Bệnh lỵ Amip là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do Amip lỵ (Entamoeba histolytica) gây nên. Amip thuộc nhóm động vật đơn bào ký sinh trên cơ thể người gây nên tổn thương ở đại tràng chủ yếu là hồi manh tràng và đại tràng lên. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc. Bệnh thường có tiến triển kéo dài và dễ trở thành mãn tính nếu không được điều trị đúng.
Triệu chứng của lỵ amip
Lỵ amip gây nên 3 thể bệnh lâm sàng khác nhau:
- Thể bệnh không có triệu chứng.
- Thể bệnh cấp tính.
- Thể bệnh mãn tính.
Thể bệnh lỵ amip cấp tính
Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài 1-2 tuần, có khi vài tháng.
Khởi phát: Thường từ từ, đôi khi cấp tính. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, thường không có sốt hoặc nếu có cũng chỉ sốt nhẹ, người bệnh cảm thấy sức khỏe bình thường.
Giai đoạn toàn phát: Hội chứng lỵ là tổn thương đặc trưng với các biểu hiện:
- Đau quặn bụng: Bệnh nhân đau âm ỉ dọc khung đại tràng, thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau quặn, thường ở hố chậu phải (vùng hồi manh tràng – đoạn cuối ruột non), kèm theo đó là cảm giác buồn đi ngoài, đi ngoài xong có giảm đau nhưng nhanh chóng xuất hiện đau lại.
- Mót rặn: Đi ngoài ngày từ vài lần đến chục lần. Khi đi ngoài, bệnh nhân không có cảm giác hết phân. Do vậy, bệnh nhân luôn có cảm giác buồn đi ngoài khiến bệnh nhân phải liên tục rặn (mót rặn). Hầu hết mỗi lần rặn , bệnh nhân đi ngoài ra phân có nhầy, máu. Tuy nhiên có những lần rặn, bệnh nhân không đi ngoài ra phân (đi ngoài giả). Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh.
- Phân nhầy lẫn máu, mũi: Vài ngày đầu phân thường lỏng, sệt, có ít nhầy và ít máu. Về sau, phân chủ yếu là nhầy, máu. Nhầy của phân lỵ amip trong như nhựa chuối, đứng riêng rẽ, không lẫn máu, dính bô.
Bệnh dễ tiến triển thành mãn tính nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng. Nhưng nếu được điều trị đúng hướng thì bệnh khỏi sau 7-10 ngày.
Thể bệnh lỵ amip mạn tính
Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách bệnh sẽ trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh cách nhau. Lúc này chức năng đại tràng không còn nữa, triệu chứng bệnh giống như viêm đại tràng mạn: Đau bụng lâm râm, liên tục và rối loạn tiêu hóa, thường là tiêu chảy, đầy hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn, thể trạng suy nhược, biếng ăn, sụt cân gọi là hội chứng suy mòn.
Bệnh còn thể hiện bằng hội chứng lỵ kịch liệt: Cơ thắt hậu môn mở rộng, phân có máu và nhầy tự nhiên chảy ra.
Lỵ amip có nguy hiểm không
Lỵ Amip ở trường hợp nhẹ không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh nhưng lại gây phiền toái rất lớn đối với cuộc sống thường ngày của họ.
Bệnh lỵ amip nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Xuất huyết tiêu hóa : Thường gặp, nhưng thường ở mức độ nhẹ.
- Viêm ruột thừa do amip: Thường nặng do chỉ nghĩ đến viêm ruột thừa đơn thuần nên không có chỉ định điều trị đặc hiệu diệt amip sau phẫu thuật.
- Viêm phúc mạc do thủng ruột: Niêm mạc và lớp dưới niêm mạc đại tràng bị phá hủy nặng -> gây thủng ruột -> viêm phúc mạc, là biến chứng gây tử vong. Bệnh nhân đau bụng dữ dội, sốt cao, co cứng thành bụng.
- Nhiễm trùng: Lây lan ký sinh trùng qua máu đến gan, phổi, não và các cơ quan khác
- Viêm đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, polyp đại tràng.
- Sa niêm mạc trực tràng: Thường xảy ra ở bệnh nhân lỵ amip mạn tái diễn nhiều lần.
- Áp-xe gan: Do amip di chuyển đến gan và gây nên, các biểu hiện có thể bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa và đau ở bên phải phần bụng trên, sụt cân nhanh và gan to.
Phương pháp điều trị
Sau khi thực hiện các xét nghiệm và kết quả cho thấy bạn mắc bệnh lỵ amip thì sẽ cần phải điều trị ngay.
Nguyên tắc trong việc điều trị lỵ amip gồm có: Điều trị diệt amip, điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng nếu có.
- E.histolytica có thể bị tiêu diệt bằng các thuốc như: Kháng sinh nhóm nitroimidazoles; Emetin; …
- Điều trị giảm đau và nhiễm khuẩn phối hợp.
- Can thiệp ngoại khoa để giải quyết các biến chứng như: Viêm ruột thừa, khâu lỗ thủng đại tràng, áp xe gan…
Lỵ amip là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các triệu chứng và tuân thủ đúng phác đồ điều trị là rất quan trọng. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình bằng cách duy trì vệ sinh cá nhân, ăn uống sạch sẽ, và đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Chăm sóc sức khỏe không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình yêu thương dành cho bản thân và những người xung quanh.