Viêm tổ chức hốc mắt là tình trạng phần mô mềm trong hốc mắt bị viêm do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh có thể bắt gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn và nếu không điều trị đúng cách, kịp thời bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đe dọa tới thị lực cũng như các vấn đề về sức khỏe khác. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Viêm tổ chức hốc mắt là viêm của phần mô mềm trong hốc mắt. Bệnh viêm tổ chức hốc mắt gặp ở cả trẻ em và người lớn.
- Ở trẻ em thường gặp sau các bệnh lý chắp, lẹo hoặc phối hợp cùng các bệnh lý khác như viêm đường hô hấp trên và viêm xoang.
- Ở người lớn hay gặp ở những người đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch hay do dị vật nằm trong hốc mắt.
Bệnh viêm tổ chức hốc mắt nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng huyết với tỷ lệ tử vong cao
- Viêm dây thần kinh thị giác gây suy giảm thị lực
- Áp xe hốc mắt
- Viêm màng não
Viêm tổ chức hốc mắt có thể được chia thành:
- Viêm phần trước vách (preseptal): dấu hiệu bệnh như sưng, nóng, đỏ, đau trong hốc mắt. Tuy nhiên khi bị viêm trước vách thì thị lực và vận nhãn vẫn bình thường, viêm không lan đến xương hốc mắt.
- Viêm tổ chức trong hốc mắt sau vách (post septal): ngoài triệu chứng sưng đỏ và đau mắt ra, người bệnh còn bị suy giảm thị lực và viêm có thể lan vào màng xương và xương hốc mắt.
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm tổ chức hốc mắt có thể bao gồm:
- Các cơn đau đột ngột ở mắt, đau quanh hốc mắt. Đặc biệt đau khi vận động nhãn cầu, làm việc nặng nhọc, cúi người, liếc mắt, đau đầu, mệt mỏi, sốt…
- Phù mi mắt, sưng mi mắt, kèm đỏ mí mắt.
- Phù kết mạc và sung huyết kết mạc.
- Lồi mắt: quan sát thấy mắt lồi ra ngoài, thay đổi đáng kể so với lúc mắt bình thường, lồi mắt có thể lồi thẳng trục hoặc không thẳng trục.
- Song thị: nhìn một vật thành hai vật.
- Sụp mi: mi mắt trên bị sụp xuống gây ảnh hưởng tầm nhìn, mất thẩm mỹ.
- Hạn chế vận nhãn hoặc liệt vận nhãn: có thể do một vài cơ hoặc toàn bộ cơ vận nhãn bị ảnh hưởng.
- Giảm thị lực nhiều mức độ khác nhau, nếu viêm gần đỉnh hốc mắt có thể có giảm thị lực trầm trọng.
- Có thể biến chứng viêm hắc mạc hoặc viêm thị thần kinh.
- Có thể tăng nhãn áp do tổ chức viêm chèn ép.
Bên cạnh đó việc chụp XQ, chụp CT, siêu âm hay các xét nghiệm cần thiết khác cũng sẽ giúp bác sĩ phát hiện được bệnh lý.
Nguyên nhân
Viêm tổ chức hốc mắt hay viêm mô mềm hốc mắt thường do những tình trạng sau:
- Viêm xoang cạnh mũi (nhất là dạng viêm xoang sàng), viêm răng lan sang hốc mắt hoặc bị viêm hốc mắt khu trú (như viêm túi lệ, viêm tuyến lệ, lẹo nhiễm trùng, viêm toàn nhãn);
- Viêm tổ chức hốc mắt là do chấn thương vì dị vật, gãy xương hốc mắt thường gặp ở bệnh nhân làm các công việc như thợ hàn xì, công nhân công trường xây dựng, bảo hộ lao động kém,…;
- Di chứng phẫu thuật hốc mắt, nhãn cầu, xoang cạnh mũi hoặc viêm nội nhãn;
- Do nhiễm khuẩn xoang, nhiễm trùng máu toàn thân, viêm ở mặt lan qua tĩnh mạch,…;
- Người bệnh dùng thuốc không theo chỉ định, dùng corticoid trong thời gian dài làm ức chế hệ miễn dịch, kháng thuốc kháng sinh.Một số tác nhân dẫn tới viêm tổ chức hốc mắt đó là:
- Do virus: phổ biến hơn cả là virus herpes.
- Do vi khuẩn: hay gặp nhất là loại vi khuẩn gram âm như phế cầu khuẩn, tụ cầu vàng, liên cầu tan huyết nhóm B, liên cầu khuẩn, vi khuẩn kỵ khí và những loại khác. Trẻ em hay bị nhiễm H.influenzae (ít xảy ra ở những trẻ đã tiêm ngừa loại này), còn người lớn hay bị nhiễm liên cầu, tụ cầu, Bacteroides. Đối với những trường hợp bị áp xe răng thì là hỗn hợp vi khuẩn kỵ khí và ưa khí, nếu bị chấn thương thường là trực khuẩn gram âm;
- Do nấm và ký sinh trùng: nấm men và 2 loại nấm sợi (aspergillus, fusarium) và nguyên do khiến chúng xâm nhập vào cơ thể người bệnh là do vệ sinh môi trường không đảm bảo, dùng corticosteroid kéo dài, dùng kháng sinh không theo phác đồ điều trị.
Đối tượng nguy cơ
Khi cơ thể bị yếu, hệ miễn dịch suy giảm, chấn thương,… là một điều kiện thuận lợi để các tác nhân này xâm nhập vào mắt. Cụ thể, các đối tượng có nguy cơ cao là:
- Trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm xoang.
- Bệnh nhân bị đái tháo đường, hệ miễn dịch suy giảm.
- Người dùng thuốc corticoid kéo dài gây ức chế miễn dịch, sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn gây nên kháng thuốc,…
- Công nhân xây dựng, thợ hàn xì,…
- Người phẫu thuật mắt như phẫu thuật cắt mí, phẫu thuật lác,…
- Có thể gặp sau viêm nội nhãn sau phẫu thuật.
Chẩn đoán
Ngoài những biểu hiện thực thể trên lâm sàng, bác sĩ cũng cần vận dụng một số kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng để phát hiện viêm tổ chức hốc mắt:
- Xét nghiệm: xét nghiệm công thức máu giúp cho ra kết quả tăng lượng bạch cầu đa nhân trung tính đối với phản ứng viêm, tăng chỉ số CRP nếu có nhiễm khuẩn và cấy máu nếu muốn xác định người bệnh có bị nhiễm trùng máu hay không;
- Siêu âm: viêm tổ chức hốc mắt sẽ làm xuất hiện hình ảnh viền dịch xung quanh nhãn cầu;
- Chụp CT xoang cạnh mũi và vùng hốc mắt để chẩn đoán áp xe hốc mắt, xác định vị trí dị vật, huyết khối xoang hang hoặc tiến triển trong nội sọ;
- Thăm dò vết thương: lấy bệnh phẩm ở mủ ổ áp xe hoặc hốc mắt để soi trực tiếp, soi tươi và nuôi cấy vi khuẩn phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác:
- Chụp CT giúp phân biệt viêm tổ chức hốc mắt với những trường hợp khiến mắt bị lồi như bệnh Basedow, viêm tuyến lệ nhưng không làm đau mắt như vận nhãn, lồi mắt do viêm giả u;
- Siêu âm có tác dụng giúp phát hiện ổ canxi trong khối u nội nhãn;
- Phân biệt với bệnh sarcoidose: một dạng bệnh phát triển toàn thân có thể gây ảnh hưởng tới hốc mắt. Trong trường hợp này nên xét nghiệm miễn dịch và chụp X-quang phổi.
Phòng ngừa bệnh
Khi bị các bệnh về mắt, cần điều trị triệt để cho bệnh nhân:
- Điều trị những viêm nhiễm của mi, viêm giác mạc, hay các bệnh viêm phần trước vách phòng khác có thể lan vào tổ chức hốc mắt.
- Điều trị cho bệnh nhân chấn thương mắt triệt để, lấy hết dị vật, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, corticoid chống viêm,…
- Ngoài ra, cần phòng các bệnh có nguy cơ cao gây viêm tổ chức hốc mắt như đã nói ở phần các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, khi có viêm tổ chức hốc mắt cần bắt buộc điều trị phòng biến chứng cho bệnh nhân.
- Mỗi người dân khi làm việc có tỷ lệ mắc tai nạn lao động cao cần chú ý, mang đồ bảo hộ lao động khi làm việc, đặc biệt là đồ bảo hộ cho mắt.
Điều trị như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá, yêu cầu người bệnh làm các xét nghiệm để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng mắt.
Viêm tổ chức hốc mắt có thể được điều trị bằng cách:
- Sử dụng kháng sinh, chống viêm
- Điều trị cùng với các bệnh lý khác như viêm xoang, viêm đường hô hấp, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch.
- Nếu do có dị vật trong hốc mắt phải lấy hết dị vật.
Hi vọng với chia sẻ của bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm tổ chức hốc mắt.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.