Viêm chân răng là một căn bệnh nha khoa nguy hiểm, có thể gây ra mất răng hàng loạt nếu không được điều trị kịp thời và chính xác. Những dấu hiệu của viêm chân răng là gì? Và cách chữa trị bệnh này ra sao? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về viêm chân răng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm chân răng là một bệnh lý phổ biến, liên quan đến các tổ chức xung quanh răng, gây ra tình trạng viêm nhiễm và sưng tấy. Tình trạng này theo thời gian nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến cho răng bị lung lay, nặng hơn là bị rụng hàng loạt. Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này, kể cả là trẻ nhỏ trong độ 1-2 tuổi.
Viêm chân răng thường được chia ra làm 2 loại như sau:
- Viêm chân răng cấp tính: Đây là tình trạng bệnh có diễn biến vô cùng phức tạp, bởi các cơn đau thường chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định. Thời gian đau nhức sẽ phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ ở mỗi người nhưng vì bệnh không rõ nên rất khó nhận biết.
- Viêm chân răng mạn tính: Đây là tình trạng mà người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau liên tục và lặp đi lặp lại. Các cơn đau có thể lan rộng ra cả những khu vực lân cận nên rất khó để xác định chính xác vị trí viêm.
Triệu chứng viêm chân răng
Người bị viêm chân răng thường gặp các dấu hiệu bệnh như:
- Cao răng lộ ra ở phần cổ răng.
- Nướu bị sưng viêm.
- Xuất hiện túi mủ dưới chân răng.
- Chảy máu chân răng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa.
- Răng đau dữ dội và dai dẳng.
- Hơi thở có mùi hôi.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây viêm chân răng:
- Do vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến thức ăn thừa hình thành mảng bám, trở thành nơi vi khuẩn trú ngụ sinh bệnh.
- Do một số bệnh lý răng miệng như viêm nha chu, viêm tủy răng.
- Thói quen ăn đồ ngọt, đồ có tính axit khiến lớp men răng bị phá hủy, dễ dẫn đến sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc viêm chân răng cao hơn những người khác, đó là:
- Người có thói quen hút thuốc lâu năm.
- Người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp…
- Những người vệ sinh răng miệng kém.
- Người có gia đình có người bị bệnh.
- Thường xuyên căng thẳng, lo âu.
- Răng mọc lộn xộn, khấp khểnh.
- Mắc các bệnh gây rối loạn và suy giảm miễn dịch.
- Dùng thuốc điều trị có tác dụng phụ gây giảm tiết nước bọt gây khô miệng.
- Do trám răng bằng vật liệu kém chất lượng, lỗi.
- Thay đổi nội tiết tố do dùng thuốc tránh thai, phụ nữ đang mang thai.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng viêm chân răng, ban đầu bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá lâm sàng thông qua kiểm tra trực tiếp kết hợp với đo độ sâu túi lợi. Thông thường như vậy là đủ để đánh giá bệnh, trường hợp túi lợi sâu hơn 4mm thì được xác định là viêm quanh răng.
Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định chụp X-quang nha khoa. Hình ảnh khi chụp X-quang có thấy tình trạng tiêu xương ổ răng cạnh túi nha chu.
Phòng ngừa bệnh
Chăm sóc răng miệng khoa học có hiệu quả đáng kể trong việc phòng ngừa viêm chân răng và các bệnh lý răng miệng khác:
- Chải răng đều đặn, ít nhất 2 lần mỗi ngày vào các thời điểm sau khi ngủ dậy, trước khi đi ngủ để loại bỏ thức ăn thừa trong khoang miệng.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch phần kẽ răng, giúp ngăn ngừa mảng bám hình thành và gây viêm nhiễm.
- Súc miệng sau khi chải răng để làm sạch khoang miệng, có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng chuyên dụng để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng.
- Lấy cao răng thường xuyên để loại bỏ mảng bám có hại bao quanh răng.
- Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều đường hoặc có tính axit cao
- Nên bổ sung thêm canxi, vitamin từ các loại thực phẩm thiên nhiên như rau xanh, trứng, đậu,…
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để bác sĩ xử trí kịp thời và ngăn ngừa biến chứng.
Điều trị như thế nào?
Phần lớn trường hợp, nếu tình trạng viêm nha chu mới phát sinh hoặc chưa trở nặng, hướng điều trị thường là những phương pháp đơn giản như:
- Cạo vôi răng: loại bỏ mảng bám cũng như vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng và dưới nướu răng.
- Chà chân răng: làm nhẵn bề mặt chân răng với mục đích ngăn chặn vôi răng và vi khuẩn bám trở lại.
- Uống thuốc kháng sinh: có thể giúp kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn. Người bệnh cần đặc biệt tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liệu lượng cũng như thời gian dùng thuốc để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Điều trị tại nhà: một số phương pháp dân gian có thể giúp cải thiện tình trạng viêm chân răng với những nguyên liệu dễ kiếm ngay tại nhà.
5 mẹo chữa viêm chân răng tại nhà
- Nước muối: pha một chút muối với nước ấm và súc miệng 3 lần/ ngày. Tính sát khuẩn của muối có tác dụng giảm sưng và sát khuẩn khi bị viêm chân răng.
- Gừng tươi: thái sợi gừng tươi và đun với nước sôi trong vòng 15-20 phút và súc miệng hàng ngày. Tính cay, nóng của gừng giúp tiêu viêm và giảm sưng, đau rất hiệu quả. Uống nước với gừng tươi hoặc phơi khô 3 lần/ ngày cũng đem lại kết quả tốt, lưu ý không nên uống quá nhiều.
- Tỏi: nghiền nát tỏi và trộn với một chút muối, dùng hỗn hợp này thoa lên phần nướu bị viêm sưng 3 lần/ ngày. Để tỏi tiết ra tinh chất kháng viêm nhiều nhất, hãy pha thêm với chút giấm ăn.
- Mật ong: sau khi đánh răng, hãy sử dụng một ít mật ong thoa thật nhẹ nhàng lên phần chân răng bị viêm. Mật ong có tính kháng khuẩn, trị viêm rất tốt, áp dụng cách này mỗi ngày có thể điều trị và ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
- Chanh muối: vắt nước chanh lấy cốt rồi thêm một chút muối, sử dụng hỗn hợp này thoa vào chân răng, để một vài phút rồi súc miệng lại bằng nước. Lưu ý không thoa vào răng do tính axit của chanh có thể mài mòn men răng gây ê buốt.
Nếu tình trạng viêm nhiễm trở nặng hoặc các giải pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi, người bệnh sẽ cần thực hiện phẫu thuật nha khoa. Các loại phẫu thuật dành cho vấn đề viêm chân răng thường là:
- Ghép mô mềm hoặc men răng
- Ứng dụng men răng tái sinh
- Phẫu thuật giảm túi (phẫu thuật Flap)
- Tái tạo mô
Trên đây là những chia sẻ về viêm chân răng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.