tay trỏ vào họng để kéo dị vật
- Có thể làm nghiệm pháp Heimlich: Khi bệnh nhân bị ngạt thở dùng hai bàn tay ép mạnh vào hai bên hạ sườn bệnh nhân 3 – 5 cái, nhằm tạo ra áp lực dương tính trong lồng ngực, hy vọng với áp lực này có thể đẩy được dị vật ra khỏi đường thở. Nhưng lưu ý chỉ làm nghiệm pháp này khi bệnh nhân đang bị ngạt thở, nếu không cấp cứu sẽ tử vong trong thời gian ngắn, thực hiện ngoài cơ sở y tế.
- Ở tuyến y tế không chuyên khoa: Nếu ngạt thở trong cơ sở y tế thì mở khí quản cấp cứu là tốt nhất, cũng có thể đặt nội khí quản hoặc chọc kim 13 qua màng giáp nhẫn, hoặc cũng có thể soi thanh quản bằng ống Macintosh gắp dị vật hoặc đẩy dị vật xuống dưới để khai thông đường thở càng sớm càng tốt.
Điều trị cấp cứu
Khi bệnh nhân có khó thở:
- Khó thở thanh quản độ II trở lên phải mở khí quản cấp cứu.
Dị vật ở thanh quản hoặc khí quản: Mở khí quản cấp cứu trước khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
- Dị vật ở phế quản gây suy hô hấp cấp: Cho thở oxy qua masque, có thể bóp bóng hỗ trợ nếu có rối loạn nhịp thở.
Soi gắp dị vật
Trong mọi trường hợp dị vật đường thở cần phải soi gắp sớm, ít gây nguy hiểm và tai biến khi chưa có các biến chứng như áp xe phổi, xẹp phổi và viêm phổi… Người bệnh nên gặp các bác sĩ Tai Mũi Họng giỏi để tiến hành gắp dị vật đường thở được an toàn nhất.
Trong nhiều trường hợp, sau khi soi gắp dị vật cần tiến hành soi hút mủ hoặc soi rửa phế quản, bơm thuốc kháng sinh, giảm viêm vào phế quản.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về dị vật đường thở và cách phòng tránh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.