Viêm xoang là một tình trạng viêm nhiễm phổ biến, ảnh hưởng đến các xoang, những hốc rỗng chứa đầy không khí nằm phía sau xương gò má và trán. Tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ngày càng gia tăng do môi trường ô nhiễm và thời tiết thay đổi thất thường. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm xoang có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và trở thành một căn bệnh mãn tính. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về viêm xoang, các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Viêm xoang (viêm các xoang) là những hốc rỗng, chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán. Viêm xoang có 4 loại: xoang trán, xoang sàng, xoang bướm, và xoang hàm trên. Tất cả các xoang này được lót bởi niêm mạc (mô mềm). Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Đây được xem môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, từ đó tiến triển thành nhiễm trùng.
Phân loại dựa trên mức độ bệnh
- Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính xảy ra do nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng giống như cảm lạnh (đau đầu, chảy nước mũi/ nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má…). Viêm xoang cấp có hai loại: viêm mũi xoang do vi khuẩn và và viêm mũi xoang do virus cấp tính. Phổ biến hơn là viêm mũi họng do virus. Bệnh thường hết trong vòng 1 – 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp
Nếu các triệu chứng trên kéo dài 4 – 12 tuần, bạn có thể đã bước sang giai đoạn viêm xoang bán cấp. So với viêm xoang cấp tính, các triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn nhưng được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.
- Viêm xoang mạn tính
Tình trạng viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần, đồng nghĩa với việc người bệnh đã chuyển sang viêm xoang mãn tính (viêm xoang mạn). Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, nhưng chủ yếu đến từ polyp mũi (các khối u có cuống mềm hình thành ở niêm mạc) và vách ngăn mũi bị lệch.
Tình trạng dị ứng với một số loại nấm, hoặc nhiễm nấm xoang cũng được xem là nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính. Viêm xoang mạn được chia thành 3 loại: viêm mũi họng mãn tính không có polyp, viêm mũi họng mãn tính có polyp và viêm mũi dị ứng do nấm. Thường gặp nhất là viêm mũi họng mãn tính không có polyp. Các triệu chứng cũng tương tự như viêm xoang cấp tính.
- Viêm xoang tái phát
Là tình trạng người bệnh trải qua các đợt viêm xoang cấp tính lại nhiều lần trong vòng một năm. Bệnh thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn.
Triệu chứng
Một số triệu chứng của viêm xoang là:
- Đau ở xoang: triệu chứng đặc thù của viêm xoang, cơn đau có khi chỉ thoáng qua. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt.
- Chảy nước mũi: dấu hiệu viêm xoang mũi với chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi. Có khi chất chảy xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng khiến ho, nhất là lúc nằm ngủ, giọng khàn.
- Nghẹt mũi: nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường mũi thở dẫn đến nghẹt mũi, khứu giác kém nhạy cảm hơn.
- Đau đầu: vào sáng sớm do chất lỏng đã tích tụ, cơn đau đầu nặng hơn khi đi máy bay làm thay đổi áp suất đột ngột. Họng bị kích ứng và gây ho do dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ngoài những dấu hiệu trên, người bệnh còn gặp các triệu chứng như: sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, các nguyên nhân có thể phân loại thành các nhóm sau:
- Viêm nhiễm
- Do vi khuẩn: nhiễm khuẩn vùng mũi họng là nguyên nhân hay gặp nhất, bệnh nhân trước đó gặp tình trạng viêm họng, viêm amidan, viêm V.A ở trẻ em hay viêm mũi. Ngoài ra các bệnh lý viêm lợi, sâu răng,… đều có thể gây viêm xoang hàm.
- Do virus: rất hay gặp.
- Dị ứng: người bệnh có cơ địa dị ứng mũi xoang dễ đưa tới viêm xoang mạn tính.
- Chấn thương gây vỡ xoang, tụ máu trong xoang, phù nề niêm mạc xoang từ đó gây viêm xoang.
- Nguyên nhân cơ học: người bệnh có dị hình ở vách ngăn, khe giữa; có các khối u trong hốc xoang, hốc mũi hoặc nhét bấc mũi lâu ngày.
- Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản do dịch vị acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản gây ra viêm nhiễm vùng mũi họng, trong đó có viêm xoang.
Đối tượng nguy cơ
Người có vách ngăn mũi lệch, hệ miễn dịch yếu, cơ địa dị ứng, polyp mũi, hen suyễn, nhiễm trùng răng nướu, môi trường ô nhiễm như khói thuốc lá, khói bụi…
Chẩn đoán
Nội soi tai mũi họng là phương pháp sử dụng thường xuyên để chẩn đoán viêm xoang. Khi soi sẽ thấy dịch vàng xanh chảy ra từ các khe mũi xoang, niêm mạc xung quanh các khe đó phù nề, viêm đỏ, xuất tiết.
Trong một vài trường hợp khó chẩn đoán hoặc cần phải khảo sát trước khi phẫu thuật, chụp cắt lớp vi tính được chỉ định. Trên phim cắt lớp sẽ thấy được dịch trong các hốc xoang mà bình thường hốc xoang chỉ có khí, hay hình ảnh phù nề của niêm mạc khe mũi xoang. Chụp cắt lớp vi tính còn có ưu điểm phát hiện được bất thường giải phẫu vùng mũi xoang cũng là nhóm nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm xoang.
Phòng ngừa bệnh
Đối với người lớn
- Chú ý đến việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể.
- Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm giúp hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp.
- Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Thêm độ ẩm vào không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Lưu ý, vệ sinh thường xuyên máy để duy trì tình trạng máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
Đối với trẻ em
- Vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng bằng dung dịch nước muối (dạng xịt hoặc nhỏ)
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô.
- Tránh tối đa việc trẻ hít phải khói thuốc hay các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi/ lặn quá lâu ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước.
- Tuân thủ việc tiêm chủng cho trẻ đúng lịch, đặc biệt là tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế cầu…).
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đưa trẻ đi khám và điều trị đúng cách tại các chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.
Điều trị như thế nào?
Khi bệnh viêm xoang cấp tính không được điều trị triệt để sẽ trở thành viêm xoang mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Và các yếu tố dị ứng nếu vẫn tồn tại trong môi trường sống của người bệnh thì bệnh lý viêm xoang cũng rất khó kiểm soát.
Điều trị nội khoa
Sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm, chống dị ứng, và thuốc co mạch theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết, có thể rửa xoang và bơm thuốc tại các cơ sở y tế uy tín.
Phẫu thuật chữa viêm xoang
Được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Điều trị nội khoa không hiệu quả, kéo dài viêm xoang dai dẳng nhiều năm.
- Viêm xoang đã có các biến chứng như viêm ổ mắt, chèn vào dây thần kinh thị giác.
- Có các bất thường về giải phẫu vùng mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp quá to thì phải phẫu thuật để giải quyết căn nguyên.
Kết luận
Viêm xoang là một bệnh lý phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân, và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả căn bệnh này. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của mình và thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc và phòng ngừa tốt không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp bạn tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.