U não thứ phát chiếm khoảng 50 – 80% tổng số ca u não, xuất hiện phổ biến hơn ở người già từ 70 tuổi trở lên. Bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Các bạn tham khảo thông tin về u não thứ phát qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
U não thứ phát là gì?
U não thứ phát là khối u xuất hiện ở não bộ nhưng được hình thành do quá trình di căn của tế bào ung thư từ cơ quan khác trong cơ thể đi đến não. Một người bệnh có thể có một hoặc nhiều khối u não thứ phát. Ngay sau khi tế bào ung thư di căn và phát triển ở não, chúng có thể gây ra áp lực làm thay đổi chức năng của các mô não. Khi khối u phát triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu dữ dội, rối loạn tính cách, co giật, mất trí nhớ…
Các loại u não thứ phát phổ biến
Theo các nghiên cứu, u não thứ phát có thể xuất phát từ nhiều loại ung thư khác nhau trong cơ thể nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là một số loại u não thứ phát có nguồn gốc từ các bộ phận khác thường gặp:
Ung thư phổi di căn não:
Theo thống kê, khoảng 50% trường hợp u não thứ phát bắt nguồn từ sự di căn của tế bào ung thư phổi. Trước kia, tình trạng ung thư phổi di căn đến não có tiên lượng không khả quan với tỷ lệ tử vong cao. Ngày nay, các phương pháp điều trị tiên tiến như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, xạ phẫu giúp người bệnh u não thứ phát do ung thư phổi di căn được điều trị hiệu quả cao hơn.
Ung thư vú di căn não:
Theo thống kê, khoảng 14 – 20% trường hợp u não thứ phát bắt nguồn từ ung thư vú di căn lên não. Trong đó, tỷ lệ tế bào ung thư vú di căn đến bán cầu đại não cao hơn nhiều so với tiểu não và thân não.
Ước tính khoảng từ 5 – 16% người bệnh ung thư vú gặp phải tình trạng tế bào ung thư di căn đến não. Khi xuất hiện tình trạng này, bệnh ung thư vú thường đã bước vào giai đoạn cuối và người bệnh có nguy cơ tử vong cao. Phụ nữ mắc bệnh ung thư vú trong thời kỳ tiền mãn kinh có nguy cơ hình thành khối u não thứ phát cao hơn.
Ung thư hắc tố di căn não:
Đây là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao nếu tế bào ung thư di căn sâu vào bên trong da hoặc sang các bộ phận khác, đặc biệt là não bộ. Thông thường, ung thư hắc tố có thể gây di căn đến não ngay từ giai đoạn đầu của bệnh. Các tế bào ung thư hắc tố có thể vượt qua hàng rào máu não (lớp tế bào nội mô đóng vai trò bảo vệ não bộ) để di căn vào não.
Theo các chuyên gia, tế bào ung thư hắc tố có thể ức chế quyền điều khiển của một nhóm tế bào thần kinh đệm hình sao (ở não và tủy sống) để gây ra chứng viêm. Từ đó chúng thẩm thấu qua hàng rào máu não để đến não bộ.
Bên cạnh ba loại u não thứ phát kể trên, các tế bào ung thư khác cũng tiềm ẩn nguy cơ di căn lên não cao, ví dụ như ung thư thận, đại tràng…
Triệu chứng
Một số triệu chứng u não thứ phát là:
- Đau đầu: Khi khối u di căn phát triển lớn trong não làm gia tăng áp lực nội sọ khiến cho người bệnh thường xuyên bị đau đầu ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Bên cạnh đó, hiện tượng rò rỉ chất lỏng từ khối u não thứ phát cũng có thể gây ra tình trạng đau đầu dữ dội.
- Động kinh: Người bệnh thường bị động kinh do khối u di căn não cản trở hoạt động điện não bình thường.
- Yếu liệt cơ thể: U não có thể chèn ép và làm tổn thương vùng não điều khiển hoạt động của cơ thể. Tùy vào vị trí và số lượng khối u di căn đến não mà người bệnh có thể gặp phải tình trạng yếu liệt một bên hoặc toàn bộ cơ thể.
- Rối loạn nhận thức: Tình trạng khối u di căn não có thể làm tổn thương vùng não điều khiển ý thức, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin.
- Rối loạn tính cách: U não thứ phát có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng não mang chức năng điều khiển cảm xúc khiến người bệnh có nhiều thay đổi trong cách ứng xử và tâm trạng một cách đột ngột.
- Triệu chứng khác: Khối u não thứ phát có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe, nhìn, ăn uống khiến người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân
Quá trình di căn của tế bào ung thư từ nơi khác đến não chính là nguyên nhân hình thành khối u não thứ phát. Cụ thể, các tế bào ung thư từ cơ quan bất kỳ trong cơ thể có hiện tượng tách khỏi vị trí ban đầu và di chuyển theo dòng máu hoặc hệ bạch huyết đến não tạo ra một/nhiều khối u não thứ phát. Hầu hết khối u ác tính đều có nguy cơ di căn lên não. Trong đó, nguy cơ này gia tăng đáng kể ở người mắc bệnh ung thư phổi và ung thư vú.
Ngoài ra, u não thứ phát còn có một số yếu tố nguy cơ, ví dụ như:
- Giới tính: Theo nghiên cứu, nguy cơ ung thư phổi di căn lên não ở nam giới cao hơn nữ giới. Trong khi đó, ung thư vú phổ biến ở nữ giới hơn.
- Chủng tộc: Một số chủng tộc có nguy cơ hình thành u não thứ phát cao hơn các chủng tộc còn lại.
- Tuổi tác: Hầu hết sự di căn tế bào ung thư lên não phát triển sau độ tuổi trung niên. Thống kê cho thấy tỷ lệ xuất hiện u não thứ phát ở người trên 70 tuổi cao hơn các đối tượng khác.
- Tiền sử sức khỏe gia đình: Nguy cơ bị ung thư gia tăng đáng kể ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh ác tính. Do đó, nhóm đối tượng này có thể có nguy cơ hình thành khối u thứ phát cao hơn người khác.
Đối tượng nguy cơ
Hầu hết những người có khối u não nguyên phát đều không có nguyên nhân rõ ràng. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ xác định 1 số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Tiếp xúc với bức xạ: Những người có tiếp xúc với một loại bức xạ được gọi là bức xạ ion hóa có nguy cơ mắc khối u não cao hơn. Ví dụ về bức xạ ion hóa như: Liệu pháp bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư và phơi nhiễm bức xạ do bom nguyên tử.
- Tiền sử gia đình bị u não: Một tỷ lệ nhỏ các khối u não xảy ra ở những người có tiền sử gia đình bị u não hoặc mắc các hội chứng di truyền, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán
Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh u não thứ phát, bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, cụ thể như sau:
- Thăm khám thần kinh: Thông qua quá trình thăm khám thần kinh bác sĩ có thể quan sát, đánh giá được những thay đổi về khả năng giữ thăng bằng, phối hợp, thính giác, thị giác, phản xạ và trạng thái tinh thần của người bệnh. Kết quả thăm khám thần kinh góp phần làm cơ sở để bác sĩ chẩn đoán tình trạng khối u di căn lên não.
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu thể hiện được những chất bất thường tiết ra từ khối u. Từ đó, giúp bác sĩ kiểm tra dấu hiệu khối u hoặc các vấn đề khác liên quan tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Chụp MRI (hoặc CT): Chụp MRI sử dụng từ trường hoặc sóng vô tuyến để ghi nhận và tạo nên hình ảnh giải phẫu cơ thể rõ nét. Dựa vào kết quả chụp MRI sọ não, bác sĩ có thể quan sát và đánh giá kích thước cũng như xác định vị trí khối u thứ phát.
- Sinh thiết: Để có thêm cơ sở chẩn đoán bệnh u não thứ phát, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện sinh thiết. Thông qua kỹ thuật sinh thiết, bác sĩ có thể phân tích mẫu mô của khối u dưới kính hiển vi, từ đó nắm bắt được thể loại, tốc độ tăng sinh và những đặc điểm liên quan để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh ung thư não thứ phát, nguyên tắc chung là chúng ta cần phải phát hiện và điều trị kịp thời bệnh ung thư ở những cơ quan khác. Hạn chế tối đa tình trạng di căn của tế bào ung thư đến não.
Theo đó, việc thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với yếu tố nguy cơ sẽ giúp cho chúng ta phòng chống được bệnh ung thư. Và đây cũng chính là gốc rễ của căn bệnh ung thư não thứ phát rất nghiêm trọng. Các biện pháp phòng bệnh ung thư nói chung bao gồm:
- Tăng cường bổ sung vitamin từ trái cây, rau quả. Các nhà khoa học cho rằng vitamin có tác dụng chống ung thư rất tốt.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây ung thư như: thịt nướng, thịt xông khói, xúc xích, thức ăn đóng hộp.
- Cần phải có công cụ bảo hộ khi làm việc trong các môi trường độc hại như: tia xạ, hóa chất, kim loại nặng,…
- Tăng cường tập thể dục, thể thao, rèn luyện cơ thể để tăng sức đề kháng của cơ thể với bệnh ung thư.
- Tầm soát thường xuyên đối với những người trên 40 tuổi, những người có người thân mắc bệnh ung thư.
Điều trị
Điều trị u não thứ phát bao gồm 3 phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Ba phương pháp này cần phối hợp với nhau mới cho kết quả khả quan.
Phẫu thuật:
Nhằm loại bỏ khối u, đồng thời không gây tổn thương các tế bào lành lân cận. Tuy nhiên phẫu thuật còn phụ thuộc rất nhiều vào:
- Vị trí khối u (nông hay sâu).
- Giới hạn khối u rõ hay không.
- Trình độ, kinh nghiệm của phẫu thuật viên.
- Sự hiện đại của các trang thiết bị, máy móc.
Không phải loại u não nào cũng có thể điều trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật. Các u não ở vị trí sâu, hành não, thân não, gần mạch máu lớn thì phẫu thuật rất khó.
Xạ trị:
Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau quá trình phẫu thuật. Hoặc tiêu diệt những tế bào ung thư ở sâu mà biện pháp phẫu thuật không thực hiện được.
Hóa trị:
Có tác dụng bổ trợ cho phương pháp phẫu thuật và sau khi xạ trị. Hóa chất sẽ thực sự có tác dụng khi khối u phát triển nhanh, các tế bào lây lan mạnh, độ biệt hóa cao.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không chỉ điều trị đơn thuần khối u thứ phát ở não. Điều quan trọng hơn là phải giải quyết khối u nguyên phát tại các cơ quan khác như phổi, gan, trực tràng,… Chính vì vậy, sau khi giải quyết tình trạng cấp tính ở não, bác sĩ sẽ tập trung điều trị khối u nguyên phát nhằm tiêu diệt tận gốc căn nguyên của bệnh.
Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về u não thứ phát.