Bệnh cúm không chỉ là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trên thế giới mà còn là nguyên nhân của nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bài viết này nhằm cung cấp một cái nhìn sâu sắc về các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cúm, từ đó giúp bạn nhận biết và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, từ việc tăng cường hệ miễn dịch, tiêm vaccine cúm, đến việc duy trì một lối sống lành mạnh.
Bệnh cúm là gì?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus) với các biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm.
Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.
Nguyên nhân bệnh cúm
Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Virus cúm tồn tại trong không khí và có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
Yếu tố nguy cơ bệnh ra bệnh cúm
Cúm có thể gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ tuổi tác đến điều kiện sống
- Tuổi tác: Trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh cúm.
- Điều kiện sống và làm việc: Những người sống hoặc làm việc ở nơi đông người như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp có nhiều khả năng bị cúm.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người đang điều trị các bệnh như ung thư, có HIV/AIDS, hoặc sử dụng thuốc corticosteroid có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc cúm hơn.
- Mắc bệnh mãn tính: Bệnh nhân hen suyễn, tiểu đường, hoặc các vấn đề về tim có nguy cơ cao phát triển biến chứng từ cúm.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ trong 6 tháng sau của thai kỳ có nhiều khả năng phát triển các biến chứng cúm.
- Béo phì: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 40 có nguy cơ cao hơn do bệnh cúm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Bệnh cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường
- Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến ở những người nhiễm cúm là ho và hắt xì. Tuy nhiên, khi hắt xì và ho, người bệnh sẽ tạo điều kiện cho virus trong cơ thể bắn ra ngoài theo tuyến nước bọt và phát tán rộng trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Lây qua bề mặt tiếp xúc: Khi bệnh nhân ho hoặc hắt xì sẽ khiến cho các dịch tiết bắn ra ngoài và bám lên các đồ vật. Nếu bạn chạm phải đồ vật đó và vô tình đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng thì nguy cơ cao virus sẽ xâm nhập và tấn công cơ thể.
Cách giảm nguy cơ mắc bệnh cúm
- Tiêm phòng vaccine: Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Do virus cúm biến đổi liên tục nên mỗi năm đều có loại vaccine chủng ngừa mới được sản xuất dựa theo nghiên cứu từ các nhà khoa học về khả năng gây bệnh của virus.
- Duy trì vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên với xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi và vệ sinh mũi họng bằng nước muối là những biện pháp cơ bản để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
- Thói quen sống lành mạnh: Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và cân bằng, cùng với việc luyện tập thể dục thường xuyên, sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần với những người mắc cúm hoặc có triệu chứng của bệnh, đặc biệt trong mùa cúm.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc: Không tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Khi có triệu chứng của cúm như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, và mệt mỏi, cần đến cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.