Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do một số nguyên nhân điển như: sự xâm nhập của vi sinh vật, khối u, tắc nghẽn chất thải,… dẫn đến xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội và lan dần ra các vị trí xung quanh. Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở mọi lứa tuổi. Viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thường diễn biến đến viêm phúc mạc và có thể dẫn đến tử vong.
Các biện pháp chẩn đoán phát hiện viêm ruột thừa?
Chẩn đoán viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng thông thường khá khó khăn và khó chính xác. Viêm ruột thừa thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác về dạ dày, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm túi mật, viêm tụy cấp, rối loạn tiêu hoá , viêm túi thừa, viêm thùy dưới phổi phải, các bệnh lý buồng trứng ở nữ giới…
Chẩn đoán viêm ruột thừa thường được dựa vào các triệu chứng như: đau bụng vùng hố chậu phải, sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng, ấn vào vùng thành hố chậu phải có phản ứng đau.
Các phương pháp cận lâm sàng thường được sử dụng để thăm khám với bệnh nhân:
- Xét nghiệm máu: đếm số lượng bạch cầu và định lượng CRP. Nếu số lượng bạch cầu tăng cao là dấu hiệu của bị viêm và CRP tăng là dấu hiệu nhiễm trùng.
- Chụp X quang bụng: phương pháp này thường ít chính xác.
- Chụp chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định chính xác tình trạng viêm ruột thừa hoặc phát hiện các nguyên nhân gây đau khác trong ổ bụng: chi phí thường đắt đỏ
- Siêu âm: phương pháp cận lâm sàng rẻ tiền, không độc hại và dễ phát hiện nhất khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa. Khi thấy ruột thừa tăng kích thước hay có hiện tượng nhiễm mỡ – dịch quanh ruột thừa.
- Xét nghiệm phân tích nước tiểu
Việc lựa chọn các biện pháp sử dụng còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh cũng như bác sĩ. Vì thế, mỗi triệu chứng của bệnh nhân bác sĩ sẽ chọn các phương pháp nào là phù hợp nhất với người bệnh.
Các biện pháp điều trị?
Điều trị viêm ruột thừa đầu tiên, với các triệu chứng nhẹ, mới chớm người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt trước để giảm thiểu tình trạng:
- Duy trì chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và hạn chế thực phẩm gây kích thích để hỗ trợ chức năng tiêu hóa.
- Thực hiện tập thể dục đều đặn để duy trì sức khỏe toàn diện và cải thiện hệ tiêu hóa.
- Kiểm soát stress, vì stress có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Hầu hết các trường hợp bị viêm ruột thừa cấp cần được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Người bệnh cũng sẽ được điều trị thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng.
- Điều trị không phẫu thuật
Các trường hợp viêm ruột thừa cấp không kèm biến chứng có thể điều trị kháng sinh. Tỷ lệ thành công của điều trị kháng sinh đối với viêm ruột thừa không biến chứng là 90% (gặp trong những trường hợp viêm ruột thừa do vi khuẩn, người bệnh giai đoạn đầu), 10% không đáp ứng và có biến chứng phải can thiệp phẫu thuật. Khoảng 30% sẽ tái phát 1 năm sau đó.
- Điều trị phẫu thuật
Để điều trị viêm ruột thừa cấp thì phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa vẫn là phương pháp được ưu tiên. Gồm có phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi vẫn là lựa chọn ưu tiên vì thời gian hồi phục nhanh hơn, ít đau hơn, vết mổ nhỏ và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu ruột thừa ở vị trí bất thường hay viêm ruột thừa cấp biến chứng không thể phẫu thuật nội soi thì sẽ phẫu thuật mổ mở.
Sau phẫu thuật ruột thừa, tỷ lệ biến chứng khoảng 4-15% tùy thuộc vào bệnh lý đi kèm của người bệnh, phương pháp phẫu thuật, chăm sóc sau phẫu thuật,… Các biến chứng hậu phẫu có thể gặp phải như: nhiễm trùng vết mổ, mủ tích tụ ở ruột thừa, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch,…
Viêm ruột thừa nguy hiểm như thế nào?
Ruột thừa bị viêm sẽ thường vỡ mủ sau 24 – 48 giờ. Một số trường hợp ruột thừa có thể bị vỡ mủ , khiến bệnh nhân sốt cao liên tục có thể dẫn đến viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết . Khi xác định được chính xác bệnh lý viêm ruột thừa, người bệnh sẽ được chỉ định mổ để cắt bỏ đoạn ruột thừa bị viêm nhiễm. Nếu chậm trễ sẽ dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm:
Ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc: khi ruột thừa bị vỡ, các vi khuẩn sẽ tràn ra khắp bụng và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Cần được phẫu thuật loại bỏ ruột thừa và làm sạch bụng ngay lập tức.
Áp-xe ổ bụng: Khi ruột thừa để lâu hoặc điều trị không đúng cách và bị vỡ, các cơ quan trong ổ bụng sẽ đến bao bọc lại ổ mủ cùng các vùng bị viêm tạo thành ổ áp xe. Ưu tiên chữa trị trong trường hợp này là chọc dẫn lưu thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài phối hợp với điều trị kháng sinh theo phác đồ. Khi ổ nhiễm trùng được kiểm soát ổn định sẽ tiến hành cắt bỏ ruột thừa.
Nhiễm khuẩn huyết – biến chứng cực kỳ nguy hiểm do bệnh viêm ruột thừa: Viêm phúc mạc nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử ruột và nhiễm trùng huyết. Nhiễm khuẩn huyết nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng dẫn đến suy gan, thận và các cơ quan nội tạng khác dễ dẫn tới tử vong.
Bệnh viêm ruột thừa có rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm. Do đó khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có can thiệp kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.